Bitcoin tuần tới (3/12 – 9/12): Bứt phá!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Giá Bitcoin được hỗ trợ bởi niềm tin của thị trường về việc giới chức Mỹ sẽ sớm phê duyệt ETF Bitcoin và kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào đầu năm 2024.

Theo dữ liệu của CoinDesk cập nhật lúc 0h ngày 3/12 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin giao dịch ở mức 38.779,7 USD/BTC, tăng hơn 3.700 USD trong 1 tháng qua.

“Việc giá Bitcoin không có nhịp giảm đáng kể cho thấy sức mạnh từ phía cầu lớn hơn hẳn so với cách đây nhiều tháng”, ông Markus Levin – nhà đồng sáng lập mạng blockchain XYO – nói với Barron’s.

Vị chuyên gia lưu ý diễn biến thị trường tiền mã hóa hiện tại mang bóng dáng về giai đoạn đầu của một chu kỳ tăng giá lớn. Tuy vậy, theo ông Markus, giá Bitcoin cần phải được củng cố ở trên mốc 38.000 USD trước khi nối dài mạch tăng.

BTC.png
Diễn biến giá Bitcoin (Nguồn: CoinDesk)

Dữ liệu của Glassnode cho thấy dòng vốn rút ra khỏi các sàn giao dịch tiền mã hóa đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Điều này thể hiện các nhà đầu tư đang chuyển sang chiến lược nắm giữ dài hạn đối với tiền mã hóa.

Đà tăng giá của Bitcoin được hỗ trợ bởi kỳ vọng của thị trường về việc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) sẽ sớm phê duyệt các hồ sơ đăng ký mở quỹ giao dịch hoán đổi Bitcoin giao ngay (ETF Bitcoin spot), qua đó mở ra cơ hội để các nhà đầu tư tổ chức tham gia sâu hơn vào thị trường tiền mã hóa.

Bên cạnh đó, niềm tin vào việc Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất cũng góp phần củng cố triển vọng tích cực cho các tài sản như tiền mã hóa.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường tương lai đã kỳ vọng gần như chắc chắn rằng Fed sẽ hoàn tất chiến dịch tăng lãi suất và có thể bắt đầu cắt giảm ngay sau tháng 3/2024. Ngoài ra, thị trường cũng đặt cược rằng đến cuối năm nay, mức cắt giảm sẽ là 1,25 điểm %, cao hơn so với những dự báo trước đó.

Tuy vậy, trong bài phát biểu hôm 1/12, Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn tỏ ra thận trọng dù thừa nhận chính sách tiền tệ đã đi vào vụng ‘hạn chế’, hàm ý rằng rủi ro giữa việc thắt chặt hay nới lỏng gần như cân bằng./.