Chưa ảnh hưởng nhiều đến DN
Theo Biểu thuế XK, NK có hiệu lực từ 1-1-2015, nhiều mặt hàng NK được giảm thuế; chủ yếu các mặt hàng NK từ các nước Đông Nam Á sẽ không phải chịu thuế NK, theo cam kết của Việt Nam khi thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2015-2018 và các mặt hàng NK từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và New Zealand theo các Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); ASEAN - Ấn Độ (AIFTA); ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) và ASEAN - Úc - New Zealand (AANZFTA)...
Các nhóm hàng cắt giảm thuế thuộc các ngành nông nghiệp, nông sản (thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm), nhiên liệu (xăng dầu, than)… Diện mặt hàng mà Việt Nam không cam kết xóa bỏ thuế trong hầu hết các Hiệp định FTA tập trung vào các nhóm hàng nhạy cảm, gồm: Thuốc lá, rượu, bia, xăng dầu, ô tô, một số linh kiện và phụ tùng ô tô, một số mặt hàng sắt thép, các mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan (đường, trứng, lá thuốc lá) và các mặt hàng an ninh quốc phòng…
Ngay trong những ngày đầu năm 2015, nhiều DN được hỏi cho biết Biểu thuế 2015 hiện tại chưa tác động nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, bắt đầu từ năm 2015, Việt Nam tiếp tục thực hiện lộ trình giảm thuế theo đúng cam kết khi gia nhập WTO, thuế suất thuế NK một số mặt hàng thịt giảm đi nhưng sẽ không gây tác động, ảnh hưởng nhiều tới các DN sản xuất, kinh doanh trong ngành chăn nuôi.
Lý giải cho điều này, ông Vang cho biết năm 2014, tất cả các loại thịt NK chiếm khoảng 2,7% trên tổng số lượng thịt tiêu thụ trên cả nước. Trong đó, Việt Nam lại XK đi khoảng 0,8-0,9%. Vì vậy, nếu tính chi li, lượng thịt NK chỉ chiếm khoảng 1,7-1,8% tổng lượng thịt tiêu thụ. Do vậy, việc giảm thuế sẽ không gây tác động, ảnh hưởng nhiều tới các DN.
Đi vào phân tích, dễ thấy, hiện nay trong tổng số thịt sử dụng cả năm, thịt gia cầm chiếm khoảng 31-32%, thịt lợn chiếm khoảng 62%, còn khoảng 6% là thịt bò, thịt trâu. Đối với gia cầm, nhất là gà, tập quán của Việt Nam thường ăn gà ta, thả vườn, trong khi nước ngoài chủ yếu sản xuất gà công nghiệp nên số lượng NK cũng tương đối hạn chế. Thịt gà NK vào Việt Nam cũng chủ yếu là chân gà, cánh gà, gà già... Lượng thịt sử dụng phần chính vẫn do chăn nuôi trong nước cung ứng.
“Với thịt lợn, năm 2014 Việt Nam NK khoảng 3.000 tấn, chiếm lượng rất nhỏ trong tổng số thịt lợn sử dụng, với giá trị tương ứng khoảng 6 triệu USD và trong năm 2015 dự kiến lượng NK cũng không có nhiều biến động. Riêng với thịt bò, thịt trâu Việt Nam sẽ khó cạnh tranh nổi với các quốc gia có thế mạnh về đồng cỏ, chăn nuôi công nghiệp... Tuy nhiên, lượng các loại thịt này sử dụng hàng năm chỉ chiếm khoảng 6% trong cơ cấu thịt, mức độ tác động không quá lớn”, ông Vang cho biết.
Trao đổi về sự tác động của Biểu thuế 2015, đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro cho hay: Đơn vị NK, phân phối của Tổng công ty hiện đang NK một số mặt hàng thuộc nhóm hàng nhạy cảm là rượu, bia nên chưa được hưởng thuế NK cắt giảm, bên cạnh đó thuế Tiêu thụ đặc biệt có lộ trình tăng trong các năm tiếp theo. Công ty cũng đang nghiên cứu NK một số mặt hàng tiêu dùng (hóa mỹ phẩm, gia dụng), tuy nhiên nhóm hàng này mức giảm chưa đáng kể. Ngành công nghiệp ô tô được cho là sẽ chịu tác động mạnh mẽ khi Việt Nam cắt giảm thuế theo lộ trình cam kết, tuy nhiên đại diện Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải, ông Trương Bình Nguyên, Trưởng phòng Marketing cho biết, Biểu thuế năm 2015 không thay đổi so với Biểu thuế 2014 (thuế NK AFTA vẫn ở mức 50%), vì vậy không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của công ty.
Tác động về lâu dài
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV kỹ nghệ Súc sản Việt Nam – Vissan, Vissan kinh doanh 2 nhóm mặt hàng là thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến. Hàng chế biến ảnh hưởng nhiều vì giá nguyên liệu của mình vốn đã cao, ví dụ giá thịt lợn cao hơn giá thế giới 25%. Việc thay đổi Biểu thuế NK dẫn đến khả năng hàng hóa nước ngoài tràn ngập thị trường, cạnh tranh với hàng hóa trong nước do tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của hàng nước ngoài tốt hơn. Điều này chắc chắn ảnh hưởng. Nhưng ông Mười cho rằng, đến giờ phút này, do đây mới chỉ là năm đầu tiên thực hiện lộ trình giảm thuế 2015-2018, nên chưa ảnh hưởng nhiều đến DN.
Tuy nhiên, theo ông Mười, nhìn về dài hạn, Việt Nam gia nhập sâu rộng các Hiệp định thương mại, nhất là gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, sự chuẩn bị của DN còn yếu nên sức cạnh tranh còn hạn chế vậy nên chắc chắn thị trường sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Là DN chuyên sản xuất sản phẩm nội thất làm từ gỗ NK, đại diện Công ty TNHH Đầu tư Đường Thành cho biết thuế NK nguyên liệu năm 2015 không giảm, vì vậy việc sản xuất kinh doanh của DN không có ảnh hưởng lớn so với năm trước. “Hiện nay những mặt hàng mà chúng tôi NK, ngay cả NK từ Trung Quốc chưa được hưởng ưu đãi thuế quan. Nguyên liệu để sản xuất sản phẩm của DN chúng tôi (sản phẩm gỗ nội thất) hầu hết phải NK vì đa phần trong nước chưa sản xuất được, hoặc đã sản xuất nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Thuế NK gỗ của chúng tôi là 25%, cộng thêm 10% thuế GTGT, tổng cộng là 35%, mức thuế rất cao”, ông Phạm Ngọc Linh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Đường Thành cho biết.
Tuy vậy, ông Phạm Ngọc Linh cho rằng có nhiều mặt hàng sẽ giảm thuế NK theo các Hiệp định thương mại tự do, vì thế trong khi “các DN thương mại rất hài lòng khi thuế NK giảm thì các DN sản xuất trong nước sẽ gặp phải vấn đề về cạnh tranh”. Theo ông Thành, thuế NK giảm có hai mặt lợi và hại, nhưng đó là xu thế chung, các DN không thể làm khác được mà buộc phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình.
Như vậy, có thể là năm đầu trong lộ trình giảm thuế 2015-2018 nên sự tác động đến DN chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý là bên cạnh những DN quan tâm đến biểu thuế mới thì đến thời điểm này, khi Biểu thuế 2015 được ban hành được gần 1 tháng, nhưng khi được hỏi, nhiều DN vẫn cho biết chưa cập nhập nội dung của biểu thuế.
Về lâu dài, việc cắt giảm thuế theo lộ trình cam kết của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết sẽ có những tác động sâu sắc đến tình hình DN, đòi hỏi các DN phải nghiên cứu để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự cạnh tranh trên sân nhà.
Từ ngày 1-1-2015, Việt Nam sẽ cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế từ thuế suất hiện hành 5% xuống 0% theo cam kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA). Như vậy, năm 2015, sẽ chỉ còn 7% dòng thuế, tương đương trên 600 mặt hàng được xem là nhạy cảm nhất chưa cắt giảm về 0%. Điều này có nghĩa là hầu hết các mặt hàng của các nước trong khu vực ASEAN NK vào Việt Nam nếu đáp ứng đủ điều kiện xuất xứ theo quy định của Hiệp định sẽ được hưởng thuế suất bằng 0%. Hàng hóa của ta xuất sang các nước ASEAN như Thái Lan, Myanmar, Philippines… đã được hưởng thuế suất 0% từ năm 2010.
(Nguồn: Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính)