“Khả năng nổ ra chiến tranh đang tăng cao” khi căng thẳng quanh vấn đề Triều Tiên và Biển Đông đang nóng lên, ông Liu Guoshun, một thành viên của đơn vị động viên quốc phòng thuộc Quân ủy trung ương Trung Quốc đã viết hôm 20/1 vừa qua, đúng ngày mà ông Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ.
“Một cuộc chiến trong nhiệm kỳ này” hay “chiến tranh nổ ra ngay tối nay” không chỉ là những khẩu hiệu mà là sự thực”, ông Liu phát biểu trong bài bình luận.
Bài bình luận này được đăng lại trước tiên trên nhật báo Hong Kong South China Morning Post vào sáng 27/1 giữa lúc những lo ngại về một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gia tăng.
Ông Ian Bremmer, chủ tịch và là người sáng lập của hãng tư vấn rủi ro chính trị toàn cầu, tập đoàn Á-Âu, cho rằng bài báo của quân đội Trung Quốc là nhằm đe dọa hơn là phô diễn sức mạnh.
“Chính phủ Trung Quốc khá quan tâm đến khả năng xảy ra cuộc đối đầu trực tiếp với chính quyền ông Trump”, ông Bremmer trả lời CNBC.
Trước đó, Bắc Kinh đã thận trọng hơn trong việc phản ứng lại những lời phát biểu chống Trung Quốc của ông Trump, nhưng hiện nay “các quan chức Trung Quốc đang chuẩn bị cho tình huống tệ nhất có thể xảy ra, và họ có thể sẽ trả đũa một cách quyết đoán để đáp lại bất kỳ chính sách nào của Mỹ mà họ coi là chống lại lợi ích của Trung Quốc”, ông Bremmer nhận định.
Chỉ trong vòng hơn một tuần kể từ khi nhậm chức, chính quyền ông Trump đã chuyển hẳn giọng điệu của nước Mỹ từ thận trọng sang cứng rắn chống lại những yêu sách lãnh thổ ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Trump đã phát biểu vào hôm thứ Hai đầu tiên sau lễ nhậm chức rằng Mỹ sẽ ngăn chặn, không cho Trung Quốc chiếm cứ lãnh thổ ở vùng biển quốc tế trong khu vực.
“Nước Mỹ đảm bảo rằng chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích của mình ở đây”, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer trả lời câu hỏi liệu ông Trump có đồng ý với những lời bình luận của Ngoại trưởng được chỉ định Rex Tillerson, cựu CEO của Exxon Mobil, tuyên bố Trung Quốc không được phép tiếp cận các hòn đảo nhân tạo phi pháp mà nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Trung Quốc đã lắp đặt các hệ thống vũ khí và xây dựng các đường băng quân sự trong khu vực đang tranh chấp. Trong khi đó, truyền thông do Bắc Kinh ủng hộ đã lớn tiếng đe dọa rằng Mỹ sẽ cần phải gây chiến để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Mỹ cần Trung Quốc hợp tác để kiểm soát các mối đe dọa từ Triều Tiên. Nhưng sự thách thức đối vói chính sách “Một Trung Quốc” của Mỹ (vốn được Trung Quốc xem là lằn ranh đỏ), mặc dù không có nghĩa Mỹ chính thức công nhận Đài Loan độc lập cũng có thể làm căng thẳng Mỹ-Trung tăng lên.
“Trung Quốc không muốn có rắc rối với Mỹ, càng không muốn có rắc rối trong cuộc chạy đua chuyển giao lãnh đạo vào mùa thu năm nay”, ông Bremmer cho hay, “Nhưng nếu rắc rối xảy ra, Trung Quốc muốn ông Trump nhận thức được hậu quả”.
Ngoài việc tăng cường đối thoại về quân sự, Bắc Kinh cũng tăng cường thúc đẩy hệ thống kinh tế Trung Quốc như một biện pháp thay thế cho thứ mà nước này gọi là ‘khủng hoảng’ của nền dân chủ phương Tây và tư bản chủ nghĩa.
“Nền dân chủ theo kiểu phương Tây đã đóng vai trò tiến bộ trong lịch sử, nhưng hiện nay nền dân chủ này lại đang tồn tại những nhược điểm nghiêm trọng", ông Han Zhen, bí thư đảng ủy trường Đại học ngoại ngữ Bắc Kinh nhận định như vậy trong một bài xã luận đăng trên tờ Nhân dân nhật báo mới đây.