Mới đây, cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu đã tiến hành các hoạt động hải quân và không quân trên Biển Đông. Đây là thách thức đầu tiên của Mỹ với các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trong vùng biển này kể từ khi tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Hải quân Mỹ đã tuyên bố các hoạt động này bắt đầu từ hôm 18/2 và Mỹ coi đây là “lịch trình thông thường” trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc lại ngay lập tức gọi các hoạt động tự do hàng hải của nhóm tàu chiến này là mối đe dọa với Trung Quốc.
Một quan chức tại Lầu Năm Góc cho biết các hoạt động hải quân này không phải là hoạt động tự do hàng hải mà chỉ là hình thức diễn tập mà hải quân Mỹ đã thực hiện hàng trăm năm nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã ra lệnh thực hiện cuộc diễn tập này. Theo National Interest, ông Mattis hết sức lo ngại việc Mỹ thiếu các hoạt động hải quân và không quân thường xuyên trên vùng biển này đã làm hủy hoại sự ổn định trong khu vực.
Các hoạt động tàu sân bay của Mỹ khiến Bắc Kinh biết rằng tân tổng thống Mỹ có thể sẽ tiếp tục chính sách của Mỹ trước đây trong việc củng cố các đồng minh trong khu vực, nhưng đồng minh này đang ngày càng lo lắng trước những hành vi hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.
Theo National Interest, Trung Quốc đang bồi lấp phi pháp các đảo nhân tạo trên Biển Đông, và trong vòng 12 tháng qua, nước này còn trang bị thêm các thiết bị quân sự lên các đảo nhân tạo này.
Các chuyên gia phân tích Mỹ cho rằng việc Trung Quốc xây dựng quân sự trong khu vực diễn ra một cách hết sức từ từ và khôn khéo, nhằm tránh kích động một cuộc đối đầu trực tiếp với Washington.
Chẳng hạn, những bệ phóng tên lửa hải quân đã bị phát hiện trên một số đảo nhân tạo bồi lấp trái phép ở quần đảo Trường Sa. Theo hình ảnh tình báo của Mỹ, các tên lửa này được đánh giá có tầm bắn dưới một dặm, do đó không thể đe dọa đến các tàu chiến Mỹ đi ngang qua các đảo này. Tuy nhiên các nhà phân tích tình báo tại Lầu Năm Góc lưu ý rằng các bệ đặt tên lửa này được xây dựng để có thể linh hoạt đặt những tên lửa hành trình chống hạm tầm xa và những tên lửa tiên tiến hơn, đây là những vũ khí sẽ đe dọa trực tiếp tới hoạt động tuần tra của tàu chiến Mỹ trong khu vực.
Tướng Mattis là một tín đồ trung thành với các chính sách “Hòa bình thông qua sức mạnh” của ông Trump. Do đó ông có thể sẽ bác bỏ chính sách tránh xáo trộn Trung Quốc của chính quyền trước. Chính sách trước đây đã khiến Mỹ giảm thiểu số lượng các hoạt động thực thi tự do hàng hải trên Biển Đông và các nơi khác.
Ông Mattis cũng trả lời rõ trong phiên điều trần trước Thượng viện rằng các hành vi của Trung Quốc đòi hỏi Mỹ phải củng cố các đồng minh trong khu vực Đông Nam Á.
“Hành vi của Trung Quốc đã khiến các nước trong khu vực trông chờ sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn của Mỹ”, ông khẳng định và bổ sung thêm rằng, một khi còn tại vị, ông sẽ tìm cách củng cố các liên minh và xem xét lại các khả năng quân sự của Mỹ trong khu vực.
“Chúng ta phải tiếp tục bảo vệ lợi ích quốc gia ở đây, những lợi ích bao gồm cả duy trì các quyền tự do hàng hải và hàng không hợp pháp”. Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cho rằng tự do hàng hải và hàng không là “lợi ích tối quan trọng trong việc bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia khác”. Đây là một tuyên bố thẳng thắn và trực tiếp trong một cam kết mạnh mẽ, nhằm ngăn chặn các nỗ lực biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đã rất chú ý đến những tranh chấp ở Biển Đông và ông cũng hứa trong phiên điều trần trước Thượng viện là sẽ không để Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp nữa.
Ngoài tàu sân bay Vinson và các máy bay chiến đấu của tàu sân bay này, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Meyer cũng đang tham gia vào các hoạt động trên Biển Đông. Các loại máy bay tấn công sẽ bay qua vùng biển bao gồm máy bay F/A-18 Super Hornet, máy bay trực thăng và máy bay tác chiến điện tử.
Trước khi tiến vào Biển Đông, tàu Carl Vinson đã tiến hành huấn luyện ở Hawaii và đảo Guam để “nâng cao khả năng quân sự và củng cố sự gắn kết của tội tác chiến này”, hải quân Mỹ cho hay.
“Hoạt động huấn luyện trong những tuần qua đã thực sự kết nối đội tác chiến này và nâng cao tính hiệu quả cũng như sự sẵn sàng tấn công của cả đội”, chuẩn Đô đốc James Kilby, người chỉ huy đội tàu cho biết, “Chúng tôi đang mong chờ được chứng minh các khả năng này trong khi củng cố mối quan hệ khăng khít hiện nay với các đồng minh, đối tác và bạn bè trong khu vực Ấn Độ- châu Á- Thái Bình Dương”.
Trước đó, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo nước Mỹ vì đã thách thức các tuyên bố chủ quyền của nước này trên Biển Đông.
“Trung Quốc tôn trọng và duy trì tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, điều mà các nước hoàn toàn được hưởng theo luật pháp quốc tế, nhưng Trung Quốc phản đối lại các nỗ lực của bất kỳ nước nào nhằm phá hoại chủ quyền và an ninh của Trung Quốc dưới danh nghĩa tự do hàng hải và hàng không”, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Gen Shuang tuyên bố.
Tờ Hoàn Cầu, tờ báo dân tộc chủ nghĩa khét tiếng Trung Quốc cáo buộc: “Việc Mỹ triển khai tàu sân bay Carl Vinson tới Biển Đông vào ngày 18/2 là một mối đe dọa đối với Trung Quốc”. Tuy nhiên, tờ báo với luận điệu chống Mỹ hàng đầu này gần đây lại không có thêm bài báo kích động hiếu chiến nào. Thay vì gọi các hoạt động diễn tập này là một hành vi chiến tranh hay thù địch, Hoàn Cầu chỉ tuyên bố rằng hoạt động hải quân mới làm tăng nguy cơ đối đầu không xác định.
Sĩ quan tình báo hải quân đã nghỉ hưu Mỹ, Jim Fanell cho rằng triển khai tàu sân bay là một sự kiện thông thường của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ kể từ sau Thế chiến II.
Ông Fanell nêu rõ: “Tương tự, hoạt động của cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông chẳng hề mang tính khiêu khích hay chưa từng xảy ra. Khá tương phản và bất chấp các phản đối từ phía Bắc Kinh, chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục thể hiện cam kết của mình với nguyên tắc tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế”.