Biển Đông: Quân đội Trung Quốc sẽ mạo hiểm quân sự nếu ông Tập Cận Bình mất kiểm soát

VietTimes -- Ông Tập đã khởi xướng cho quan điểm cứng rắn, Quân đội Trung Quốc chắc chắn “có người muốn mạo hiểm với khủng hoảng quân sự”, nhưng ông Tập có "quyền lực" và biết điều tiết.
Tháng 4/2016, ông Tập Cận Bình thị sát Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp Quân ủy. Ảnh: báo Liên hợp, Đài Loan.
Tháng 4/2016, ông Tập Cận Bình thị sát Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp Quân ủy. Ảnh: báo Liên hợp, Đài Loan.

Tờ Liên hợp Đài Loan ngày 8/8 cho rằng sau khi Tòa trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 công bố kết quả phán quyết vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines, tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc đã chịu "sức ép" rất lớn từ phía quân đội của họ.

Quân đội Trung Quốc lên tiếng đòi áp dụng biện pháp cứng rắn trong vấn đề Biển Đông để đáp trả lại phán quyết của Tòa trọng tài.

Nhưng, có chuyên gia phân tích cho rằng ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc có khả năng kiểm soát được quân đội nước này.

Mặc dù "tình cảm dân tộc chủ nghĩa" cực đoan ở Trung Quốc hiện nay đang leo cao, nhưng Chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát được nó.

Từ ngày 5 - 11/7/2016, 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận bất hợp pháp ở vùng biển phía đông đảo Hải Nam và vùng biển quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam). 4 sĩ quan cấp cao quân hàm Thượng tướng của Trung Quốc đã trực tiếp chỉ đạo tập trận tại hiện trường. Ảnh: Sina Trung Quốc.
Từ ngày 5 - 11/7/2016, 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận bất hợp pháp ở vùng biển phía đông đảo Hải Nam và vùng biển quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam). 4 sĩ quan cấp cao quân hàm Thượng tướng của Trung Quốc đã trực tiếp chỉ đạo tập trận tại hiện trường. Ảnh: Sina Trung Quốc.

Hãng tin Reuters Anh dẫn nguồn tin cho rằng một số tiếng nói trong Quân đội Trung Quốc (lực lượng ngày càng "tự tin" và hung hăng trên biển) đã yêu cầu lãnh đạo cấp cao Trung Quốc áp dụng biện pháp cứng rắn hơn.

Bài viết bất ngờ liên hệ với cuộc Chiến tranh Biên giới năm 1979, khi đó Trung Quốc đã tiến hành một chiến tranh xâm lược phi nghĩa đối với Việt Nam với lý do gọi là "trừng phạt". Sau đó Quân đội Trung Quốc thua tơi tả và đã phải nhanh chóng rút quân về nước.

Ngày 2/8/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cảnh cáo rằng Trung Quốc đang đối mặt với mối đe dọa an ninh biển, Trung Quốc cần sẵn sàng tiến hành cái gọi là một cuộc "chiến tranh nhân dân trên biển".

Bài báo đặt câu hỏi: Liệu ông Tập Cận Bình có thể ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc cực đoan đến từ phía quân đội và người dân của ông ta hay không?

Nhà nghiên cứu cấp cao về vấn đề Trung Quốc và quốc phòng quốc tế, Timothy Heath từ Công ty RAND Mỹ (một cơ quan nghiên cứu) cho rằng quân đội Trung Quốc chắc chắn “có người muốn mạo hiểm với khủng hoảng quân sự”.

Gần đây, 3 Thượng tướng Trung Quốc do Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã thị sát Chiến khu miền Nam và ra chỉ thị
Gần đây, 3 Thượng tướng Trung Quốc do Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã thị sát Chiến khu miền Nam và ra chỉ thị "sẵn sàng chiến đấu" cụ thể ở Biển Đông. Ảnh: CCTV.

Những người này truyền đi thông điệp chính trị của Trung Quốc với Mỹ cùng với quyết tâm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Nhưng, nhà nghiên cứu Timothy Heath cho rằng những điều này đều nằm trong phạm vi có thể kiểm soát của ông Tập Cận Bình.

Timothy Heath cho biết: "Đừng quên rằng, chính bản thân ông Tập Cận Bình đã tạo ra quan điểm chính trong vấn đề chủ quyền là cứng rắn. Ông là người đề ra 'chính sách về giới hạn'. Trong rất nhiều trường hợp, ông Tập đều tuyên bố Trung Quốc không thể thỏa hiệp trong vấn đề chủ quyền.

Quan điểm chính của ông Tập trong vấn đề chủ quyền cứng rắn hơn nhiều so với ông Hồ Cẩm Đào (người tiền nhiệm). Vì vậy, tôi cho rằng, ông có quyền lực và cũng rất tự tin. Ông ta có thể xử lý những vấn đề này".

Timothy Heath cho rằng ông Tập Cận Bình đã tìm cách áp đặt yêu sách chủ quyền, cũng "sẵn sàng chịu một số rủi ro". Nhưng ông cũng ý thức được rằng nếu khiêu khích Mỹ thì sẽ xảy ra xung đột quân sự. Cách xử lý vấn đề đòi hỏi phải phù hợp với cái gọi là "lợi ích của Trung Quốc".

Phó giáo sư Jessica Chen Weiss từ Học viện Chính phủ, Đại học Cornell Anh cho rằng sau khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết, Trung Quốc đã "mất thể diện", nhưng không muốn "tỏ ra yếu thế".

Từ ngày 5 - 11/7/2016, 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận bắn đạn thật bất hợp pháp trên Biển Đông. Ảnh: ChinaNews.
Từ ngày 5 - 11/7/2016, 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận bắn đạn thật bất hợp pháp trên Biển Đông. Ảnh: ChinaNews.

Theo bà Jessica Chen Weiss, Quân đội Trung Quốc chắc chắn đã có được một số không gian tự do mới thể tỏ thái độ cứng rắn như vậy.

Họ phát đi tín hiệu đe dọa đối với các nước khác, ngăn chặn các nước khác áp dụng hành động cứng rắn để tránh cho Trung Quốc buộc phải đưa ra ứng phó cứng rắn.

Tuy nhiên, bà Jessica Chen Weiss cho rằng chính phủ Trung Quốc luôn biết cách “lựa chọn” trong việc để cho người dân phát tiết tình cảm "dân tộc chủ nghĩa" cực đoan, tức là biết điều tiết nó cho phù hợp với mục đích, ý đồ của Bắc Kinh.