BIDV đặt mục tiêu cho 2020: Lãi trước thuế 12.500 tỷ đồng, vốn điều lệ 45.549 tỷ đồng

VietTimes -- Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch sẽ được HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã CK: BID) trình cổ đông thông qua tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, dự kiến tổ chức vào ngày 7/3 sắp tới.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo tài liệu các tài liệu liên quan đến cuộc họp được BIDV công bố, nhà băng này hiện được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giao mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng là 9% cho năm nay. Ở chiều hướng ngược lại, hoạt động huy động vốn cũng được đặt mục tiêu tăng trưởng tương ứng nhằm phù hợp với kế hoạch sử dụng vốn.

Năm 2020, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 12.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1,6%. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến ở mức 7%.

Được biết, trong năm 2019, BIDV báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.876 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2018 và vượt kế hoạch được giao (10.300 tỷ đồng).

Như vậy, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 của BIDV là gần 15%.

Một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 của BIDV (Nguồn: BID)
Một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 của BIDV (Nguồn: BID)

Bên cạnh đó, BIDV cũng trình ĐHĐCĐ thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ mức 40.220 tỷ đồng lên 45.549 tỷ đồng (+13,3%), thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức (281,5 triệu cổ phiếu) và phát hành thêm cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (251,37 triệu cổ phiếu, tương ứng 6,25% số cổ phần đang lưu hành).

Cụ thể, nhà băng này sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7%, dự kiến được thực hiện trong khoảng thời gian từ Quý 3 - Quý 4/2020. Số cổ phiếu phát hành thêm có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, không bị hạn chế chuyển nhượng.

Về việc chào bán thêm cổ phần, BIDV dự kiến sẽ thực trong giai đoạn từ năm 2020 - 2021.

Mặt khác, nhà băng này cũng sẽ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP), phát hành trái phiếu chuyển đổi (để tăng tính linh hoạt cho kế hoạch tăng vốn).

HĐQT BIDV cho biết ngân hàng cần có kế hoạch tăng vốn nhằm đảm bảo nhu cầu vốn trong cả điều kiện kinh doanh thông thường và điều kiện căng thẳng, trong đó tăng vốn điều lệ là một trong những nguồn tăng giữ vai trò nền tảng, tạo điều kiện cho các nguồn tăng thứ cấp khác. Ngoài ra, việc tăng vốn sẽ giúp BIDV cải thiện các kết quả định hạng tín nhiệm của các tổ chức quốc tế.

Tăng vốn điều lệ là một trong các nội dung chú trọng hàng đầu của BIDV những năm qua.

Trước đó, trong năm 2019, BIDV đã phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược KEB Hana Bank. Tổng giá trị thương vụ gần 20.300 tỷ đồng. Sau khi trở thành cổ đông lớn thứ 2 ở BIDV, KEB Hana Bank cũng cử ông Yoo Je Bong vào HĐQT của ngân hàng.

Tính đến cuối năm 2019, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư của BIDV đạt 1.325.667 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 1.134.430 tỷ, tăng trưởng 12,2%, chiếm 13,8% thị phần tín dụng toàn ngành.

Ở chiều hướng ngược lại, tổng nguồn vốn huy động của BIDV đạt 1.374.758 tỷ, tăng trưởng 12,1% so với năm 2018. Trong đó, huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1.187.162 tỷ, tăng trưởng 12,7%; tiền gửi khách hàng chiếm 12,8% thị phần tiền gửi khách hàng toàn ngành./.