Theo Hợp đồng hợp tác số 05/HTĐT/2010-2011 giữa Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Việt Phương (tại 37 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) và Công ty cổ phần Xây dựng 71 (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), 2 doanh nghiệp này thống nhất cùng góp vốn đầu tư Dự án Khu nhà ở Green House tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng 71, Hợp đồng hợp tác đầu tư trên được lập trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Việt Phương và Công ty cổ phần Đầu tư Sông Đà Toàn Cầu về việc hợp tác đầu tư xây dựng Dự án Khu nhà ở Green House từ trước năm 2011. Dự án Green House có diện tích 13,1 ha, do UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) tại Quyết định số 416.QĐ-UBND ngày 28/2/2008.
Theo những tài liệu mà phóng viên Báo Đầu tư có được, Công ty cổ phần Xây dựng 71 đã góp vào Dự án này hơn 40 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đã tiến hành huy động vốn từ nhiều khách hàng cá nhân, với số tiền nhiều tỷ đồng. Việc ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư, huy động vốn diễn ra từ năm 2010 - 2011. Theo cam kết, đơn vị huy động vốn sẽ phải trả sản phẩm bất động sản cho bên góp vốn vào các năm 2012 - 2013, nhưng đến nay, tất cả các cam kết đều không thành hiện thực vì dự án không được triển khai đúng tiến độ.
Công trình được chủ đầu tư dự kiến khởi công từ quý II/2008, hoàn thành trong quý IV/2011. Các nhà đầu tư có liên quan đến dự án này đang đi vào ngõ cụt, khi mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hạ tầng và Xây lắp Hòa Bình (HIDIC, tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư Sông Đà Toàn Cầu) - chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở Green House thông báo: “Dự án đang trong giai đoạn rà soát quy hoạch, chưa được giao đất, chưa thực hiện giải phóng mặt bằng, nên mọi hình thức liên quan đến giao dịch, chuyển nhượng dự án đều bất hợp pháp”.
Theo ông Ngô Anh Tuấn – Ủy viên HĐQT HIDIC, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Sông Đà Toàn Cầu, mọi thông tin rao bán, chuyển nhượng, góp vốn vào Dự án Green House thời gian vừa qua đều là mạo danh và trái pháp luật. Như vậy, những khách hàng đã góp vốn đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền đã đầu tư vào dự án này.
Tương tự, Khu đô thị Tuần Châu Hà Nội (Khu đô thị Tuần Châu Hà Tây trước đây, nay lấy tên thương mại là Tuần Châu Ecopark) nằm trên địa bàn xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) do Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội làm chủ đầu tư cũng được nhiều khách hàng ký hợp đồng góp vốn từ nhiều năm trước. Dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) ngày 10/7/2008 theo Quyết định 2238/QĐ-UBND tỉnh Hà Tây (trước khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội).
Theo giới thiệu của chủ đầu tư, Dự án bao gồm: khu dân cư sinh thái, khu biệt thự cao cấp, trung tâm thương mại, khách sạn nghỉ dưỡng, công viên giải trí, khu bệnh viện và trường học quốc tế… theo mô hình của một thành phố thu nhỏ. Nhưng rất tiếc, gần 8 năm sau thời điểm Dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết, nhà đầu tư vẫn chưa nhận được sản phẩm bất động sản theo cam kết.
Một dự án khác có số phận bi đát là Vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận (tại huyện Phúc Thọ) do Công ty TNHH Thương mại Kim Thanh làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) tại Quyết định số 1411/QĐ-UBND, ngày 6/8/2007.
Khu vườn sinh thái có quy mô hơn 247,4 ha, với dân số 8.000 - 10.000 người. Đây được xem là một trong những khu đô thị sinh thái đầu tiên trên cả nước. Vào các năm 2009 - 2010, nhiều nhà đầu tư đã đổ hàng chục tỷ đồng đầu tư vào dự án này, nhưng đến nay, chỉ lác đác vài ba căn nhà có chủ nhân đến ở. Hầu hết các nền đất đều bỏ cỏ mọc hoang.
Theo; Báo Đầu tư