Trong nửa đầu năm 2015, nguồn cung các dự án bất động sản nghỉ dưỡng được công bố tăng đột biến so với suốt giai đoạn thị trường khủng hoảng (tức 8 năm trước). Hầu như khu vực, địa phương nào có bờ biển, các doanh nghiệp đều chạy đua giới thiệu hoặc chào bán dự án.
Nổi bật nhất là Phú Quốc, hàng loạt dự án nghỉ dưỡng lớn khu Bãi Dài, thuộc xã Gành Dầu, nằm trên bờ biển phía Tây - Bắc của Phú Quốc lần lượt công bố ra thị trường. Tình trạng sốt đất lẻ tại nhiều khu vực gần biển trên đảo Phú Quốc cũng diễn ra nhiều đợt trong 6 tháng đầu năm. Những khu biệt thự hướng biển, phức hợp biển, căn hộ nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao có tầm nhìn ra các bãi tắm của Vingroup, Sun Group, BIM Group, MIK, Long Điền với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đều đã lộ diện.
Thống kê của huyện Phú Quốc, hiện đảo này có tổng cộng 202 dự án đầu tư, chiếm 7.976 ha. Cấp mới trong năm có 11 giấy chứng nhận đầu tư với hơn 90 ha. Lũy kế đến nay, có 136 dự án đang triển khai với quy mô 5.010 ha. Tổng vốn đầu tư cho tới thời điểm này lên đến 144.190 tỷ đồng. Trong đó có 21 dự án đã hoạt động và đa phần là từ nguồn vốn FDI.
Tại khu vực miền Trung, nơi được mệnh danh là thủ phủ của bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam trong nhiều thập niên qua cũng xuất hiện các loại hình tài sản dọc theo bờ biển khá đa dạng.
Trong tháng 7, Đất Xanh Miền Trung dự kiến giới thiệu các nền đất (đã có sổ đỏ) Sky Town House nằm gần bãi biển Mỹ Khê. Trung tuần tháng 6, Công ty KTG Land mở bán các căn hộ cuối cùng Fusion Suites Đà Nẵng Beach. Dự án được xây dựng theo mô hình cao ốc tiêu chuẩn 5 sao 100% hướng biển.
Dòng sản phẩm biệt thự biển thương hiệu Vinpearl Premium tại Đà Nẵng, Nha Trang (2 dự án) cũng làm mưa làm gió bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp dọc miền Trung. Công ty Hưng Thịnh tiếp tục mở bán các giai đoạn tiếp theo của dự án biển Golden Bay ở Cam Ranh.
Một số chuyên gia lo ngại bất động sản nghĩ dưỡng Việt Nam đang tăng trưởng quá nóng. Ảnh: Văn Đông |
Ở phía Bắc, thậm chí có doanh nghiệp còn khánh thành khu đô thị nghỉ dưỡng quy mô lớn. Công ty CP Tập đoàn FLC khai trương quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn gần 200 ha (giai đoạn 1) tại thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, giai đoạn đầu sẽ đưa vào khai thác từ ngày 12/7. Tháng 6, Syrena Việt Nam - BIM Group ra mắt dự án Lotus Residences - nhà liền kề nghỉ dưỡng Vạn Liên (159 căn) nằm tại bán đảo 2 của Khu đô thị Hạ Long Marina.
Ngay cả TP HCM cũng không đứng ngoài cuộc đua giành thị phần bất động sản hướng biển. Trung tuần tháng 6, Văn phòng UBND TP HCM thông báo, Tập đoàn Vingroup sẽ tham gia làm đối tác chiến lược thực hiện dự án Khu đô thị biển Cần Giờ rộng 821ha. Trước đó, dự án do Công ty cổ phần Khu đô thị du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư nhưng đã không được triển khai hiệu quả suốt 15 năm qua.
Giám đốc điều hành Công ty Alternaty, Rudolf Hever đánh giá trong 6 tháng qua, các hoạt động phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng diễn ra khá sôi động. Các chủ đầu tư và nhà đầu tư đã tự tin hơn trong việc tiến hành dự án mới. Trong nguồn cung mới này, một số là dự án hoàn toàn mới, số còn lại là dự án đã bị trì trệ trong vòng vài năm qua.
Theo ông Rudolf Hever, mối quan tâm từ các quỹ đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu gia tăng. Song, hầu hết các quỹ này đều có giao dịch các tài sản đa dạng nên vẫn chưa được công bố chính thức. Sự quan tâm của khách hàng cá thể và nhà đầu tư cá nhân vào lĩnh vực này nóng dần lên. Alternaty ghi nhận, hiện các đơn vị phân phối bất động sản nghỉ dưỡng nhận được nhiều cuộc gọi hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài tìm mua ngôi nhà thứ hai.
Bên cạnh các thị trường quen thuộc như: Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc là thị trường sôi động nhất. Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng (sân bay, giao thông, điện, nước) và các sự kiện mang tính thay đổi cục diện (có thể sẽ có casino, bến du thuyền quốc tế, chính sách miễn visa và đặc khu kinh tế) đã thúc đẩy thị trường này tăng nhiệt. Nhiều nhà điều hành quốc tế cùng với các thương hiệu toàn cầu đang tiếp cận các dự án ở đây. "Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc hấp dẫn đến mức nhà đầu tư cá nhân khó có thể chờ đợi cho đến khi các dự án villa và condotel tiềm năng được tung ra để chớp lấy cơ hội đầu tư", chuyên gia này nhận xét.
Trả lời câu hỏi về nỗi lo bất động sản nghỉ dưỡng đang có dấu hiệu tăng quá nóng và sốt ảo, ông Rudolf Hever thừa nhận: "Mỗi lần nghe thấy từ 'cơn sốt' xuất hiện, tôi lại trở nên lo lắng và hoài nghi".
Theo chuyên gia này, không may là thị trường bất động sản Việt Nam đã dành quá nhiều thời gian cho "cơn sốt" và "bùng phát" mà không đủ thời gian để phát triển với nhịp độ bền vững dựa trên những nguyên tắc cơ bản.
Ông Rudolf Hever phân tích, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng đúng là đang tăng lên. Dường như thị trường đã vượt qua đáy và có rất nhiều lý do để lạc quan và kỳ vọng tình hình sẽ khởi sắc theo chu kỳ kinh doanh trong những năm tới. Về phía nguồn cầu, đối với khách mua ngôi nhà thứ hai, niềm tin vẫn chưa rõ rệt và những dấu hiệu trên vẫn chưa thật sự vững chắc. "Chúng ta sẽ có sự hình dung tốt hơn trong 6 tháng tới, đặc biệt sau khi điều luật sở hữu cho đối tượng người nước ngoài có hiệu lực", ông dự báo.
Với quan điểm khá thận trọng, Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa phân tích: "Cần tỉnh táo với sự tăng trưởng nóng của bất động sản nghỉ dưỡng như hiện nay. Điểm rơi an toàn của thị trường này cần đến 10 năm nữa".
Theo ông Nghĩa, các đô thị biển của Việt Nam cần một thập niên để hoàn thiện hạ tầng dịch vụ, hạ tầng xã hội để thúc đẩy và biến tiềm năng của du lịch biển thành sự thật. Hiện nay biệt thự biển chỉ thật sự hấp dẫn tại những vùng ven biển vị trí đẹp, có chiến lược phát triển đường cao tốc, sân bay, hình thành cơ chế đặc khu kinh tế... Dòng tiền chảy vào kênh này thuộc nhóm dài hạn, thời gian thu hồi vốn 6-10 năm.
Theo VnE