Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng: Cuộc chiến cam go nhưng phải thắng!

E-magazine Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng: Cuộc chiến cam go nhưng phải thắng!

VietTimes – Sự bùng nổ của công nghệ và sự phát triển của không gian mạng, bên cạnh những lợi ích còn là những nguy cơ tiềm ẩn to lớn.

Ngày 25/10/2018, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về việc “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết đã trở thành kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trên mặt trận đấu tranh phòng, chống các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang ngày càng hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.

1.png

Lịch sử đã chứng minh nền tảng tư tưởng của Đảng ta đóng vai trò vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng chính là bảo vệ cách mạng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trước khi Đảng ta ra đời và lựa chọn Chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng lý luận, cách mạng Việt Nam đã trải qua những năm tháng vô cùng đen tối. Các phong trào đấu tranh tự phát của mọi tầng lớp nhân dân, từ những cuộc khởi nghĩa mang màu sắc phong kiến như của Hoàng Hoa Thám và Phan Đình Phùng, những binh biến của Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến, phong trào cải cách bất bạo động của Phan Chu Trinh hay Lương Văn Can, công cuộc Đông du của Phan Bội Châu, cho đến những cuộc khởi nghĩa của các đảng phái khác, đều bị dìm trong bể máu.

Từ khi Đảng ra đời và xác định chiến lược đấu tranh đúng đắn, phù hợp với biến chuyển thời đại, cách mạng Việt Nam mới giành được những thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, thống nhất đất nước mùa Xuân 1975 và công cuộc Đổi mới toàn diện 1986. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã vươn lên từ đống tro tàn, đạt được những thành tựu rực rỡ, trở thành một trong những nền kinh tế lớn ở khu vực và châu Á, có uy tín và vị thế vững chắc trên trường quốc tế.

2.png

Bước vào thế kỷ 21, chúng ta được sống trong một thời đại toàn cầu hóa với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trên mọi lĩnh vực. Với mục tiêu trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày Quốc khánh, Đảng ta đã vạch ra mục tiêu Chuyển đổi số toàn diện, dùng công nghệ làm bàn đạp rút ngắn khoảng cách với các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Để thực hiện chủ trương lớn trên, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã triển khai nhiều Nghị quyết tạo không gian mở cho phép các tổ chức, doanh nghiệp cũng như người dân được tự do tiếp cận các công nghệ và những thành tựu mới nhất của thế giới. Chỉ trong khoảng hơn 10 năm, Việt Nam đã nằm trong Top 10 quốc gia sử dụng các mạng xã hội phổ biến như Facebook, TikTok, Instagram… nhiều nhất thế giới [1], 73% số người trên 18 tuổi sử dụng Youtube [2], số thuê bao di động vượt quá 123 triệu (trong tổng số chưa đến 100 triệu dân) [3], trên 95% khu vực dân cư phủ sóng internet/3G/4G [4], tương đương các quốc gia phát triển, tốc độ băng thông thuộc top 50 thế giới [5] và dự kiến lĩnh vực Thương mại điện tử của nước ta trong năm 2023 sẽ đạt trên 460.000 tỷ đồng [6].

Đó là những thành tựu đáng kinh ngạc trong bối cảnh một đất nước có xuất phát điểm từ nền kinh tế phong kiến lạc hậu, trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài hơn 40 năm, cùng với đó phải chịu hoàn cảnh bao vây cấm vận suốt 20 năm và mới chỉ thực sự hội nhập với nền kinh tế thế giới chưa tròn 30 năm.

1A.png

Sự phát triển với tốc độ rất nhanh của nền kinh tế nói chung và của không gian mạng nói riêng tại nước ta là minh chứng cho thấy tính đúng đắn của các chủ trương, đường lối do Đảng vạch ra và quyết tâm thực hiện.

Tuy nhiên, tự do trên không gian mạng cũng đã tạo nên rất nhiều mặt trái và những nguy cơ lớn tiềm ẩn, ảnh hưởng tới sự đoàn kết dân tộc, ổn định của xã hội và uy tín của chính quyền nhân dân. Nếu chúng ta không tỉnh táo nhận thức được những nguy cơ ấy, đồng thời đề ra các biện pháp kịp thời ngăn chặn, chắc chắn sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc sẽ bị phá hoại và chịu nhiều tổn thất.

3.png

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, Người còn là người thầy vĩ đại để lại những bài học quý báu và có giá trị thực tiễn cao cho cách mạng Việt Nam. Trong những năm tháng xây dựng lực lượng cách mạng tại núi rừng Pác Bó, Hồ Chủ tịch đã dịch cuốn “Binh pháp Tôn Tử” sang tiếng Việt để làm tài liệu dạy các cán bộ của Đảng. Năm 1946, Người đã viết trên báo “Cứu quốc” rằng: “Biết rõ được thế hư thực của địch, mới có thể bày được mưu kế tiến thoái”. Lời dạy của Người có nghĩa là chỉ khi hiểu rõ được về kẻ thù, chúng ta mới tìm ra được chiến lược, cách đánh phù hợp để giành thắng lợi cho cách mạng.

Trong những năm qua, các thế lực phản động và thù địch đã lợi dụng sự phát triển của không gian mạng, sự phổ biến của mạng xã hội và quyền tự do ngôn luận để điên cuồng chống phá Đảng và Nhà nước ta, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, bôi nhọ cuộc đời và sự nghiệp của các vị lãnh đạo và các Đảng viên tiền bối, gây chia rẽ vùng miền và khối Đại đoàn kết toàn dân. Nghiêm trọng hơn, những luận điệu chống phá, xuyên tạc này lại nhận được sự hưởng ứng và tin tưởng của không ít người dân trên không gian mạng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng và phát triển đất nước do Đảng lãnh đạo, thậm chí còn tiềm ẩn các nguy cơ kích động bạo loạn, lật đổ.

A01.png

Để hiểu rõ âm mưu của các thế lực phản động, thù địch, chúng ta cần nhận thức rõ ràng mục đích của chúng đối với sự nghiệp của Đảng và cách mạng cũng như các hành động của chúng trên không gian mạng hiện nay.

Trước hết, về lực lượng, phần lớn các thế lực phản động, thù địch là tàn dư hoặc gia đình, con cháu của những kẻ từng phục vụ trong chính quyền tay sai. Chúng luôn mơ mộng về quãng thời gian thống trị, áp bức nhân dân trong quá khứ dưới chế độ cũ. Khi cuộc đấu tranh thống nhất đất nước do Đảng ta lãnh đạo giành thắng lợi, nhiều kẻ trong số đó đã trốn ra nước ngoài và vẫn nuôi lòng hận thù với cách mạng. Đây là những tên hung hăng nhất, hiếu chiến nhất, sẵn sàng dùng những lời lẽ kích động nhất để gây chia rẽ dân tộc, vùng miền, phá hoại khối Đại đoàn kết toàn dân, phá hoại lòng tin của nhân dân với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Một phần không nhỏ khác là những kẻ bất mãn xã hội ở trong nước, sùng bái chủ nghĩa thực dụng và văn hóa ngoại lai, không hiểu và không chịu hiểu sứ mệnh lịch sử của Đảng và sự lựa chọn của dân tộc, cam tâm làm tay sai cho các thế lực thù địch. Cuối cùng là một bộ phận những kẻ muốn dùng con đường đi ngược lại với Tổ quốc với mục đích được các thế lực ngoại bang tài trợ và ra nước ngoài sinh sống thay vì lao động chân chính bằng trí tuệ và tài năng của bản thân.

Về cơ bản, mục đích chung của những kẻ phản động, thù địch là gây chia rẽ Đảng với nhân dân, gây mất đoàn kết nội bộ, từ đó dần dần tự chuyển hóa, tự diễn biến, dẫn tới cách mạng màu và làm sụp đổ chính quyền nhân dân hoặc khiến đất nước ta lệ thuộc vào ngoại bang. Chúng đang tiến hành những kế hoạch thâm hiểm theo từng bước trên để đạt được mục đích cuối cùng. Nhận định rõ mục đích của chúng sẽ giúp Đảng ta và nhân dân sáng suốt, tỉnh táo trước các âm mưu của chúng để tìm ra những biện pháp đối phó phù hợp.

Theo thông tin từ báo Quân Đội Nhân Dân, mỗi tháng, các thế lực phản động, thù địch cho đăng hàng ngàn bài viết, video, Podcast với nội dung xuyên tạc, chống phá cách mạng lên các kênh internet. Trong số này, chúng tập trung phần lớn vào mạng xã hội Facebook, chiếm 67% số lượt bài đăng. Bên cạnh đó, các kênh phổ biến khác còn có Youtube, Tiktok, Twitter và blog cá nhân. Sở dĩ các thế lực phản động, thù địch tập trung vào kênh mạng xã hội mà chủ yếu là Facebook vì các đặc điểm sau:

- Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất nước ta với khoảng trên 66 triệu tài khoản. Đây cũng là mạng xã hội thường xuyên được sử dụng nhất, lên tới 94% người dùng đăng ký.

- Facebook cho phép lập Fanpage, tạo Group, kết bạn rất dễ dàng, thậm chí không cần theo dõi cũng có thể xem, đọc và để lại bình luận trên trang hoặc các Group có chế độ công khai.

- Người dùng có thể tự do tải các video hoặc viết các thông tin lên tường mà hầu như không bị kiểm duyệt. Mặc dù Facebook đã đưa bộ lọc một số từ nhạy cảm vào hoạt động trong vài năm gần đây nhưng người dùng vẫn có rất nhiều cách “lách” khác như thay ký tự bằng hình ảnh, viết tách hoặc chèn thêm một số ký tự đặc biệt …

- Nguy hại hơn, Facebook còn ngấm ngầm thể hiện thái độ không trung lập khi cho các tài khoản của những thế lực phản động tự do đăng bài, thậm chí chạy quảng cáo để tăng lượng tương tác. Bên cạnh đó, Facebook còn cho phép bọn phản động dùng các từ ngữ mang tính chất miệt thị, xúc phạm quần chúng nhân dân có cảm tình với Đảng và sự nghiệp cách mạng mà không hề có biện pháp ngăn chặn, ngược lại, sẵn sàng khóa tài khoản nếu những người này “vạ miệng”. Đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm của mạng xã hội này, biến nó trở thành “ổ phản động” lớn nhất trên không gian mạng.

Tương tự như vậy là kênh Youtube, cho phép những video chống phá cách mạng trôi nổi. Chúng còn lập cả các kênh thông tin, đưa tin tức hàng ngày kèm theo bình luận để dẫn dắt, định hướng người xem theo mục đích của chúng. Rất nhiều kênh Youtube phản động ngang nhiên đăng video với tần suất rất lớn, gieo rắc luồng tư tưởng độc hại tới quần chúng nhân dân, thậm chí còn tràn cả vào trong trường học với học sinh, sinh viên, vốn là những người rất dễ bị lôi kéo, kích động.

Có thể tóm lược các chủ đề chính của những kênh thông tin phản động này như sau: tẩy trắng, tô hồng, bôi đen, kích động.

- Thứ nhất, chúng tìm cách “tẩy trắng” cho các thế lực ngoại xâm và chế độ tay sai một cách trắng trợn, bất chấp sự thật lịch sử. Có thể kể đến điển hình gần đây là một facebooker mang tên “Hoàng Lê”, không chỉ công khai ca ngợi chế độ thực dân cũ mà còn sẵn sàng mạt sát những người đã vạch trần bộ mặt của chúng. Bên cạnh đó, các kênh thông tin của những thế lực phản động, vốn là những kẻ tay sai lưu vong sau khi đất nước thống nhất, cũng luôn tìm cách “tẩy trắng” cho chế độ cũ, thậm chí còn đăng các video về những hoạt động của lực lượng tàn dư ở hải ngoại.

- Thứ hai, chúng lập các kênh thông tin bề ngoài chỉ tập trung vào lĩnh vực văn hóa, giáo dục, lịch sử nhưng âm thầm tìm cách “tô hồng” cho chế độ cũ. Chúng đăng đi đăng lại những bức ảnh, khung hình một số rất ít khu vực được xem là hào nhoáng trong chế độ cũ khiến người đọc nhầm tưởng đại diện cho cả miền Nam. Chúng cũng tâng bốc những thứ mà chúng gọi là “thành tựu văn hóa, giáo dục” của thời đó, đồng thời, cho tay chân đưa ra những bình luận định hướng người đọc, tạo ra những nhận thức sai lệch về chế độ tay sai.

- Thứ ba, chúng tìm cách “bôi đen” lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, cuộc đời và sự nghiệp của các nhà lãnh đạo Đảng ta, xuyên tạc các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng những nội dung giả mạo, dối trá. Tất cả những thông tin này đều có đặc điểm chung là không có nguồn xác thực và không thể kiểm chứng. Chúng còn ra sức bôi nhọ các thành tựu của cách mạng bằng cái bới móc khuyết điểm, sai sót, vẽ nên một thế giới ảo tưởng mà trong đó, Việt Nam không khác gì một quốc gia kém phát triển. Tất cả những thành tựu của đất nước, được các quốc gia và tổ chức trên thế giới công nhận, với những số liệu thống kê không thể chối cãi hoàn toàn bị chúng bỏ qua, không dám nhắc tới.

- Thứ tư, chúng lợi dụng một vài cá nhân có mâu thuẫn với cơ quan chính quyền và một số chính sách để kích động bạo loạn, lật đổ, gây mất an ninh và ổn định xã hội. Không thể phủ nhận rằng những kênh thông tin trên không gian mạng của các thế lực phản động đã góp phần kích động một vài thành phần gây ra rối loạn trật tự xã hội trong thời gian qua.

Tất nhiên, những kẻ phản động, thù địch này không thể hoạt động rầm rộ nếu không có nguồn tài chính từ các thế lực ngoại bang, luôn muốn đất nước ta phải rơi vào vòng xoáy của sự lệ thuộc. Các thế lực ấy đã thất bại thảm hại trong âm mưu muốn nô dịch và chia cắt đất nước ta trong quá khứ nhưng chúng chưa bao giờ từ bỏ mục đích của mình. Rõ ràng, nếu không có những thế lực ngoại bang này cung cấp tài chính, những kẻ phản động không thể hoạt động một cách ngang nhiên và kéo dài nhiều năm như vậy.

4.png

Chúng ta đều nhận thức rằng sự bùng nổ của công nghệ và sự phát triển của không gian mạng, bên cạnh những lợi ích to lớn còn là những nguy cơ tiềm ẩn. Không gian mạng đã trở thành một mặt trận cam go, nơi những thế lực phản động và thù địch không ngừng tiến hành các hoạt động chống phá cách mạng với âm mưu diễn biến hòa bình và lật đổ chính quyền nhân dân.

Trong hoàn cảnh ấy, chúng ta cần nhìn nhận rõ ràng thái độ, lập trường và hành động của quần chúng nhân dân đối với những luận điệu xuyên tạc, dối trá của kẻ thù. Có thể tạm chia thái độ và lập trường thành năm xu hướng như sau:

- Thứ nhất, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Đây là nhóm đối tượng hết sức nguy hiểm, có khả năng ảnh hưởng xấu tới các nhóm khác. Những đối tượng này vì nhiều lý do khác nhau, đã hoàn toàn tin theo các thế lực phản động và thù địch. Họ không chỉ hùa theo những luận điệu xuyên tạc của chúng mà còn sẵn sàng công kích những người tỉnh táo, phản đối các luận điệu này, thậm chí còn sẵn sàng làm “quân tiên phong” cho các thế lực trên ở các kênh thông tin trên không gian mạng. Đây cũng là nhóm đối tượng có thể liều lĩnh hành động ngoài thực tế để chống phá lại cách mạng và chính quyền nhân dân.

- Thứ hai, “bị ảnh hưởng từ ít đến nhiều”. Đây là nhóm quần chúng ít nhiều có những sự bất mãn với xã hội hoặc mâu thuẫn với chính sách của Nhà nước. Đảng và Nhà nước ta đã và đang không ngừng xây dựng và kiện toàn bộ máy chính quyền để phục vụ lợi ích của nhân dân. Tuy nhiên, chúng ta cũng thừa nhận có một bộ phận không nhỏ các cán bộ, Đảng viên đã thoái hóa, biến chất, gây tổn hại tới uy tín của Đảng và chính quyền, làm quần chúng nhân dân giảm đi niềm tin vào Đảng. Tuy nhiên, nhóm này đã lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm trên để công khai chống phá Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, nhóm này còn có cả một bộ phận văn nghệ sĩ, những người có chút ảnh hưởng trên mạng xã hội và rất dễ bị lôi kéo bởi chủ nghĩa vật chất và hưởng thụ. Chúng ta không thể không đề phòng sát sao bởi đây sẽ là những “ngòi nổ” trong âm mưu kích động bạo loạn và cách mạng màu của các thế lực thù địch.

- Thứ ba, “bàng quan, không quan tâm”. Đây là nhóm quần chúng không quan tâm tới tình hình xã hội và có những sở thích riêng biệt của mình. Nhóm này đa phần là các bạn thanh thiếu niên còn trẻ hoặc những người có nền tảng học vấn không cao. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm quần chúng có khả năng bị ảnh hưởng một phần hoặc hoàn toàn từ các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch bất cứ lúc nào. Vì vậy, nhiệm vụ của các cán bộ, cơ quan thông tin – tuyên truyền là luôn phải sát sao với công tác dân vận, chú trọng phổ biến các thông tin chính xác cũng như làm nhóm quần chúng này hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Thứ tư, “hiểu biết, nhận định rõ đúng sai”. Trên không gian mạng hiện nay có một bộ phận không nhỏ quần chúng là những người có kiến thức, hiểu biết rõ và nhận định được đúng sai trong cuộc đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động. Đặc điểm chung của nhóm quần chúng này là những người am hiểu lịch sử, chính trị và tình hình thế giới, luôn quan tâm, bám sát những biến chuyển và vận động của xã hội. Họ là những người tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng dùng lý luận để bẻ gãy những luận điệu dối trá của kẻ thù. Không phải lúc nào họ cũng có thời gian tham gia đấu tranh chống lại các luận điệu đó, nhưng họ đóng vai trò như một “cảm tình viên” của Đảng và góp phần to lớn để đập tan những âm mưu của các thế lực phản động.

- Thứ năm, “kiên định và lan tỏa”. Đó là những quần chúng nhân dân luôn hăng hái bảo vệ nền tảng tư tưởng cũng như các giá trị mà Đảng đem lại cho cách mạng Việt Nam bằng nhiều hành động thiết thực. Hiện tại, rất nhiều thanh niên, trí thức thuộc nhóm này đã tự lập các fanpage, lan tỏa tình yêu đất nước, tri ân các anh hùng liệt sĩ, giúp nhiều người hiểu thêm về lịch sử và giá trị của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Có thể kể tới các kênh như Tifosi, Battlecry, Lê Anh Nuôi hay Hồi Ức Thời Chiến …, không chỉ mạnh mẽ đập tan các luận điệu xuyên tạc của thế lực phản động mà còn có những nội dung nâng cao tinh thần dân tộc, giúp thế hệ trẻ biết ơn các anh hùng liệt sĩ và thêm tin tưởng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc do Đảng lãnh đạo.

3A.png

Trong cuộc chiến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên môi trường không gian mạng, chúng ta cần phải xác định rõ ràng những mục tiêu cần đạt được, từ đó mới có thể đưa ra những đường lối, biện pháp đối phó với các thế lực phản động và thù địch.

Trước hết, chúng ta cần phải xây dựng được một lực lượng phản ứng nhanh trên không gian mạng, thường xuyên tìm kiếm các kênh thông tin phản động, đồng thời có khả năng bẻ gãy những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù. Lực lượng này không chỉ cần lập trường vững vàng mà còn phải biết phương pháp bình luận vừa tế nhị, vừa sắc bén để định hướng lại tư tưởng của người đọc.

Tiếp đến, các kênh thông tin chính thống phải gây dựng được nội dung chất lượng cao, hấp dẫn người đọc, đa dạng về hình thức và có tính tương tác cao.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần hỗ trợ mạnh mẽ các kênh thông tin tự phát có nội dung tốt, giúp các kênh thông tin này lan tỏa rộng rãi hơn, thu hút được nhiều người đọc hơn nhưng không được làm mất đi chất riêng của họ. Có như vậy, việc tiếp thu nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước mới đến với người dân một cách tự nhiên và lâu bền.

Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ trên không gian mạng còn có nhiệm vụ vô hiệu hóa tối đa các kênh thông tin phản động và thù địch, đập tan những âm mưu phát tán thông tin giả mạo, xuyên tạc ngay từ trong trứng nước.

5.png

Ngay từ khi mạng xã hội và các kênh thông tin khác ngày càng trở nên phổ biến, Đảng và Nhà nước đã nhận thức được vai trò quan trọng của công tác quản lý, định hướng tư tưởng và triển khai nhiều biện pháp đúng đắn, thiết thực để đối phó với các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng. Trong những năm qua, các cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận không gian mạng đã tạo nên một phong trào đấu tranh sôi nổi, bẻ gãy nhiều âm mưu chống phá của kẻ thù. Không chỉ xây dựng các website chính thức với nhiệm vụ mang lại các thông tin chính thống, chân thực và kịp thời tới người dân, các cơ quan thông tin – tuyên truyền của Đảng và Nhà nước cũng tham gia tất cả các kênh thông tin phổ biến khác trên không gian mạng như Facebook, Youtube, Zalo, Blog … Các kênh thông tin này đã góp phần quan trọng trong việc phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng nhanh chóng và cập nhật tới các tầng lớp nhân dân, hỗ trợ đắc lực trong công tác ổn định chính trị, xã hội.

A03.png

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu bước đầu trong công cuộc đấu tranh chống các luồng tư tưởng độc hại, phản động, các kênh thông tin của chúng ta cũng đang tồn tại những nhược điểm, bất cập và gặp không ít khó khăn, thách thức.

- Các cơ quan tuyên truyền, thông tin có các chuyên trang đấu tranh trên không gian mạng còn rất ít, chủ yếu vẫn ở hình thức bài viết riêng lẻ trong các mục khác, khiến người đọc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và theo dõi. Hầu hết các đơn vị có chuyên trang này thuộc lực lượng vũ trang trong khi các đơn vị trong những lĩnh vực quen thuộc với quần chúng nhân dân như văn hóa, xã hội, thể dục – thể thao… hầu như không có.

- Nội dung và hình thức của các bài viết đấu tranh chưa thực sự hấp dẫn để thu hút người đọc. Đa phần các bài viết đều rất dài dòng, giọng văn cũ kỹ, rất khó để tiếp cận với những người trẻ trong thời đại ngày nay. Các hình thức như Podcast, video ngắn… còn rất ít ỏi, rất khó để truyền cảm hứng hay lan tỏa qua hình thức chia sẻ công khai. Từ đó dẫn tới việc số lượng người theo dõi các nội dung này rất hạn chế.

- Các kênh thông tin đấu tranh thiếu sự đa dạng, chủ yếu vẫn trên nền tảng website và Facebook, một số ít trên Youtube và hoàn toàn thiếu vắng trên những nền tảng lớn khác như TikTok, Zalo, Telegram, Twitter, Reddit .

- Lượng tương tác, bình luận với các nội dung đấu tranh rất thấp. Bản thân các quản trị viên cũng không tương tác nhiều, càng kéo khả năng lan tỏa xuống.

- Bản thân một số nền tảng như Facebook, Youtube hay Tiktok có thái độ mập mờ, thậm chí có phần tiếp tay cho các kênh thông tin của các thế lực thù địch và phản động. Thậm chí, Facebook còn đưa rất nhiều các trang phản động của V.T., S.G.X, CLB N.B.T.D, A.C.,… vào phần gợi ý, gây phản cảm và bức xúc cho người dùng.

Để có thể thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh chống các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải có một cuộc “cách mạng” trong hình thức và biện pháp đấu tranh.

Đó là, Nhà nước cần tác động mạnh tới các đơn vị quản lý Facebook hay Youtube, yêu cầu chấm dứt các hoạt động tiếp tay cho những kênh thông tin của các thế lực phản động hoặc ít nhất cũng phải hạn chế lượng người dùng có thể tiếp cận những nội dung xuyên tạc này.

Đó là, chúng ta cần phải xây dựng lực lượng phản ứng nhanh trên không gian mạng. Lực lượng này không chỉ nắm vững lý luận chính trị, kiên định về lập trường tư tưởng mà còn có khả năng giao tiếp tế nhị, sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, khéo léo để định hướng người đọc vào những nguồn thông tin chính thống, đúng đắn. Lực lượng phản ứng nhanh còn phải xác định các biện pháp đối phó phù hợp với tình hình, cần biết vấn đề nào phải đấu tranh một cách mạnh mẽ, trực diện, vấn đề nào cần phải khéo léo, tế nhị … Ngoài ra, lực lượng này cần có sự chỉ đạo chung thống nhất từ một cơ quan Trung ương của Đảng để phát huy tối đa sức mạnh, hạn chế việc hoạt động chồng chéo, thiếu hiệu quả.

Đó là, chúng ta cần đa dạng hóa các nội dung đấu tranh trên không gian mạng. Xã hội ngày càng phát triển, đòi hỏi những hình thức tiếp cận quần chúng nhân dân phải theo kịp với thời đại mới, phải hấp dẫn, ngắn gọn và tinh tế. Có thể kể đến nhiều hình thức mà các bạn trẻ đang thực hiện, góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước, bảo vệ những thành quả của cách mạng, như truyện tranh ngắn, video ngắn, animation clip, Podcast, livestream, bài hát và cả kết hợp của nhiều hình thức trên. Các nội dung viết cũng cần phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu với ngôn từ mới mẻ, thu hút. Ngoài các nội dung ngắn gọn trên, các bài viết mang tính lý luận, khoa học, có chất lượng cao cũng cần phải được đẩy mạnh. Đây sẽ là nguồn tham chiếu cho các nội dung ngắn trên không gian mạng.

Đó là, chúng ta cần có lịch trình và tần suất xây dựng nội dung phù hợp với từng sự kiện, cột mốc mang tính lịch sử hoặc thời đại. Về các nội dung ngắn, cần có tần suất xây dựng dày đặc, phủ đều trên tất cả các nền tảng. Với những sự kiện, cột mốc lịch sử, cần có những nội dung dài, khoa học, chất lượng, ví dụ như E-magazine, để thu hút người đọc.

Đó là, chúng ta cần chung tay để lan tỏa các nội dung chính thống của Đảng và Nhà nước. Mỗi một Đảng viên, một cán bộ cần phải tự xem mình như một kênh thông tin nhỏ phổ biến các nội dung đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch. Hiện tại, việc chia sẻ những nội dung trên vẫn mang tính chất đối phó, hình thức. Điều này dẫn đến một thực trạng là các nội dung xuyên tạc của thế lực thù địch thì được chia sẻ rộng rãi trong khi nội dung chính thống, đúng sự thật thì ít người biết tới.

Đó là, các cơ quan, tổ chức tuyên truyền – thông tin cần xây dựng đội ngũ kỹ thuật có khả năng chỉnh sửa các nội dung phù hợp với thuật toán tìm kiếm của các công cụ phổ biến như Google, Facebook, Bing, Yahoo, ALO…, góp phần giúp các nội dung đấu tranh tiếp cận dễ dàng quần chúng nhân dân.

Cuối cùng, bên cạnh các biện pháp trực tiếp trên không gian mạng, Đảng và Nhà nước cũng cần chỉ đạo các cơ quan, ban ngành văn hóa tích cực phát triển các nội dung, văn hóa phẩm hấp dẫn về đề tài yêu nước, lịch sử cách mạng. Đây cũng là nguồn “nguyên liệu” phong phú để các nội dung đấu tranh trên không gian mạng khai thác.

Có thể nói, cuộc đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng rất cam go và nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, chúng ta cần tin tưởng một cách sâu sắc rằng chân lý sẽ luôn sống mãi cùng với thời gian. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành được độc lập tự do, đất nước ta đã được thống nhất, hòa bình.

Giờ đây, trong bối cảnh mới của một thế giới toàn cầu hóa, chúng ta càng phải nỗ lực, tỉnh táo và quyết tâm để bảo vệ những thành quả mà Đảng và nhân dân ta đã đổ xương máu giành được, để Tổ quốc Việt Nam mãi mãi trường tồn!./.

Vũ Gia Luyện - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin, Tổng công ty Viễn thông MobiFone

(*) Tài liệu tham khảo:

[1]: Theo DataReportal, tháng 5/2023

[2]: Theo VnEconomy.vn, ngày 4/10/2023

[3]: S liu t B Thông tin và Truyn thông, tháng 5/2023

[4]: S liu t Cc Vin thông, B Thông tin và Truyn thông, tháng 1/2019

[5]: Theo Speedtest Global Index, tháng 6/2023

[6]: Báo cáo Thương mi đin t Vit Nam 2023