Chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam-Tư lệnh Hải quân Việt Nam trước cuộc hội đàm với Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong một dịp gặp mặt (ảnh tư liệu, Hải quân Việt Nam) |
Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 3/8 cho biết cuối tháng 7/2016, Đài truyền hình quốc phòng Việt Nam đã đưa tin về cuộc diễn tập đổ bộ của Hải quân Việt Nam.
Tờ báo này nhận định, việc bố trí khoa mục diễn tập đặc biệt (phản công sau khi phòng ngự) cho thấy Hải quân Việt Nam vẫn luôn đề phòng đối với đối phương có khả năng tấn công tiềm tàng đối với các đảo, đá của mình. Các động thái và người đứng đầu của Hải quân Việt Nam đã trở thành đề tài thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, đặc biệt là báo chí Trung Quốc.
Tư lệnh Phạm Hoài Nam
Báo Trung Quốc cho biết Tư lệnh Hải quân Việt Nam hiện nay là ông Phạm Hoài Nam. Ông sinh năm 1967, quê tỉnh Bình Định, miền trung Việt Nam, dân tộc Kinh, trình độ học vấn Đại học.
Ông Phạm Hoài Nam thi vào trường quân sự năm 1984, sau khi tốt nghiệp vào năm 1988, ông Phạm Hoài Nam được cử sang học ở Học viện Hải quân Baku Liên Xô, năm 1990 về nước được phân công nhiệm vụ ở Lữ đoàn 162 Vùng 4 Hải quân Việt Nam.
Ông Phạm Hoài Nam đã lần lượt đảm nhiệm các chức vụ như thuyền viên, thuyền trưởng tàu tên lửa, hải đội trưởng.
Năm 2005, ông Phạm Hoài Nam được bổ nhiệm làm lữ đoàn trưởng lữ đoàn tàu chiến 162, năm 2009 được bổ nhiệm làm tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, năm 2012 được thăng chức làm Tư lệnh Vùng 4 Hải quân.
Tháng 4/2014, ông Phạm Hoài Nam được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Hải quân Việt Nam. Tháng 8/2015 chính thức thay thế Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, làm Tư lệnh Hải quân.
Ngoài ra, Tư lệnh Phạm Hoài Nam còn là Ủy viên Trung ương Đảng dự khuyết khóa 11, Ủy viên Trung ương khóa 12. Năm 2014, ông Phạm Hoài Nam được trao quân hàm Thiếu tướng hải quân, tức Chuẩn Đô đốc.
Giống như đa số các tướng lĩnh Việt Nam, Tư lệnh Phạm Hoài Nam cũng là người đi lên từ cơ sở, hơn nữa lại luôn công tác ở Vùng 4 Hải quân.
Báo chí Việt Nam cho biết ông là người làm việc với tinh thần nghiêm túc, khoa học, cư xử khiêm tốn và hòa nhã, dễ gần, luôn hòa mình với cấp dưới, nhận được sự kính trọng đặc biệt của cán bộ chiến sĩ, có uy tín cao trong Hải quân Việt Nam.
Trước đây khi còn học ở Liên Xô, ông đã thể hiện được tài năng chỉ huy tàu chiến, quản lý và lãnh đạo bộ đội. Trong thời gian làm lữ đoàn trưởng lữ đoàn 162 từ năm 2005 - 2009, lữ đoàn này được cấp cao Việt Nam trao cho danh hiệu vinh dự "Quả đấm thép", trở thành kiểu mẫu trong xây dựng hải quân Việt Nam chính quy, hiện đại.
Chính vì thành tích công tác nổi bật, ông Phạm Hoài Nam mới có thể liên tục được đề bạt 4 lần trong 7 năm, nhanh chóng trở thành người đứng đầu của Hải quân Việt Nam.
Về tư tưởng "cầm quân", Tư lệnh Phạm Hoài Nam cho rằng hải quân là quân chủng mang tính quốc tế, phải hội nhập với cộng đồng quốc tế, tích cực tham gia hợp tác quân sự đa phương.
Chỉ từ tháng 2 đến tháng 5/2016, đã có tới 4 hoạt động đối ngoại hải quân quan trọng do ông dẫn đầu tham gia. Ngoài ra, Tư lệnh Phạm Hoài Nam đặc biệt coi trọng xây dựng lực lượng tàu ngầm.
Ngày 31/1/2015, khi tiếp nhận tàu ngầm Hải Phòng số hiệu HQ-184 lớp Kilo, Tư lệnh Phạm Hoài Nam nhấn mạnh tiếp nhận tàu ngầm 184 là một bước đi quan trọng trong xây dựng, phát triển của Hải quân Việt Nam, sẽ đóng góp sức mạnh cho bảo vệ biển đảo, thềm lục địa quốc gia, yêu cầu binh sĩ tàu ngầm phải ra sức huấn luyện, nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Tờ Tham Khảo đánh giá, trong quan hệ Trung-Việt và trong vấn đề Biển Đông, Tư lệnh Phạm Hoài Nam có rất ít phát biểu công khai, nhưng nhìn vào quá trình công tác, Tư lệnh Phạm Hoài Nam có thái độ “tương đối cứng rắn” đối với chính sách đòi hỏi bá quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo bài báo, Vùng 4 và lữ đoàn tàu chiến 162 Hải quân Việt Nam đều ở vịnh Cam Ranh, phương hướng phòng thủ chủ yếu là quần đảo Trường Sa, đặc biệt là lữ đoàn phòng thủ 146 trực thuộc Vùng 4 Hải quân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng thủ đảo.
Là tướng trẻ chưa đến 50 tuổi, theo thông lệ, Tư lệnh Phạm Hoài Nam sẽ đứng đầu Hải quân Việt Nam 10 năm trở lên, những việc làm của ông trong tương lai sẽ gây chú ý với Trung Quốc.
Việt - Mỹ tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn
Ngoài bình luận về Tư lệnh Phạm Hoài Nam, bài báo còn bình luận về việc Mỹ và Việt Nam tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển ở sông Hàn, thành phố Đà Nẵng vào ngày 26/7/2016.
Cuộc diễn tập lần này là một phần của Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2016 (PP16) do Mỹ khởi xướng, lực lượng tham gia diễn tập bao gồm tàu bệnh viện USNS Mercy (T-AH 19) của Hải quân Mỹ, tàu biên phòng Đà Nẵng, Việt Nam và tàu đổ bộ LST 4002 của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Được biết, đây là lần thứ 7 Chương trình này tổ chức ở Việt Nam, lần thứ 3 liên tục tổ chức ở Đà Nẵng.
Ngoài ra, ngày 25/7, tàu huấn luyện lớp Kojima của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đến Đà Nẵng tiến hành chuyến thăm trong thời gian 5 ngày, đã có cuộc hội kiến với người đứng đầu Cảnh sát biển Việt Nam.
Được biết, đây là lần thứ hai tàu huấn luyện này thăm Việt Nam, kế tiếp sau năm 2013, mục đích thăm là để tăng cường quan hệ hợp tác giữa Cảnh sát biển hai nước Nhật-Việt.
Trên thực tế, Nhật Bản luôn giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực tác chiến, tuần tra, đã viện trợ cho Việt Nam 5 tàu tuần tra lớp 600 tấn, số hiệu từ CSB6001 đến CSB6005.
Báo Trung Quốc còn dẫn các nguồn tin từ Việt Nam cho biết, xe tăng T-62 là xe tăng chiến đấu mạnh nhất hiện có của Việt Nam (?).
Nhưng, báo Trung Quốc cho rằng tính năng kỹ chiến thuật của xe tăng T-62 không mạnh. Số lượng xe tăng T-62 hiện có của Việt Nam cũng không nhiều, chủ yếu là do xe tăng T-54/55 làm chủ lực.
Ngoài ra, Việt Nam còn có xe tăng lội nước K63-85 trang bị cho tiểu đoàn xe tăng 557, lữ đoàn 950 của Quân khu 9. Báo Trung Quốc cho rằng loại xe tăng này thực ra là xe tăng lội nước Type 63 Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam vào đầu thập niên 1970.