Tờ Nhật báo Quang Minh Trung Quốc ngày 17/12 có bài bình luận cho rằng vụ bê bối chính trị "thân tín can thiệp chính trị" liên quan tới bà Park Geun-hye, Tổng thống Hàn Quốc đã có bước ngoặt khi Quốc hội Hàn Quốc thông qua đề nghị luận tội đối với bà Park Geun-hye gần đây.
Kéo theo sau đó bà Park Geun-hye lập tức bị đình chỉ công tác và chờ đợi phán quyết cuối cùng của Tòa án Hiến pháp. Phán quyết cuối cùng bất kể có kết quả thế nào, phần nào đều báo hiệu kết thúc của thời đại Park Geun-hye, Hàn Quốc đang bước vào "thời đại hậu Park Geun-hye".
Từ "nghi ngờ tà giáo" đến "thân tín can thiệp chính trị" rồi đến các cuộc biểu tình của trăm nghìn người dân, bà Park Geun-hye người được giao trọng trách điều hành đất nước cuối cùng cũng không thoát khỏi kết cục sớm ra đi như phần lớn các Tổng thống Hàn Quốc.
Lý do mà đảng đối lập muốn luận tội bà Park Geun-hye gồm có 3 điểm cáo buộc chính: Dung túng cho bà Choi Soon-sil tiến hành can thiệp vào chính trị đất nước, vi phạm Hiến pháp; trong việc ứng phó với sự kiện chìm tàu Sewol đã không thể bảo vệ có hiệu quả tính mạng của người dân, không làm hết chức trách; trong vụ bà Choi Soon-sil ép các doanh nghiệp lớn quyên tiền, bị tình nghi nhận hối lộ.
Nói tóm lại, bà Park Geun-hye đã bị cáo buộc vì việc tư mà quên việc công, đã dùng việc công cho việc tư. Điều này đã phạm vào đại kỵ của chính trị hiện đại, cũng đã động chạm tới ký ức sâu sắc và dây thần kinh nhạy cảm của người dân Hàn Quốc đối với tham nhũng cấp cao.
Từ lâu, chính trị chính đảng yếu ớt và thể chế tài phiệt (tập đoàn) mạnh luôn làm chi phối xã hội Hàn Quốc. Đằng sau vấn đề của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc như Kim Dae Jung, Roh Moo-hyun là nền chính trị đã tồn tại vấn nạn kéo dài từ lâu.
Một mặt, chủ nghĩa địa phương và quan hệ thân quen luôn là quy tắc ngầm trên chính trường. Mọi người có xu hướng ủng hộ vô điều kiện đối với các nhân vật chính trị hoặc gia tộc của một vùng cụ thể, giữa các chính khách cũng thường lấy vùng hoặc phe phái để phân chia bạn - thù, thân - sơ.
Trong khi đó, các chính đảng cần đóng vai trò quan trọng trong chính trị hiện đại lại tồn tại thiếu sót, tồn tại sự phân hóa và tái tổ chức kiểu đèn kéo quân giữa các chính đảng, cho thấy các chính đảng thiếu kiên định tư tưởng cốt lõi.
Mặt khác, thể chế tài phiệt đã trở thành một biểu tượng văn hóa cũng làm cho quan hệ giữa chính trị và doanh nghiệp ở Hàn Quốc luôn khó phân định rạch ròi.
Thể chế tài phiệt có nguồn gốc hình thành từ sau Chiến tranh làm cho toàn bộ đất nước bị chi phối chặt chẽ bởi khoảng 10 doanh nghiệp lớn chiếm hơn 80% GDP ở Hàn Quốc.
Để tranh cử và cầm quyền, các chính khách phải nỗ lực dựa vào các nhà tài phiệt. Trong khi đó, để bảo vệ lợi ích của mình, các nhà tài phiệt cũng phải dựa vào các chính khách. Với sự đan xen lợi ích đó, quản lý nhà nước trở thành những cuộc trao đổi lợi ích giữa các chính khách và nhà tài phiệt.
Mặc dù người dân Hàn Quốc sớm đã đối diện với hiện trạng này, tổ chức rất nhiều các cuộc biểu tình, kêu gọi cải cách, nhưng vấn nạn kéo dài này vẫn chắc như núi, ác mộng chính trị mà bà Park Geun-hye gặp phải lần này rõ ràng chỉ là sự phát tác mang tính chu kỳ.
Nhìn vào bản thân vụ "thân tín can thiệp chính trị" của bà Park Geun-hye, cho dù phán quyết cuối cùng không được đưa ra thì bà Park Geun-hye hầu như cũng không thể xoay chuyển được gì, thể hiện rõ ở tỷ lệ ủng hộ yếu ớt từ người dân cũng như sự “xa lánh” của chính đảng cầm quyền.
Hơn nữa, cơ quan công tố Hàn Quốc nhiều ngày lộ ra thông tin bất lợi, bà Park Geun-hye rất có khả năng khó thoát khỏi số phận bị khởi tố.
Trước khi có Tổng thống mới, việc tranh chấp hỗn loạn trên chính trường sẽ trở thành "trạng thái bình thường mới" của chính trị Hàn Quốc.
Một là xoay quanh tiến trình phán quyết của Tòa án Hiến pháp đối với vụ luận tội, đảng cầm quyền và đảng đối lập có sự đối lập rõ ràng. Đảng cầm quyền hy vọng thúc đẩy ổn định, càng chậm càng tốt; còn đảng đối lập mong tòa án làm nhanh, khiến cho đảng cầm quyền không kịp trở tay.
Hai là nhìn vào số phiếu trong vụ luận tội lần này, nội bộ đảng cầm quyền bị chia rẽ nghiêm trọng, làm thế nào để cắt đứt với bà Park Geun-hye, làm thế nào để nhanh chóng sửa chữa, hướng tới cuộc bầu cử Tổng thống cũng là một thách thức nghiêm trọng.
Ba là tình hình bầu cử Tổng thống Hàn Quốc vào năm 2017 giữa các chính đảng cũng đã mở ra, cuộc đối đầu, xung đột trên các phương diện cũng từng bước trở nên gay gắt.
Hiện nay, các phe phái trên chính trường Hàn Quốc đang gióng trống khua chiêng ứng phó với "thời đại hậu Park Geun-hye". Trong đảng cầm quyền Saenuri, phe thân bà và phe không thân bà Park Geun-hye đã xảy ra tranh cãi gay gắt về chức vụ lãnh đạo trong đảng.
Trong khi đó, đảng đối lập cũng đã bắt đầu "tranh hùng", đáng chú ý cựu lãnh đảo Đảng Dân chủ Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Thị trưởng Lee Jae-myung là 3 nhân vật có tỷ lệ ủng hộ cao ở Hàn Quốc hiện nay. Tuy nhiên, tình hình ở Hàn Quốc hiện nay cho thấy cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc tiếp theo sẽ khó biết rõ thắng bại.
Đương nhiên, điều gây lo ngại hơn cho người dân Hàn Quốc là nền kinh tế phát triển kém. Theo dự đoán của cơ quan nghiên cứu, tiêu thụ trong dân vào quý 4/2016 của Hàn Quốc có thể tiếp tục giảm, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chỉ cao hơn 0% một chút, tương lai của Hàn Quốc có lẽ phải đối mặt với nhiều "mối họa" hơn.
Sự kết thúc của thời đại Park Geun-hye là sự lựa chọn của người dân Hàn Quốc, cũng là sự bắt đầu của một giai đoạn mới trên chính trường Hàn Quốc. Trong "thời đại hậu Park Geun-hye" tồn tại rõ ràng tính không xác định và bất ổn.