Trong một động thái biểu dương sức mạnh chưa từng có, Trung Quốc đã phái tàu sân bay đầu tiên và duy nhất của nước này tham gia vào đợt huấn luyện lớn giữa lúc căng thẳng với Mỹ đang gia tăng từ cuối năm ngoái, báo Nikkei Asian Review của Nhật Bản ghi nhận.
Tàu sân bay Liêu Ninh rời cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông vào ngày 20/12 (đúng một tháng trước khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ) và vượt qua Biển Hoa Đông tới Tây Thái Bình Dương.
Sau đó, tàu Liêu Ninh hướng tới Biển Đông và rồi hải hành về phương bắc, vượt qua eo biển Đài Loan để trở về Thanh Đảo vào ngày 13/1. Hành trình dài này của tàu sân bay Liêu Ninh đã tạo dấu ấn khá giật gân trên trường quốc tế vì nó quá cảnh qua ba điểm nóng trên hành trình của mình. Ba điểm nóng đó chính là Biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Đài Loan.
“Mục đích chuyến viễn dương của tàu sân bay Liêu Ninh là gửi một thông điệp đến người dân Trung Quốc, chứ không phải ông Trump hay lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn”, một chuyên gia về chính trị trong nước và các vấn đề an ninh quốc gia của Trung Quốc đưa ra nhận định.
Nhà nghiên cứu đã đưa ra bình luận này vào cuối năm ngoái mà không nói một cách chi tiết. Nikkei Asian Review (NAR) đã phân tích các bản tin truyền thông của Trung Quốc để có cái nhìn sâu sắc hơn vào suy ngẫm của chuyên gia này.
Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã đưa tin rầm rộ về cuộc diễn tập huấn luyện thực tế của tàu Liêu Ninh trên kênh truyền hình trung ương nhà nước trong chương trình thời sự tối ngày 13/1.
Theo Nikkei Asian Review , truyền thông Trung Quốc hoàn toàn nằm dưới sự chỉ đạo. Các loạt bài gần đây về tàu Liêu Ninh cũng là một phần của “chiến tranh dư luận” của Trung Quốc. TheoNikkei Asian Review cho rằng, Chiến lược “Tam chiến pháp” của Trung Quốc bao gồm: chiến tranh dư luận, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý.
Nikkei Asian Review cho rằng Ban tuyên huấn Trung Quốc đã cố để trấn an công chúng về sức mạnh của quân đội Trung Quốc và xua tan những lo ngại về mối đe dọa từ chính quyền ông Trump.
“Hổ giấy”
Nhưng Nikkei Asian Review đánh giá, sự thật là tàu sân bay Liêu Ninh vẫn còn thiếu các khả năng chiến đấu. “Các máy bay trên tàu đều cất cánh quá chậm. Thậm chí trong một sự cố quân sự, nếu nhiều máy bay như vậy cất cánh được, phần lớn các máy bay này đều sẽ phải quay lại và hạ cánh lên tàu trước khi thật sự tiến hành các hoạt động chiến đấu”, một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho hay.
Nikkei Asian Review nhận xét, có ít nhất ba lý do cho sự thiếu hụt khả năng chiến đấu này của tàu Liêu Ninh.
Thứ nhất, tàu sân bay này không được trang bị hệ thống phóng máy bay. Thứ hai, các máy bay trên tàu sân bay của Trung Quốc không thể mang đủ nhiên liệu để tác chiến thời gian dài. Thứ ba, Trung Quốc cũng thiếu hiểu biết về cách thức vận hành chiến đấu của đội tác chiến tàu sân bay, hạm đội này còn bao gồm nhiều tàu hỗ trợ khác. Do đó tàu Liêu Ninh bị lép vế trước các đối thủ Mỹ.
Một tàu sân bay của Mỹ được trang bị nhiều bệ phóng máy bay, cho phép tới 50 máy bay cất cánh nhanh chóng. Hải quân Mỹ cũng đã tích lũy nhiều kỹ năng và kinh nghiệm vận hành các hoạt động chiến đấu của đội tác chiến tàu sân bay trong nửa thế kỷ vừa qua.
Công nghệ máy phóng máy bay là một thiết bị rất khó làm chủ. Tàu Liêu Ninh không hề có thiết bị này để phóng máy bay ở tốc độ phù hợp với yêu cầu xuất kích. Tàu sân bay Liêu Ninh có thể mang tới 20 máy bay nhưng chúng lại không thể cất cánh nhanh chóng. Tàu sân bay Liêu Ninh đã đi vào hoạt động từ bốn năm trước.
Theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc đã mua lại tàu Varyag, một tàu sân bay còn chưa hoàn thiện của Xô Viết trước đây trong đống phế liệu của Ukraine vì nước này không đủ khả năng tự xây dựng một tàu sân bay. Tàu Varyag sau đó được tân trang lại ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh và đặt tên lại là Liêu Ninh. Con tàu này đã được Trung Quốc đưa vào sử dụng từ năm 2012.
Truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về các hoạt động huấn luyện của tàu Liêu Ninh một cách hết sức phô trương. Nhưng tàu sân bay này vẫn đang trong giai đoạn tiến hành diễn tập cất cánh và hạ cánh và thực hiện các chuyến viễn dương thử nghiệm.
Nikkei Asian Review đánh giá, nếu tính cả một tàu sắp được đưa vào sử dụng trong tương lai gần, Mỹ sẽ có tổng cộng 11 tàu sân bay. Hiển nhiên, cả hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc cũng không thể nào đối phó được với chỉ một cụm tác chiến tàu sân bay hùng hậu của Mỹ.
Các quan chức quốc phòng của nhiều nước cũng đồng ý rằng tàu Liêu Ninh của Trung Quốc chỉ để thể hiện, thực chất chỉ là một con “hổ giấy”. Đây là cụm từ lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông trước đây thường dùng để chỉ hệ thống vũ khí mà Mỹ và các nước khác sở hữu. Tuy nhiên những người dân thường Trung Quốc không thể dễ dàng hiểu được khoảng cách lớn về khả năng quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ. Đó là lí do vì sao hoạt động tuyên truyền trong nước lại đại hiệu quả cao như vậy.
Trung Quốc đã rất nỗ lực để tự xây dựng một tàu sân bay của riêng mình. Một công ty (được cho là tư nhân) của Trung Quốc đã mua tàu sân bay Kiev đã ngừng hoạt động của Liên Xô cũ. Và quân đội Trung Quốc đã nghiên cứu cách xây dựng tàu và hiện nay đang trưng bày con tàu cũ này trước công chúng trong công viên ở Thiên Tân.
Trung Quốc cũng mua thêm tàu sân bay Minsk đã ngừng hoạt động của Liên Xô cũ để nghiên cứu thông qua một công ty Hàn Quốc. Sau khi đã được xem xét kỹ lưỡng, tàu Minsk được đem trưng bày trước công chúng ở Thâm Quyến, Quảng Đông.
Trung Quốc hiện đang tự xây dựng hai tàu sân bay, mà tàu sân bay thứ hai (sau tàu Liêu Ninh) được cho là sẽ được đưa vào hoạt động trong tương lai gần. Nếu tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc tạo lập được một đội tàu tác chiến và bắt đầu hoạt động ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông trong một vài năm tới, tình hình an ninh trong khu vực có thể sẽ thay đổi nếu khoảng cách về khả năng quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc thu hẹp dần.
Căng thẳng kinh tế
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang tăng lên trên mặt trận kinh tế.
Tổng thống Donald Trump đã kịch liệt lên án Trung Quốc vì cố tình tạo ra thặng dư thương mại với Mỹ thông qua các hoạt động thiếu công bằng như thao túng đồng nhân dân tệ. Ông cũng cam kết sẽ đưa vấn đề bảo vệ các công việc của nước Mỹ lên ưu tiên hàng đầu.
Để đáp lại chính sách “Nước Mỹ trước tiên” và những bài phát biểu chống Trung Quốc của ông Trump, các công ty tư nhân của Trung Quốc đã bắt đầu bàn luận về việc mở rộng đầu tư ở nước Mỹ. Động thái này vẫn diễn ra dù cho chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực một cách hết sức tuyệt vọng để giải quyết vấn đề nguồn vốn chảy ra nước ngoài.
Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump đã tạo cho các công ty của Trung Quốc có cớ hợp lý để chuyển ngân quỹ của họ ra khỏi đất nước nhằm củng cố khối tài sản được định giá theo đồng USD an toàn một cách hợp pháp. Chính quyền Trung Quốc đã liên tục tiến hành các can thiệp vào thị trường trên quy mô lớn để ngăn đồng nhân dân tệ sụt giá khi dòng vốn ra nước ngoài ngày càng lớn.
Kết quả là dự trữ ngoại hối của nước này giảm mạnh chỉ còn hơn 3.000 tỷ USD vào cuối tháng 12/2016, so với mức kỷ lục là gần 4.000 tỷ USD vào cuối tháng 6/2014.
Vào đầu năm nay, chính quyền Trung Quốc đã áp đặt các kiểm soát chặt chẽ hơn về trao đổi ngoại tệ, đánh dấu bước mới nhất trong chuỗi hoạt động giải quyết vấn đề chảy vốn nghiêm trọng.
Ở Trung Quốc hiện nay, mỗi người một năm chỉ được phép đổi lượng tiền tương đương với 50.000 USD sang ngoại tệ. Theo luật mới này, họ phải cam kết không sử dụng tiền này để mua nhà, mua chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ và các sản phẩm khác ở nước ngoài khi họ nộp đơn vào các ngân hàng lớn.
Số lượng khách du lịch Trung Quốc tới thăm Nhật Bản những năm nay ngày càng tăng. Họ cũng sẽ phải tuân theo luật mới. Một số người giàu ở Trung Quốc đang liên tục thu mua tài sản ở Nhật Bản. Nhưng luật mới cũng sẽ có thể điều tiết chi tiêu của họ.
Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc cũng đang giảm mạnh. Khoản đầu tư này đã giảm khoảng 40% về mặt giá trị vào tháng 12/2016 so với cùng thời điểm đó năm trước, đây rõ ràng là kết quả của sự lèo lái của chính quyền Trung Quốc.
Năm nhạy cảm
Theo Nikkei Asian Review, với những căng thẳng đang tăng cao giữa Trung Quốc và Mỹ, cả về kinh tế lẫn quân sự, chính quyền của ông Tập Cận Bình cần phải cảnh giác trước làn sóng chống Mỹ dâng cao trong nước.
Trong một động thái phá vỡ quy tắc ngoại giao lâu dài của Mỹ và chọc giận Bắc Kinh, ông Trump đã thực hiện một cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân chủ tiến bộ ủng hộ tự do vào ngày 2/12/2016.
Bắc Kinh từ lâu vẫn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai cần phải được tái thống nhất với đại lục, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết, và Bắc Kinh cũng đã tạo sức ép với lãnh đạo Đài Loan buộc công nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Ông Trump cũng liên tục bày tỏ sự nghi ngờ về nguyên tắc “Một Trung Quốc” mà Mỹ đã duy trì nhiều năm nay (cho tới cuộc điện đàm với ông Tập gần đây, ông Trump lại nói rằng sẽ tôn trọng nguyên tắc này).
Nếu tình hình không thay đổi, một chiến dịch tẩy chay sản phẩm của Mỹ hoặc các cuộc biểu tình chống Mỹ có thể diễn ra ở Trung Quốc đại lục. Ông Tập muốn ngăn chặn các sự cố như vậy vì những sự cố này có thể dẫn tới bất ổn xã hội, trong khi ông lại đang chuẩn bị cho sự kiện chính trị cực kỳ quan trọng sắp tới.
Nếu nhìn vào lịch sử, ông Tập Cận Bình sẽ có lý do để hành động một cách thận trọng. Khi một máy bay quân sự của Mỹ vô tình thả bom trúng đại sứ quán của Trung Quốc ở Nam Tư năm 1999 làm chết ba người Trung Quốc, những cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra ở Bắc Kinh.
Năm nay là một năm hết sức nhạy cảm về mặt chính trị đối với Trung Quốc. Đảng cộng sản Trung Quốc sắp tới sẽ tổ chức đại hội vào mùa thu này và sẽ lại có một cuộc tranh đấu trong nội bộ đảng cầm quyền để lựa chọn ra một đội ngũ lãnh đạo mới.
Nikkei Asian Review nhận định, chính quyền ông Trump có thể sẽ cố gắng chọc phá chính quyền ông Tập theo nhiều cách. Trong những trường hợp đó, ông Tập Cận Bình cần phải trấn an công chúng. Đó là lí do vì sao Trung Quốc thời điểm này lại tận dụng tàu Liêu Ninh. Tàu sân bay đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc này là một vật báu quân sự đối với chính quyền ông Tập Cận Bình, cho dù trên thực tế nó chỉ là một con “hổ giấy.”