Báo Hoa ngữ so sánh chống Covid-19 theo mô thức Hàn Quốc và mô thức Trung Quốc

VietTimes -- Hiện nay, đại dịch Viêm phổi cấp do virus Corona mới (COVID-19) đang hoàn hành khắp thế giới với hơn 157 ngàn người bị bệnh và hơn 5.800 ca tử vong tính đến chiều ngày 15/3. Trong khi các nước Âu, Mỹ còn đang lúng túng về phương pháp phòng chống dịch thì ở châu Á, các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, (cả Việt Nam) và các khu vực Hồng Kông, Đài Loan...đã bước đầu khống chế dịch thành công. Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 14/3 đã đăng bài phân tích của tác giả Tô Thiên Trạch về hai mô thức chống dịch của Trung Quốc và Hàn Quốc.
Vũ Hán là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc bị phong tỏa ngày 23/1, sau đó lần lượt các tỉnh, thành phố khác đều làm theo (Ảnh: AFP).
Vũ Hán là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc bị phong tỏa ngày 23/1, sau đó lần lượt các tỉnh, thành phố khác đều làm theo (Ảnh: AFP).

Bài báo viết, các chuyên gia kinh tế dự đoán, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc ngăn chặn và kiểm soát đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể bằng “0” trong quý I năm nay. Sự bùng phát dịch bệnh toàn cầu trong quý II cũng có thể tác động đến nền kinh tế Trung Quốc và làm chậm tốc độ phục hồi kinh tế. Công tác phòng chống dịch bệnh kiểu “phong bế” (đóng kín cửa) kéo dài hơn một tháng, đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc.

Kể từ khi phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt, đa số người dân Trung Quốc về cơ bản chỉ sống trong nhà. Ngoại trừ việc lấp đầy dạ dày, tất cả các hoạt động xã hội và tiêu dùng đã cơ bản dừng lại. Điều này giải thích tại sao dịch bệnh của Trung Quốc được kiểm soát nhanh chóng và nhiều tỉnh đã không có thêm ca lây nhiễm mới trong hai hoặc ba tuần liên tiếp. Tuy nhiên, cái giá phải trả rất lớn. Nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là ngành dịch vụ, đã chịu tổn thất nặng nề, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa.

Thành phố Vũ Hán những ngày đóng cửa, mọi hoạt động giao thông, sản xuất, dịch vụ...đều tê liệt (Ảnh: AP).
Thành phố Vũ Hán những ngày đóng cửa, mọi hoạt động giao thông, sản xuất, dịch vụ...đều tê liệt (Ảnh: AP).

Điều đáng sợ là mặc dù nhiều nơi đã không có các ca bệnh mới, nhưng công tác phòng chống dịch bệnh kiểu “phong bế” vẫn chưa được nới lỏng và mọi người vẫn bị yêu cầu ở nhà và giảm thiểu ra ngoài. Lấy Bắc Kinh làm ví dụ, ngay từ cuối tháng 2, số ca mới ở Bắc Kinh về cơ bản đã giảm xuống còn 0, chỉ thỉnh thoảng có ca “nhập khẩu”, nhưng Bắc Kinh không vì thế mà nới lỏng sự kiểm soát. Các cộng đồng dân cư vẫn đang quản lý khép kín, nhà hàng vẫn không được tự do kinh doanh và chỉ có thể được bán ra kiểu giao hàng, các xe loa tuyên truyền vẫn hàng ngày tuần tra yêu cầu mọi người phải ở trong nhà.  

Với việc đóng cửa như vậy, mặc dù nhiều công ty, xí nghiệp đã bắt đầu phục hồi sản xuất, nhưng do các hoạt động và tiêu dùng của người dân hạn chế, nền kinh tế Trung Quốc khó có thể nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường. Không có tiêu dùng, nền kinh tế không thể phồn vinh. Doanh số bán ô tô của Trung Quốc giảm mạnh gần 80% trong tháng 2 và chỉ số thu mua PMI của ngành dịch vụ tổng hợp Trung Quốc chỉ đạt 26,5 tức chỉ khoảng một nửa so với tháng 1, mức thấp kỷ lục trong lịch sử. Việc đơn giản nhốt hơn một tỷ người Trung Quốc tại nhà đã thực sự nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, nhưng cái giá có vẻ quá nặng nề.

Tại Hàn Quốc mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn thực hiện bình thường trong khi chống dịch, ngoại trừ các cuộc tụ tập đông người quy mô lớn. (Ảnh: Yonhap).
Tại Hàn Quốc mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn thực hiện bình thường trong khi chống dịch, ngoại trừ các cuộc tụ tập đông người quy mô lớn. (Ảnh: Yonhap).

Liệu có cách nào ngăn ngừa dịch bệnh tốt hơn không? Công tác phòng chống dịch bệnh của Hàn Quốc nhanh chóng đạt được kết quả tích cực, đã cho mọi người nhìn thấy một mô hình phòng chống dịch bệnh mới khoa học hơn và ít tốn kém hơn. Một tuần trước, dịch bệnh ở Hàn Quốc vẫn đang trong giai đoạn bùng phát, với hơn 500, thậm chí 1.000 trường hợp được chẩn đoán mới mỗi ngày. Tuy nhiên, số ca được xác nhận ở Hàn Quốc đã giảm nhanh chóng trong tuần qua. Đến ngày 14 tháng 3, số ca mắc mới được xác nhận ở Hàn Quốc đã giảm xuống chỉ còn 76 ca. Hàn Quốc đã bước đầu khống chế được dịch bệnh. Người ta tin rằng chỉ trong một tuần nữa, tình hình dịch bệnh ở Hàn Quốc sẽ được kiểm soát hoàn toàn và sẽ giành được chiến thắng bước đầu trong công tác chống dịch bệnh.

Điều đáng chú ý là vào thời điểm dịch bệnh bùng phát, Hàn Quốc đã không áp dụng các biện pháp đóng cửa kiểu Trung Quốc, cũng không hoàn toàn hạn chế quyền tự do di chuyển của người dân. Họ chỉ khống chế các hoạt động tụ tập đông người quy mô lớn và yêu cầu mọi người đeo khẩu trang khi ra ngoài. Đồng thời, tập trung sàng lọc tất cả các đối tượng nghi nhiễm, tìm ra những người nhiễm bệnh để cách ly sớm nhất và kiểm soát chính xác những người mang virus. Kinh nghiệm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc cho thấy ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, chỉ cần rà soát toàn diện, nhanh chóng kiểm soát và cách ly nguồn lây nhiễm và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, tình hình dịch bệnh vẫn có thể được kiểm soát mà không cần phải đóng cửa thành phố và quản lý kiểu khép kín đối với cư dân.

Hàn Quốc được đánh giá đã thành công vượt qua đỉnh dịch và đã kiểm soát được dịch bệnh (Ảnh: AP).
Hàn Quốc được đánh giá đã thành công vượt qua đỉnh dịch và đã kiểm soát được dịch bệnh (Ảnh: AP).

Trên thực tế, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore cũng làm như vậy và về cơ bản đã phòng chống dịch bệnh thành công. Virus Corona mới không bùng phát trên diện rộng ở ba nơi này. Ban đầu, ba nơi đã tăng cường kiểm soát nguồn lây nhiễm và một khi các trường hợp lây nhiễm được tìm thấy, những người xung quanh liền được rà soát và cách ly triệt để để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona mới. Kết quả, với tiền đề duy trì hoạt động bình thường của xã hội, tính đến ngày 13/3, chỉ có 49 ca được xác nhận tại Đài Loan và hơn 100 ca ở Hồng Kông và Singapore.

Tiến sĩ Jennifer Nuzzo, một học giả cao cấp tại Trung tâm Bảo hiểm Y tế Đại học Johns Hopkins, đề nghị học theo cách tiếp cận thận trọng của Hồng Kông và Singapore. Chính phủ của hai nơi này đã đưa ra các biện pháp cách ly có mục tiêu, nhưng không hoàn toàn đóng cửa nơi làm việc, vì vậy nền kinh tế có thể tiếp tục vận hành và cho đến nay, đã ngăn chặn thành công virus Corona mới. “Chúng ta cần xem xét các tác động xã hội một cách toàn diện hơn”, ông Nuzzo nói, “Cần phải được tính toán cẩn thận giá thành xã hội của các phương pháp này, không chỉ là các con số trong dịch bệnh”.

Các nhân viên phòng dịch quân đội Hàn Quốc phun thuốc khử trùng trên đường phố (Ảnh: Tân Hoa xã).
Các nhân viên phòng dịch quân đội Hàn Quốc phun thuốc khử trùng trên đường phố (Ảnh: Tân Hoa xã).

Quả thật, kiểm soát dịch bệnh là rất quan trọng, phát triển kinh tế cũng rất quan trọng. Tìm ra một phương pháp cân bằng vừa có thể kiểm soát được dịch bệnh lại vừa đảm bảo phát triển kinh tế là tốt nhất cho xã hội loài người. Trung Quốc tuy đã đánh bại dịch bệnh bằng cách kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xã hội, nhưng giá phải trả bằng kinh tế quá lớn; trong khi cách làm của Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore (và cả Việt Nam) đều kiểm soát dịch và đảm bảo hoạt động bình thường của nền kinh tế và xã hội, rõ ràng là mô thức chống dịch xứng đáng được các nước khác học tập, làm theo.