Theo National Interest, cuộc tuần tra gần như là một cuộc mô phỏng thực hành bay của máy bay ném bom B-52 của không quân Mỹ, việc bay tuần tra này là một công cụ thể hiện tính răn đe của Mỹ nhằm thể hiện sự không hài lòng. Chẳng hạn như vụ B-52 Mỹ bay ngang qua vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ngang ngược một năm trước.
Trung Quốc, Nga và Mỹ là những nước duy nhất vận hành máy bay ném bom chiến lược tầm xa với số lượng lớn. Giống như máy bay B-52 của Mỹ hay Tu-95 của Nga hiện đang hoạt động, H-6 của Trung Quốc đi vào hoạt động từ đầu những năm 1950. Có đến 180 chiếc H-6 đã được sản xuất, phần lớn trong số đó vẫn tiếp tục phục vụ trong không quân và hải quân của quân đội Trung Quốc. Không giống như những chiếc máy bay chiến đấu mới hơn, máy bay ném bom mang tên lửa hành trình H-6 đã được thử nghiệm qua chiến đấu.
H-6 là bản sao của chiếc Tupolev Tu-16 Badger, máy bay ném bom chiến lược đầu tiên của Liên Xô. Trung Quốc đã nhận được một số máy bay Tu-16 từ Liên Xô trong những năm 1958-1959 và đã đạt được một thỏa thuận sản xuất với Matxcơva. Trung Quốc may mắn nhận được các bộ dụng cụ sản xuất của Tu-16 vì sau đó chỉ vài năm, quan hệ Trung- Xô đã gần như sụp đổ hoàn toàn và mất một khoảng thời gian dây chuyền sản xuất của Trung Quốc mới đi vào hoàn thiện. Trong khi vẫn đang trong quá trình triển khai, một chiếc Tu-16 đã tiến hành vụ ném bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc năm 1965.
Chiếc H-6 đầu tiên được sản xuất vào năm 1968 bởi Tập đoàn Tây An ở thành phố Tây An, Trung Quốc. Với hai động cơ phản lực sao chép từ động cơ AM-30 của Nga, H-6 có thể bay với vận tốc 656 dặm/giờ và có thể mang theo bom nặng từ 6.000 đến 18.000 pound (từ 2.721 đến 8.165 kg), trong bán kính chiến đấu 1.100 dặm. Máy bay ném bom H-6 dài 34m, có phi hành đoàn từ 4-6 người và bay cao không quá 42.000 feet.
Trong khi phiên bản cơ bản chỉ là một máy bay ném bom thông thường, một máy bay ném bom có khả năng hạt nhân H-6A đã tham gia vào một vụ thử ném bom hạt nhân trọng lực trong những năm 1970. Gần đây hơn, H-6 đã được sử dụng để ném bom thông thường trong cuộc phá băng trên sông Hoàng Hà.
Khi Tu-16 được thiết kế vào những năm 1950, mục đích nhằm cho máy bay bém bom chiến lược bay qua các thành phố và các căn cứ quân sự của kẻ thù và trút bom xuống đầu kẻ địch, dù là bom thông thường hay bom hạt nhân. Nguồn gốc của mô hình này trong thế chiến II được phản ánh trong vũ khí phòng thủ của H-6 với 6 khẩu pháo tự động 23mm đặt ở bụng, đuôi và đầu tháp pháo và chiếc thứ bảy sẽ đặt ở mũi máy bay để bắn hạ máy bay chiến đấu của kẻ thù. Tuy nhiên, phương pháp này rõ ràng là không còn phù hợp khi vào những năm 1960, tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu siêu âm với tên lửa tầm xa có radar dẫn đường đã đi vào sử dụng rộng rãi.
Vào những năm 1970, không quân Trung Quốc hiểu rằng các máy bay ném bom chiến lược không thể tiến gần đến đối thủ hiện đại để thả bom và họ bắt đầu tìm cách mở rộng tầm với của H-6. Phiên bản H-6D có thêm radar cho phép nhắm mục tiêu vào các tàu với hai tên lửa chống tàu C-601 Silkworm. C-601 dài 6,5m, được NATO gọi là YJ-6 hay CAS-1 Kraken, có tầm bắn 150km và mang được đầu đạn nặng gần 512,5kg.
Bốn chiếc H-6D đã được xuất sang Iraq năm 1987 cùng với 50 tên lửa C-601 và đã tham gia cuộc chiến đẫm máu Iran-Iraq năm 1988, khi hai quốc gia Trung Đông này phóng tên lửa, bom, mìn vào các tàu chở dầu của nhau và nhiều tàu đi ngang qua cũng bị dính bom trong cuộc giao tranh này.
Tàu đầu tiên bị C-601 ném bom là một tàu chở hàng cỡ lớn của Iran Entekhab vào 5/2/1988. Ít nhất 14 tàu chở dầu và chở hàng đã bị hư hại trong các cuộc tấn công do tên lửa C-601 của Iraq.
Một chiếc H-6D khác được cho là đã bị bắn hạ bởi chiếc F-14 Tomcat của Iran trước khi cuộc chiến kết thúc. Trong Chiến tranh vùng Vịnh, 3 chiếc H-6 đã bị bom Mỹ phá hủy ở căn cứ không quân Al-Taqaddum. Ai Cập là nước cũng vận hành H-6 nhưng đã cho những chiếc máy bay này vào kho niêm cất từ năm 2000.
Trong khi đó, Không quân Trung Quốc đều đặn tiếp tục cải tiến H-6 với những thông số kỹ thuật hiện đại, bắt đầu bằng những biện pháp đối phó và hệ thống điện tử hiện đại hóa trong thập kỷ 80 với chiếc H-6E và H-6F.
Không quân Trung Quốc cũng triển khai H-6 được sửa đổi vì mục đích phi chiến đấu, đáng chú ý nhất là chiếc HY-6, chiếc máy bay tiếp nhiên liệu trên không đầu tiên của không quân Trung Quốc. HY-6U được cho là có khả năng mang tới hơn 38,5 tấn nhiên liệu, bằng một nửa máy bay tiếp dầu KC-135E của Mỹ. Điều này cho phép HY-6U hỗ trợ hai máy bay chiến đấu trong nhiệm vụ tầm xa. Những chiếc H-6 có nhiệm vụ đặc biệt khác bao gồm máy bay trinh sát H-6B và HD-6 với nền tảng chiến tranh điện tử.
Bước phát triển sau này của H-6 tiếp tục tập trung vào trang bị tên lửa hành trình, bao gồm H-6H của thập kỷ 1990, được thiết kế để có thể bắn được hai tên lửa hành trình tấn công mặt đất, H-6G nhằm cung cấp dữ liệu chỉ thị mục tiêu cho tên lửa hành trình, H-6M có thể mang bốn tên lửa hành trình tầm xa YJ-81 và KD-88.
Cuối cùng, vào năm 2007, Trung Quốc đã công bố việc nâng cấp toàn diện chiếc H-6K mang động cơ D-30KP với lực đẩy mạnh hơn 25%, có buồng lái kính hiện đại với màn hình LCD. Những bộ phận lỗi thời đã được bỏ đi và thay bằng radar và hệ thống phòng thủ tiên tiến. Những hệ thống hiện đại khác bao gồm cảm biến hồng ngoại, liên kết dữ liệu với các lực lượng tác chiến khác.
Hơn nữa, H-6K có thể mang tới 6 tên lửa hành trình CJ-10 hoặc CJ-20 với tầm bắn trên 900 hoặc 1500 dặm, hoặc tên lửa chống hạm YJ-12. Phạm vi chiến đấu được nâng lên quanh 2.000 dặm hoặc thậm chí là 3.500 dặm nếu được tiếp nhiên liệu. 16 chiếc H-6K đã được lắp đặt và Trung Quốc được cho là đang xây dựng một biến thể mới với động cơ phản lực WS18 sản xuất trong nước.
Phạm vi và khả năng chiến đấu của chiếc H-6K vẫn chưa bằng “pháo đài bay” B-52 của Mỹ, nhưng điều này cũng không cần thiết. H-6K vẫn có thể bay ở khoảng cách xa trong khi vẫn chở được những tên lửa hành trình lớn để bắn các mục tiêu tầm xa. Giống như B-52, H-6 không cần phải chống lại máy bay chiến đấu hay SAM, nhưng nhờ có những tên lửa tầm xa mà nó có thể nhắm bắn mục tiêu cách xa 1.000 dặm, có thể nâng tầm tấn công lên tới 4.500 dặm kể từ căn cứ nếu được hỗ trợ tiếp nhiên liệu.
Điều thú vị là cho dù H-6 có thể mang theo vũ khí hạt nhân, không quân Trung Quốc được cho là chưa hề triển khai bất kỳ tên lửa hành trình phóng từ trên không có khả năng hạt nhân nào . Điều này cũng có thể xảy ra vì Trung Quốc định hướng theo hướng sử dụng vũ khí hạt nhân phòng thủ, chiến lược này ưu tiên nền tảng có khả năng sống sót trước tấn công hạt nhân phủ đầu của kẻ thù với tên lửa phóng từ tàu ngầm hoặc từ mặt đất.
Thay vào đó, H-6 có thể giúp mở rộng tầm với của cuộc tấn công thông thường và sẽ hữu dụng trong vai trò chống tàu. Tuy nhiên, trong khi chiếc H-6K hiện đại có thể là nền tảng tấn công trên biển hiệu quả, Trung Quốc vẫn thiếu các thiết bị giám sát rộng rãi để định vị và xác định các tàu thù địch đối với H-6.
Tuy nhiên, thực tế chiến đấu của H-6 trong năm 1988 cho thấy máy bay ném bom mang tên lửa hành trình có thể gây ra nhiều thiệt hại, thậm chí kể cả khi không được hỗ trợ tình báo.
Vào ngày 3/9/2016, tướng Mã Hiểu Thiên – tư lệnh không quân Trung Quốc đã tuyên bố Trung Quốc đang phát triển một máy bay ném bom chiến lược mới, nhưng không nói rõ liệu đó có phải là biến thể khác của H-6 hay là một máy bay hoàn toàn mới.
Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục khẳng định sự hiện diện ở Thái Bình Dương, bất kỳ loại máy bay nào có thể triển khai sức mạnh ở khoảng cách xa sẽ vẫn thích hợp, thậm chí cho dù đã đi vào hoạt động từ lâu như H-6.