Bangladesh: từ nay khi kết hôn, phụ nữ không còn phải khai có phải trinh nữ hay không

VietTimes -- Sau cuộc chiến pháp lý kéo dài 5 năm của các nhóm nữ quyền Bangladesh nhằm cố gắng giúp phụ nữ bảo vệ quyền riêng tư và tránh có thể bị sỉ nhục; Tòa án Tối cao Bangladesh đã ra phán quyết: từ nay về sau, phụ nữ không còn phải nêu rõ họ có phải là trinh nữ hay không trong giấy chứng nhận kết hôn nữa. Quy định mới này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ tháng 10/2019. Các tổ chức nữ quyền lập tức bày tỏ hoan nghênh phán quyết này.
Phụ nữ Bangladesh từ nay về sau khi kết hôn không cần phải khai có phải là trinh nữ hay không nữa. Ảnh: RTI
Phụ nữ Bangladesh từ nay về sau khi kết hôn không cần phải khai có phải là trinh nữ hay không nữa. Ảnh: RTI

Theo tổ chức Thomson Reuters Foundation ngày 27/8, Bangladesh là một quốc gia Nam Á, dân cư chủ yếu là người theo đạo Islam (Hồi giáo). Luật pháp nước này trước đây quy định, cô dâu khi kết hôn bắt buộc phải khai rõ mình có phải là một trinh nữ (kumari), góa phụ hay đã từng ly hôn trong giấy chứng nhận kết hôn.  

Thế nhưng Tòa án Tối cao Bangladesh (High Court) hôm 25 đã ra lệnh cho chính phủ phải thay thế từ “kumari” bằng từ “unmarried" – chưa kết hôn”. Các nhóm nữ quyền đều bày tỏ niềm phấn khởi, hạnh phúc khi thấy kết quả này.

Cũng theo phán quyết này, bây giờ chú rể cũng phải khai rõ đã từng kết hôn, ly hôn chưa hoặc có phải một người góa vợ không.

Một cô gái Bangladesh theo Hồi giáo. Ảnh: China Times
Một cô gái Bangladesh theo Hồi giáo. Ảnh: China Times

Ainun Nahar Siddiqua, một trong hai luật sư trong vụ án, cho biết: vụ án bắt nguồn từ một bản kiến nghị năm 2014 về việc sửa đổi “Bangladesh Muslim Marriage and Divorce Act” (Đạo luật Hôn nhân và ly dị Hồi giáo Bangladesh).

Luật sư Ainun Nahar Siddiqua, người làm việc tại tổ chức Trợ giúp Pháp lý và Dịch vụ Pháp lý (BLAST) của Bangladesh, nói với Thomson Reuters Foundation: “Phán quyết này khiến chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể phấn đấu để tạo ra nhiều thay đổi hơn cho phụ nữ trong tương lai”, “Chúng tôi tiến hành vụ kiện, bởi vì hỏi một người có là một trinh nữ hay không là xâm phạm quyền riêng tư”.

Ông Mohammad Ali Akbar Sarker, một nhân viên của công ty đăng ký hôn nhân Hồi giáo ở thủ đô Dhaka, nói với Thomson Reuters Foundation rằng các nhân viên đăng ký như ông vẫn đang chờ một thông báo chính thức từ Bộ Tư pháp để thực thi.

Akbar Sarker nói: “Tôi đã giải quyết nhiều cuộc hôn nhân ở Dhaka. Tôi thường bị hỏi tại sao đàn ông có quyền tự do không tiết lộ tình trạng của họ, còn phụ nữ thì không. Câu trả lời của tôi luôn là: tôi không biết. Tôi đoán, từ nay về sau sẽ không có ai hỏi lại tôi câu hỏi này nữa”.

Năm 1961, Bangladesh bắt đầu sử dụng thuật ngữ “trinh nữ” (kumari) trong luật. Kể từ đó, quốc gia này đã bị chỉ trích bởi các tổ chức đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ. Các nhà hoạt động nữ quyền cho rằng từ này mang tính sỉ nhục và phân biệt đối xử với phụ nữ.

(Theo RTI)