Kết thúc phiên 23/11/2017, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 933,70 điểm, tăng 1,04 điểm (+0,11%); chỉ số VN30-Index đóng cửa ở mức 922,92 điểm, tăng 0,74 điểm (+0,08%); chỉ số VNXAllshare đóng cửa ở mức 1.323,25 điểm, tăng 4,62 điểm (+0,35%); chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 110,18 điểm, tăng 0,89 điểm (+0,82%), chỉ số UPCOM-Index đóng cửa ở mức 54,26 điểm, tăng 0,02 điểm (+ 0,03%).
Khối lượng giao dịch diễn biến trái chiều trên 2 sàn. Cụ thể, trên sàn HOSE ghi nhận 145 mã tăng, 185 mã tham chiếu và giảm điểm; tổng khối lượng giao dịch đạt 223,22 triệu cổ phiếu, tương đương với 5.482,34 tỷ đồng, giảm so với phiên hôm trước. Trên sàn HNX đã có phiên giao dịch sôi động đột biến, ghi nhận 88 mã tăng, 165 mã tham chiếu và giảm điểm; khối lượng giao dịch đạt 81,93 triệu cổ phiếu, tương đương với 1.085,29 tỷ đồng
Chỉ số thị trường tiếp tục tăng nhanh ngay từ đầu phiên nhờ cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng như BID, CTG, VCB. Đà tăng đã nhanh chóng trùng xuống nhưng vẫn giữ được ổn định cho tới thời gian 14h00 chiều. Các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt giảm điểm khiến chỉ số đang từ mức tăng 5 điểm, giảm gần 6 điểm, biên độ dao động lên tới 11 điểm trong phiên.
Tuy nhiên, các cổ phiếu vốn hóa lớn đã hồi phục rất nhanh, giúp VN-Index tránh khỏi việc đóng cửa trong sắc đỏ, thậm chí là tăng 1 điểm.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có sự phân hóa, cụ thể, các mã có sự tăng điểm tốt như: CTG (+4,6%), MBB (+2,1%), BHN (+1,9%), VJC (+3,1%); một số mã đóng cửa giảm điểm như: GAS (-2,5%), BID (-1,6%), PLX (-2,3%).
Nhóm cổ phiếu SCIC thoái vốn cuối năm 2017 tiếp tục có diễn biến trái chiều: FPT (-(-0,7%), BMP (tham chiếu), NTP (+1,2%), VCG (+2,7%), DMC (-1,4%). Đáng chú ý, trong tuần sau SCIC sẽ công bố giá khởi điểm cho phiên đấu giá các cổ phiếu này.
Nhóm cổ phiếu ngành bất động sản, xây dựng ngoại trừ HBC giảm điểm (-2,2%), thì một số mã tiêu biểu khác có sự hồi phục nhẹ như CTD (0,5%), VIC (+0,7%), DXG (+1,6%), LDG (+1,1%).
Dòng cổ phiếu dầu khí diễn biến trái chiếu mặc dù có tin tức hỗ trợ từ việc giá dầu tăng, cụ thể: GAS (2,5%), PVD (+2,8%), PVS (tham chiếu), PVC (+9,9%), PVB (+3,1%).
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng có sự tăng điểm khá: FLC (+1,2%), IDI (+2,8%), HAR (+2,5%), HAI (+0,5%), HAG (-0,1%), HNG (+0,8%), FIT (+2,2%)
Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch khá cân bằng trên cả hai sàn. Cụ thể, trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 6,28 tỷ đồng, giao dịch tập trung vào các mã như: VNM (bán ròng 7,7 tỷ đồng), CTD (mua ròng 110,1 tỷ đồng). Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 7,59 tỷ đồng, giao dịch tập trung vào các mã như: PVS (mua ròng 5,59 tỷ đồng).
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch đạt 17.132 hợp đồng, tương đương với giá trị 1.677,97 tỷ đồng. Trong đó, hợp đồng VN30F1712 được giao dịch nhiều nhất với 15.836 hợp đồng, đóng cửa ở mức 950 điểm. Hợp đồng VN30F1801 giao dịch với 530 hợp đồng, đóng cửa ở mức 968 điểm. Hợp đồng VN30F1803 giao dịch với 465 hợp đồng, đóng cửa ở mức 991 điểm.
Khoảng cách điểm số giữa các hợp đồng tương lai và chỉ số cơ sở VN30 thu hẹp, kết hợp với giao dịch sôi động các kỳ hạn dài hơn cho thấy xu hướng phòng ngừa rủi ro trong giai đoạn này.