ASEAN và thời khắc lịch sử

Một tuyên bố lịch sử sẽ được các quốc gia thành viên ASEAN ký kết vào Chủ nhật (21/12), chính thức hóa việc tạo ra Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015.
Công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 27 ở Kuala Lumpur, Malaysia.
Công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 27 ở Kuala Lumpur, Malaysia.

Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc thành lập Cộng đồng ASEAN sẽ có chữ ký của tất cả 10 nhà lãnh đạo ASEAN trong suốt Hội nghị cấp cao ASEAN 27 tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur diễn ra tuần này.

Và để cho sự kiện lịch sử này đáng nhớ hơn, các nhà lãnh đạo của các cường quốc được mời tới tham dự, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Việc tạo ra Cộng đồng ASEAN là một cột mốc quan trọng cho nhóm các quốc gia được thành lập 48 năm trước đây.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng sẽ ký Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn ASEAN 2025. Đây là một kế hoạch chính trị chi tiết về tầm nhìn của ASEAN cho 10 năm tiếp theo.

Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 là một tầm nhìn chiến lược rộng lớn của khối nhằm củng cố một cộng đồng khu vực, hướng tới hiện thực hóa ý tưởng gắn kết về chính trị, kinh tế tổng hợp, trách nhiệm xã hội dựa trên luật lệ, định hướng và sẽ trở thành trung tâm của ASEAN.

Năm nay, việc thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 diễn ra vào đúng thời điểm Malaysia làm chủ tịch luân phiên của ASEAN. Việc này giúp cho Kuala Lumpur tạo dựng thành tựu đáng kể trong lịch sử của khối.

Trước đây, vào mỗi đợt khi Malaysia đóng vai trò là chủ tịch ASEAN, nước này đã có nhiều nỗ lực đưa ra các đề nghị hoặc tài liệu quan trọng được thông qua có tác động lớn đến khối.

Năm 1997, trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Tun Dr Mahathir Mohamad, Tầm nhìn ASEAN 2020 đã được thông qua, theo đó, ASEAN hướng tới quan hệ đối tác trong sự phát triển năng động, sáng tạo của một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau,  thành lập một ASEAN hướng ngoại.

Sau đó, vào năm 2005, khi đến lượt của Malaysia làm chủ tịch ASEAN lần nữa, Kuala Lumpur tổ chức tranh luận các sáng kiến ​​thành lập Hiến chương ASEAN.Hai năm sau đó, các điều lệ của Hiến chương ASEAN không chỉ hệ thống hóa các chuẩn mực chi phối hành vi, mối quan hệ giữa các quốc gia mà còn là hành vi của các quốc gia đối với người dân của họ.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 23 tại Brunei vào năm 2013, các nhà lãnh đạo của khối quyết định phát triển một tầm nhìn sau năm 2015 để tiến tới một sự gắn kết về chính trị, thống nhất về kinh tế, trách nhiệm xã hội, lấy con người làm định hướng và trung tâm, dựa trên luật lệ của ASEAN.  

Ngôn ngữ của các tài liệu chính thức của ASEAN có xu hướng khá dài hơi, đòi hỏi một nỗ lực để giải mã. Tuy nhiên, về cơ bản, những gì các nhà lãnh đạo muốn nói là họ mong muốn thấy một ASEAN mạnh mẽ hơn khi trở thành một cộng đồng chung. Các nhà lãnh đạo đã thống nhất triển khai công việc phát triển tầm nhìn đến cấp cao hơn – Nhóm Đặc nhiệm cấp cao (HLTF), với mỗi quốc gia thành viên sẽ có một đại diện.

Thành viên HLTF, dưới sự chủ trì của Chủ tịch ASEAN năm nay – Malaysia, được ủy thác để xây dựng và phát triển một tầm nhìn mạnh mẽ, có thể thực hiện hướng tới sự tiến bộ của ASEAN trong 10 năm tiếp theo.

HLTF đã họp nhóm ít nhất 10 lần kể từ hồi tháng Hai, cùng nhau toàn kiện văn bản chính thức cho 3 vấn đề của Cộng đồng ASEAN, cụ thể là trụ cột chính trị - an ninh, trụ cột kinh tế và trụ cột văn hóa-xã hội.

Điều quan trọng là việc ký kết tuyên bố này diễn ra dưới sự chứng kiến ​​của lãnh đạo các đối tác đối thoại của ASEAN trong bối cảnh khối muốn gửi đi một thông điệp rằng ASEAN vẫn đang nắm tay nhau sau gần 5 thập kỷ, và ASEAN muốn tiếp tục làm việc với các đối tác của họ.

Việc đưa ra được tầm nhìn cho khối không hề dễ dàng bởi HLTF chỉ còn chưa đầy một năm để công bố các tài liệu cần thiết. Áp lực quá lớn khi mà ASEAN hoạt động trên cơ sở đồng thuận, nghĩa là khi có một quốc gia không đồng ý, tất cả sẽ phải trở lại với bàn đàm phán. Đồng thuận là một con dao hai lưỡi đối với việc đưa ra một quyết định có tính chất căng thẳng.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia Datuk Seri Mustapa Mohamed cho biết việc thành lập Cộng đồng ASEAN là một cuộc hành trình, thêm vào đó, nó không có nghĩa là vào cuối năm 2015, ASEAN sẽ đóng cửa. "Giai đoạn tiếp theo của cuộc hành trình là đi đến năm 2025 và kế hoạch chi tiết sẽ được đưa ra nhằm tiếp tục các công việc còn dang dở".

Theo Infonet