Ngày nay, các vòng họp như vậy trở thành bán chính thức và hiện giờ được gọi tên là G7, và bản tuyên bố chung của nó cũng tương tự. Văn bản này bắt đầu bằng một đoạn văn nêu bật sự đoàn kết - thường là "Chúng tôi, các lãnh đạo của nhóm G7" - trước khi chuyển tới nội dung về kết quả từ các vòng họp của họ.
Nhưng năm nay, trong lúc giới lãnh đạo G7 tập trung ở Biaritz, Pháp từ hôm thứ Bảy tuần trước, dường như truyền thống nêu trên đang dần đi đến hồi kết. Giới chức các nước tham dự cho rằng, trừ khi các vị khách mời đạt được sự thống nhất ngoài kỳ vọng, sẽ không có một tuyên bố chung sau kỳ thượng đỉnh năm nay.
Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron trong tuần này đã cố gắng giảm nhẹ sự nghiêm trọng của sự việc trên. "Thật ra mà nói thì chả có ai đọc tuyên bố chung cả" - ông Macron nói - "Trong thời gian gần đây, người ta chỉ đọc các tuyên bố chung chỉ để tìm xem có sự bất đồng nào không".
Quyết định của ông Macron không thực sự dựa trên mối quan ngại rằng người ta có đọc tuyên bố chung hay không, mà là vì tác giả của nó. Việc viết tuyên bố chung vốn là một quy trình kéo dài, bắt đầu từ trước lúc Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra và các đại diện của mỗi nước tham dự cố gắng tìm ra một sự đồng thuận hợp lý.
Nhưng trong suốt 2 năm qua, Hội nghị thượng đỉnh G7 đều là những cuộc họp khiến các bên điên đầu, khi mà việc tuyên bố chung thường xuyên phải soạn thảo lại và thứ ngôn ngữ chưa từng có tiền lệ xuất hiện trong văn bản cuối cùng đã gây xói mòn mục đích truyền thống của nó. Và có một cá nhân chịu trách nhiệm cho điều đó: Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Năm 2017, ông Trump đã bất đồng với các lãnh đạo khác các vấn đề liên quan tới thương mại và biến đổi khí hậu, và kết quả là những người viết tuyên bố chung phải thêm vào văn bản này một đoạn viết có nội dung: "Mỹ vẫn đang trong quá trình xem xét lại các chính sách về biến đổi khí hậu và về Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, bởi vậy họ không đồng thuận về những vấn đề này".
Chỉ vài ngày sau, Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Mọi việc còn tồi tệ hơn trong thượng đỉnh G7 tổ chức hồi năm ngoái tại Canada, khi mà Mỹ tham gia các phiên họp về biến đổi khí hậu tách riêng hoàn toàn so với phần còn lại của G7. Sau khi xảy ra bất đồng với Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau, ông Trump rời khỏi hội nghị và sau đó tuyên bố không ủng hộ tuyên bố chung trên Twitter.
Trong lúc quan hệ các nước trong nhóm không có sự cải thiện nào kể từ tháng 6 năm ngoái, và khi mà sự đoàn kết của G7 đang rạn nứt, Tổng thống Pháp Macron hy vọng rằng ông sẽ né được viên đạn đó trong hội nghị năm nay. Sự thiếu đoàn kết đã phủ bóng hội nghị này và nó có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, chứ không chỉ là không ra được tuyên bố chung.
Vào năm 2012, dù cho Tổng thống Nga Vladimir Putin không đến dự hội nghị tổ chức tại Trại David, Mỹ; tuyên bố chung năm đó cũng không nhắc tới sự vắng mặt của ông hay vấn đề bất đồng nào. Chỉ 2 năm sau, khi Nga bị ngừng tư cách thành viên do vấn đề Ukraine, tuyên bố chung thực chất vẫn thể hiện được sự đoàn kết khi đồng nhất lên án Nga.
Ông Macron đã đúng khi nói rằng rất ít người quan tâm tới tuyên bố chung của G7. Dù cho G7 ban đầu được hình thành như một diễn đàn để thảo luận về vấn đề kinh tế, nhưng theo thời gian các cuộc họp trong khuôn khổ của nó đã bao gồm hàng loạt vấn đề - và bản tuyên bố chung bởi vậy cũng thường rất dài, lên tới hàng nghìn từ (như tuyên bố chung dài 10.000 từ công bố năm 2013), đó là còn chưa kể vô số các văn bản khác được công bố hàng năm.
Hội nghị thượng đỉnh G7 không nhất thiết phải là nơi đưa ra quyết định hành động cụ thể. Căn bản đây là một nhóm không chính thức, bởi vậy mà tuyên bố chung cũng chỉ là một tuyên bố nói về dự định của các thành viên, chứ không có ràng buộc về mặt pháp lý. Mục tiêu kinh tế của nhóm này giờ hoàn toàn bị áp đảo bởi G20, vốn lớn hơn về quy mô, trong đó bao gồm cả các nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc và Ấn Độ.
Nói vậy không có nghĩa rằng G7 không có ích. Ngay từ những năm đầu tiên, các tuyên bố chung của nhóm này đã đề cập tới nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng - từ năm 1985, giới lãnh đạo G7 đã bàn về "biến đổi khí hậu", tức 3 thập kỷ trước khi có Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. G7 cũng có ích trong việc thực hiện các sáng kiến về tái cấu trúc tài chính và sức khỏe cộng đồng.
Rõ ràng là sự đoàn kết của G7 có thể đóng vai trò hữu ích trong rất nhiều các vấn đề. Biến đổi khí hậu ngày nay vẫn là một vấn đề, như đã thấy trong nạn cháy rừng ở Amazon, trong khi các vấn đề bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng làm nổi bật vai trò của G7. Tuyên bố chung của G7 có thể là một văn bản mờ nhạt, ít ai chú ý, nhưng thứ mà nó đại diện cho sẽ không dễ dàng bị thay thế.
Theo Washington Post