Ai là người chiến thắng sau 1 tháng Tòa trọng tài đưa ra phán quyết về Biển Đông?

(VietTimes) -- Đài tiếng nói Hoa Kỳ ngày 13/8 cho rằng hiện nay không có ai là người chiến thắng trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã coi thường phán quyết trọng tài, nhưng phán quyết này là cơ sở của đàm phán tương lai.
Ngày 8/8/2016, tàu khu trục USS USS Benfold (DDG-65) thăm Thanh Đảo, Trung Quốc. Ảnh: VOA.
Ngày 8/8/2016, tàu khu trục USS USS Benfold (DDG-65) thăm Thanh Đảo, Trung Quốc. Ảnh: VOA.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ cho rằng đến nay phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc đã trải qua 1 tháng, Trung Quốc đã triển khai một loạt hành động (có cả hành động phi pháp) trên Biển Đông, dùng hành động thực tế để tuyên bố "không thừa nhận, không chấp nhận" đối với phán quyết, thể hiện họ như là "người chiến thắng thực sự".

Nhưng, bài viết cho rằng trong phán quyết này hoàn toàn không có người chiến thắng thực sự, kể cả Trung Quốc, Philippines và Mỹ.

Trái lại, khu vực Biển Đông rơi vào đối đầu nguy hiểm. Nhưng có chuyên gia cho rằng kết quả trọng tài cũng đã tạo ra khả năng cho các bên ở Biển Đông tiếp tục đối thoại.

Trung Quốc coi thường Tòa trọng tài

Kết quả trọng tài tuyên bố đã được 1 tháng, Trung Quốc sử dụng đủ mọi loại hành động tỏ rõ sự coi thường đối với trọng tài và chống lại trọng tài.

Sau khi phán quyết được công bố, Không quân Trung Quốc tuyên bố tiến hành cái gọi là "tuần tra chiến đấu thường lệ" (bất hợp pháp) trên bầu trời Biển Đông (bao gồm cả ở khu vực quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough). Trong một cuộc tuần tra gần nhất, Trung Quốc còn tiến hành tiếp dầu cho máy bay chiến đấu Su-30.

Máy bay chiến đấu Su-30 Không quân Trung Quốc tiến hành tiếp dầu trên không. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu Su-30 Không quân Trung Quốc tiến hành tiếp dầu trên không. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 28/7 tuyên bố Trung Quốc và Nga sẽ tổ chức diễn tập hải quân "thường lệ" liên hợp ở Biển Đông vào tháng 9/2016.

Ngày 2/8, Toà án nhân dân tối cao Trung Quốc công bố giải thích tư pháp cho rằng sẽ thực hiện "quyền tư pháp" đối với cái gọi là "vùng biển Trung Quốc quản lý" như Biển Đông và biển Hoa Đông. Có tin cho biết đây là phản ứng của Trung Quốc đối với trọng tài Biển Đông.

Ngoài ra, gần đây có hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc mới xây dựng thêm (bất hợp pháp) nhà chứa máy bay ở nhiều đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Những nhà chứa máy bay này có thể chứa các loại máy bay quân sự của Trung Quốc.

Trước đó, Trung Quốc đã thành công trong việc sử dụng các chiêu trò để Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM49) không đề cập đến kết quả phán quyết ngày 12/7 của Tòa trọng tài ở The Hague.

"Không có người chiến thắng" trong vấn đề Biển Đông

Nhà nghiên cứu lâu năm Robert A. Manning từ Trung tâm an ninh quốc tế Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng trong vấn đề Biển Đông hiện nay cơ bản không có ai chiến thắng.

Theo Robert A. Manning: "Mỹ không thắng, mặc dù Mỹ đã có rất nhiều nỗ lực, nhưng hoàn toàn không thể ngăn chặn tất cả các hành động cố tình của Trung Quốc.

Các đồng minh của chúng tôi đang quan sát. Trung Quốc cũng không chiến thắng, bởi vì Trung Quốc đang thúc đẩy toàn bộ các nước trong khu vực liên kết lại với nhau theo cách tổ chức thành liên minh an ninh mới để phản đối họ. 

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49). Ảnh: TTXVN.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49). Ảnh: TTXVN.

Giữa họ với Mỹ và Nhật Bản đã có hợp tác an ninh. Ấn Độ và Indonesia đang bàn về hợp tác hàng hải; Indonesia, Malaysia và Philippines cũng đang bàn về hợp tác hàng hải ba bên. Vì vậy, tôi cho rằng Trung Quốc cũng không chiến thắng".

Robert A. Manning cho rằng Philippines đương nhiên cũng không phải là người chiến thắng. Mặc dù cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos vừa tiếp xúc với các quan chức Trung Quốc, nhưng Trung Quốc trước đó cho biết chỉ có Philippines từ bỏ quyết định của trọng tài thì mới sẵn sàng đàm phán.

Ông Fidel Ramos đã có cuộc gặp gỡ với bà Phó Oánh, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ở Hồng Kông, hai bên tìm cách mở đường cho tái khởi động hội đàm chính thức giữa hai nước về vấn đề Biển Đông.

Nhưng, cuộc tiếp xúc lần đầu tiên giữa Trung Quốc và Philippines hầu như hoàn toàn không đề cập đến vấn đề cốt lõi chủ quyền Biển Đông.

Ngày 11/8/2016, cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos gặp gỡ
Ngày 11/8/2016, cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos gặp gỡ "bạn cũ" ở Hồng Kông trong đó có bà Phó Oánh - chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại - Quốc hội Trung Quốc (trong ảnh) và ông Ngô Sĩ Tồn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông - Trung Quốc. Ảnh: Philstar

Đối đầu nguy hiểm

Nhà nghiên cứu Robert A. Manning cho rằng: "Tình hình hiện nay của chúng ta là đã rơi vào một vòng lẩn quẩn 'hành động - đáp trả hành động'. Trung Quốc tiến hành xây dựng (bất hợp pháp) nhiều hơn ở các đá ngầm trên Biển Đông, Mỹ điều tàu chiến và máy bay quân sự đến Biển Đông, thể hiện quyền tự do đi lại.

Trung Quốc tiếp tục xây dựng (bất hợp pháp), Mỹ tiếp tục điều máy bay và tàu chiến, những hành động này đang lặp đi lặp lại. Mỗi lần, tình hình trở nên càng nguy hiểm hơn".

Theo Robert A. Manning, hiện nay mọi người hầu như đều đang ở trong đối đầu nguy hiểm. Ông lo ngại đối đầu như vậy có thể sẽ làm cho bất cứ cuộc xung đột nhỏ nào ở Biển Đông có thể trở thành một ngòi nổ để dẫn tới một cuộc xung đột trên phạm vi lớn hơn giữa một nước lớn trỗi dậy và trật tự vốn có, giống như sự kiện Hoàng tử đế quốc Áo-Hung bị sát hạt ở Sarajevo đã làm bùng nổ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Phán quyết sẽ được thực thi

Có chuyên gia cho rằng do phán quyết của Tòa trọng tài làm cho Philippines có được thắng lợi quá lớn, cho nên để Trung Quốc tuân thủ phán quyết trở nên ngày càng không có khả năng. Nhưng, chủ nhiệm Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, Greg Poling cho rằng phán quyết hoàn toàn không phải vô giá trị thực sự.

Greg Poling khẳng định: "Phán quyết đã cung cấp cơ hội, mở ra cánh cửa lớn cho đối thoại giữa Trung Quốc và Philippines, không có vụ kiện này thì đây là điều không thể".

Trung Quốc luôn tìm cách để ASEAN tránh đạt được đồng thuận về vấn đề Biển Đông. Trong hình là Thủ tướng Campuchia Hun Sen gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cương ở Ulan Bator, Mông Cổ ngày 15/7/2016. Ảnh: báo Phượng Hoàng, Hồng Kông.
Trung Quốc luôn tìm cách để ASEAN tránh đạt được đồng thuận về vấn đề Biển Đông. Trong hình là Thủ tướng Campuchia Hun Sen gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cương ở Ulan Bator, Mông Cổ ngày 15/7/2016. Ảnh: báo Phượng Hoàng, Hồng Kông.

Greg Poling cho rằng Trung Quốc hoàn toàn không "coi thường" trọng tài như họ tuyên bố. Tất cả những hành động hiện nay của Trung Quốc chỉ là muốn giảm tổn thất danh dự và "sức mạnh mềm" của họ, nhưng bất kể Trung Quốc có cố gắng như thế nào thì sự tổn thất này sẽ còn tiếp diễn.

Ông đặc biệt nhấn mạnh, phần lớn kết quả phân xử của Tòa trọng tài cuối cùng ít nhiều sẽ được tuân thủ. Vụ kiện giữa Mỹ và Nicaragua đã như vậy, Nga và Hà Lan cũng như vậy. Mặc dù những nước này không muốn thừa nhận, nhưng cuối cùng cũng đã tìm được cách làm bảo toàn thể diện và đã tuân thủ phán quyết.

Greg Poling cho rằng Trung Quốc hiện nay mặc dù không có bất cứ hành động nào trên phương diện này, nhưng 5 năm sau thậm chí muộn hơn Trung Quốc có thể cũng buộc phải tuân thủ, bởi vì các nước xung quanh Biển Đông hiện nay đã liên kết lại với nhau cùng đối phó (yêu sách bành trướng "đường chín đoạn" vô lý, phi pháp của) Trung Quốc.

Ông cho rằng do hành vi (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông, so với thời điểm năm 2008 và năm 2012, vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc hiện nay ở các nước láng giềng xung quanh đã suy giảm.

Cơ hội cho đàm phán

Nhà nghiên cứu Robert A. Manning cho rằng kết quả phán quyết của Tòa trọng tài làm cho các thực thể ở Biển Đông "mất đi giá trị" (Tòa trọng tài xác định các thực thể ở Biển Đông không phải là đảo), thực sự đã tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

Robert A. Manning nói: "Kết quả phán quyết thực sự xác nhận, những thực thể này không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, không có quyền lợi lịch sử. Nền tảng như vậy thực ra đã tạo ra một hiện trạng mới.

Theo tôi, điều quan trọng hơn hiện nay là quyền lợi biển, quyền đánh bắt cá và tài nguyên hợp tác khai thác. Vấn đề chủ quyền rất phức tạp, có người mất, có người được. Nhưng, những vấn đề này có thể đàm phán. Như vậy, mỗi người đều có thể có được một số thứ, không ai là người thua thiệt hoàn toàn".

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc có nhiều hành động phi pháp trên Biển Đông. Ảnh: Tân Hoa xã/Đa Chiều.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc có nhiều hành động phi pháp trên Biển Đông. Ảnh: Tân Hoa xã/Đa Chiều.

Nhưng, ông cho rằng muốn đạt được mục đích này cần có một khả năng lãnh đạo. Đến nay ông còn chưa nhìn thấy xuất hiện khả năng lãnh đạo như vậy. Ông đề nghị Hội nghị thượng đỉnh Đông Á cần đóng vai trò như vậy.

Trong hội nghị này, thiết lập một ủy ban lãnh đạo trong đó có Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ, đưa Hội nghị thượng đỉnh Đông Á từ một diễn đàn trở thành một tổ chức khu vực thực sự có vai trò, thúc đẩy đàm phán đa phương, thảo luận về các tài sản chung, nghề cá và các tài nguyên khác ở Biển Đông.

Ông đã loại trừ vai trò của ASEAN, bởi vì nội bộ ASEAN còn tồn tại bất đồng, chia rẽ trong vấn đề Biển Đông, nhất là những nước như Campuchia vốn đã công khai phản đối phán quyết của Tòa trọng tài. Như vậy, trong nội bộ ASEAN, Trung Quốc đã có một phiếu phủ quyết.