Ngày 28-12, chiến dịch giải phóng thành phố Ramadi - thủ phủ tỉnh al-Anbar - đã căn bản hoàn thành sau khoảng hai tuần giao tranh ác liệt giữa lực lượng Iraq, được yểm trợ không quân của Mỹ, với lực lượng IS chiếm đóng thành phố này từ ngày 15-5 đến nay.
Việc giải phóng được Ramadi là một thắng lợi to lớn của lực lượng chống IS tại Iraq. Ngoài những kết quả đã đạt được trên chiến trường, có những vấn đề bên trong mang nhiều ý nghĩa tích cực hứa hẹn những bước tiếp theo khả quan của cuộc chiến chống IS tại Iraq.
Dùng Sunni đánh Sunni
Sau khi thành phố Tikrit - thủ phủ tỉnh Salah ad Din, một trong bốn tỉnh truyền thống của người Sunni Iraq - được giải phóng đầu tháng 4-2015, Mỹ nhận rõ tính chất phức tạp của tranh chấp Shiite - Sunni trong cuộc chiến chống IS tại Iraq.
Trong chiến dịch Tikrit, phe Shiite được sự hỗ trợ đắc lực của Iran đã đơn phương mở chiến dịch, không chấp nhận yêu cầu phối hợp của các dòng tộc Sunni bản địa.
Sau khi IS bị đuổi khỏi Tikrit, phe Sunni tố cáo các nhóm dân binh Shiite áp đặt quyền kiểm soát thành phố này, trả thù những người Sunni mà Shiite coi là “hợp tác với IS”, đồng thời ngăn cản người Sunni bản địa trở về nhà của họ..., điều này gây bất bình nghiêm trọng cho Sunni.
Thậm chí Sunni Iraq và chính quyền tại một số quốc gia Ả Rập cho rằng Iran và Shiite đã “chiếm đóng Tikrit của người Sunni”. Từ đó phe Sunni - Ả Rập có khuynh hướng thà tạm thời chấp nhận IS còn hơn để Shiite - Iran đuổi IS đi và chiếm các khu vực vốn là lãnh thổ truyền thống của Sunni.
Mỹ nhận thấy tính phức tạp của vấn đề tranh chấp Sunni - Ả Rập với Shiite - Iran nên đã không nhận yểm trợ không quân cho chiến dịch giải phóng Tikrit. Đây là lý do khiến kế hoạch của Chính phủ Iraq giải phóng Mosul (định bắt đầu tháng 4-2015, ngay sau khi giải phóng Tikrit) bị trì hoãn.
Từ đó, chính quyền của Tổng thống Barack Obama kiên trì gây áp lực để chính quyền trung ương Iraq, vốn bị coi là do phe Shiite khống chế, phải chấp nhận kế hoạch của Mỹ. Trong kế hoạch này, Mỹ thúc đẩy Bộ Quốc phòng Iraq thành lập riêng lực lượng chuyên trách chống khủng bố để không lệ thuộc hệ thống đơn vị quân đội vốn do Shiite kiểm soát.
Lực lượng chống khủng bố này được các cố vấn Mỹ huấn luyện chiến thuật trận địa chiến và chiến tranh đường phố. Vũ khí do Mỹ cung cấp cho Iraq cũng được trang bị chủ yếu cho lực lượng đặc biệt này.
Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố đã đóng vai trò chủ công trong chiến dịch giải phóng Ramadi, không dùng các sư đoàn sẵn có của quân đội Iraq. Lực lượng phối hợp trong chiến dịch giải phóng Ramadi là những nhóm dân binh thuộc các dòng tộc theo dòng Sunni của tỉnh al-Anbar.
Mỹ đã hầu như đơn phương hợp tác với các thủ lĩnh Sunni ở al-Anbar để tổ chức lực lượng dân binh này, kể cả việc huấn luyện và trang bị vũ khí, bất chấp phản kháng từ phía Shiite.
Mỹ cũng can thiệp mạnh mẽ ngay từ quá trình lên kế hoạch chiến dịch giải phóng Ramadi, chứ không bị động như khi Iraq đánh đuổi IS ở Tikrit.
Ngoài nguyên tắc chỉ sử dụng lực lượng chống khủng bố với sự tham gia của dân binh Sunni địa phương, Mỹ còn đưa ra các yêu cầu cụ thể khác: không để lực lượng dân binh Shiite (gọi là Hashad Shaabi) tham gia chiến dịch này và IS bị đuổi khỏi nơi nào thì để Sunni địa phương tiếp quản quản lý nơi ấy.
Phía Mỹ dứt khoát nếu Chính phủ Iraq không chấp nhận những điều kiện trên thì Mỹ không phối hợp, không yểm trợ không quân cho chiến dịch.
Chính phủ Iraq do Haider al-Abadi làm thủ tướng hiểu rõ ý đồ của Mỹ muốn tránh tác động tiêu cực của tranh chấp Sunni - Shiite đối với chiến dịch giải phóng Ramadi.
Các bên Iraq, dù vẫn tranh chấp với nhau, cũng nhận thức được nếu không có sự yểm trợ không quân của liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu và không có sự hợp tác thật sự của Sunni ở tỉnh al-Anbar thì không thể thắng IS tại Ramadi được.
Bài học cũ
Thành công của Mỹ trong việc giúp Iraq giải phóng Ramadi thật ra lặp lại kinh nghiệm mà cựu tổng thống George W. Bush đã áp dụng thời kỳ 2007-2008, kết quả là xóa sổ tổ chức al-Qaeda Iraq do Abu Musab Zarqawi đứng đầu.
IS cũng như al-Qaeda là các nhóm khủng bố thuộc dòng Sunni. IS hiện nay đang chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Sunni ở Iraq và Syria. IS tại Iraq chủ yếu là tập hợp của người Iraq bản địa thuộc các khu vực truyền thống của người Sunni.
Từ đó, IS thật sự có các mối quan hệ chằng chịt với người địa phương chứ không phải “quân xâm lược” đơn thuần. Bởi thế, chỉ có để người Sunni đóng vai trò chính đối đầu với IS, đuổi nhóm khủng bố này khỏi các lãnh thổ bị chiếm đóng và trao lại quyền kiểm soát các khu vực ấy cho người Sunni bản địa.
Nếu để Shiite mà đằng sau là Iran nhúng tay vào, IS sẽ kích động mâu thuẫn giữa hai dòng Hồi giáo, khiến chiến dịch chống khủng bố khó mà suôn sẻ.
Ngày 29-12, ngay sau khi lực lượng Iraq chiếm được khu trung tâm hành chính của Ramadi, Thủ tướng al-Abadi đã đến thị sát tại chỗ khi tiếng súng vẫn còn râm ran ở vùng phụ cận, khói lửa vẫn chưa tan giữa quang cảnh tàn phá kinh hoàng.
Ông al-Abadi có lý khi khẳng định kế hoạch giải phóng Ramadi là “hình mẫu” để tiến tới giải phóng Mosul - thủ phủ tỉnh Ninawa ở miền bắc Iraq - vẫn do IS chiếm đóng và thậm chí sẽ giải phóng các thành phố Iraq khỏi IS trong năm 2016.
Có thể chính quyền trung ương Iraq cũng không ngại bắt tay với các thành phần khác như lực lượng người Kurd Peshmerga để bứng rễ IS khỏi Mosul.
Theo Tuổi trẻ