Tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài đạt 2,84 tỷ USD
Tại Hội nghị Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới, diễn ra ngày 17/10, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, bên cạnh các địa bàn đầu tư truyền thống, đầu tư ra nước ngoài thì xu hướng đang dần dịch chuyển sang các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,... Cùng với đó, ngoài các lĩnh vực đầu tư truyền thống, đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, các ngành có hàm lượng kỹ thuật hiện đại đang có xu hướng gia tăng đáng kể.
Riêng về ngành thông tin và truyền thông, theo ông Chung, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang có 223 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài đạt 2,84 tỷ USD, chiếm khoảng 13% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Việt Nam đang có mặt tại 33 quốc gia, chủ yếu tập trung vào Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, Mỹ,…
Hiện, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới và các nước đều đã thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Nhiều nước tập trung vào công nghệ lõi, tạo cơ hội cho Việt Nam hợp tác trong lĩnh vực hạ nguồn. Việt Nam có thuận lợi là có mạng lưới quan hệ rộng lớn giữa Việt Nam và các nước cùng sự quan tâm của Chính phủ, sự đồng hành của các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, thị phần của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường nước ngoài còn thấp. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu khả năng liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài, mở văn phòng đại diện đầu tư. Cùng với đó, phải đặc biệt chú trọng đến tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm, chữ tín, bảo mật thông tin; nghiên cứu kỹ tính khả thi của dự án, hợp đồng; nên có nhân sự am hiểu địa bàn, ngôn ngữ bản địa; đồng thời, phải hợp lực, chia sẻ kinh nghiệm, học tập doanh nghiệp đi trước...
Theo ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT), trong 3 năm vừa qua, Bộ TT&TT đã tổ chức triển khai các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mở rộng thị trường khai thác, tạo cơ hội đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.
Ông Triệu Minh Long khẳng định chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số mang các sản phẩm công nghệ, các giải pháp dịch vụ của mình đi ra thế giới, mang thương hiệu Make in Việt Nam đến với thị trường toàn cầu, giải các bài toán về chuyển đổi số phát triển kinh tế số của các quốc gia.
Trong lĩnh vực CNTT, các doanh nghiệp Nhật mong muốn chuyển dịch tất cả các tầng công việc. Mỗi năm dân số Nhật Bản giảm gần 1 triệu người trong khi mỗi năm dân số Việt Nam tăng gần 1 triệu người. Ngành CNTT Việt Nam có 1,5 triệu lao động, 55.000 - 70.000 kỹ sư CNTT tốt nghiệp và gia nhập thị trường lao động hàng năm. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Nhật Bản hướng đến Việt Nam vì lý do này.
Trong khi đó, Việt Nam đã sẵn những doanh nghiệp có hàng chục ngàn lao động, hơn chục doanh nghiệp trên 1.000 - 5.000 lao động, hàng trăm doanh nghiệp quy mô 200 - 1.000 lao động đang phục vụ thị trường Nhật Bản.
8 bài học từ thành công tại thị trường Nhật Bản
Từ thực tế triển khai tại Nhật Bản, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ Thông tin và Truyền thông) trao đổi về 8 bài học của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Tiến về các trung tâm đầu não ở Tokyo, từ đó lan ra khắp nước Nhật
Dẫn trường hợp cụ thể từ NTQ, FPT Japan, Rikkei Japan, CMC Japan thực hiện chiến lược đặt trụ sở tại các quận trung tâm đầu não thủ đô, đắt giá về chính trị, kinh tế để khẳng định uy tín và thương hiệu, lãnh đạo Cục Công nghiệp CNTT-TT cho rằng việc chuyển trụ sở từ tỉnh lẻ sang quận trung tâm Chiyoda, một trong những trung tâm kinh tế chính trị có vị thế quan trọng bậc nhất tại Tokyo thể hiện chiến lược tiếp cận thị trường mới của NTQ Japan.
Chiến lược này giúp tăng vị thế của doanh nghiệp trong con mắt của các khách hàng Nhật Bản, đem đến động lực lớn mạnh để NTQ Japan hướng đến những mục tiêu phát triển bứt phá, trở thành doanh nghiệp IT Việt hàng đầu tại Nhật Bản.
Chuyển từ “Offshore” sang “NearShore”
Đây là kinh nghiệm từ sự phát triển của FPT Japan. Trước đây, FPT Japan chỉ mở các văn phòng tại Nhật, tiếp nhận công việc để chuyển về Việt Nam thực hiện theo cách Offshore (xa bờ). Nhưng gần đây, Nhật có chính sách chỉ giao việc ngay trên đất Nhật chứ không đưa việc ra nước ngoài. Hơn nữa, văn hoá Nhật muốn trực tiếp đàm phán, làm việc, gặp gỡ.
Để giải quyết thách thức này, FPT Japan chuyển từ văn phòng thành chi nhánh đặt tại các thành phố của Nhật để thực hiện cách tiếp cận “Near Shore” (gần bờ) thay vì “Offshore” (xa bờ).
Tự nâng tầm để trở thành các chuyên gia công nghệ và nghiệp vụ chứ không chỉ làm code
Trước đây doanh nghiệp CNTT Việt Nam chủ yếu cung cấp nguồn lực con người. Nay để thâm nhập thị trường Nhật Bản phải có giải pháp, sản phẩm. Doanh nghiệp phải hiểu nghiệp vụ của khách hàng và có phần lõi của riêng mình. Kinh nghiệm của FPT Japan, NTQ Japan hay Rikkei Japan cho thấy, các doanh nghiệp CNTT thành công đã xây dựng được hệ sinh thái bao gồm các thành viên, hệ thống chi nhánh khắp Nhật Bản, hệ thống sản phẩm, giải pháp, dịch vụ và domain đa dạng, bao trùm.
Phát triển nguồn nhân lực Việt tại chỗ và dùng người bản địa tiếp cận thị trường bản địa
FPT Japan tăng tỷ lệ lao động nước ngoài trong công ty tăng từ 10% lên 30%, trong đó có khoảng 600 người Nhật. Ngoài ra còn có nhân viên đến từ 17 nước khác nhau.
Trước đây FPT Japan chỉ thực hiện các công đoạn code, test sau khi khách hàng Nhật đã thiết kế. Mấy năm gần đây công nghệ low-code, AI xuất hiện nên các công việc cũ như code, test ít đi. Công ty chuyển sang các công việc có mức độ phức tạp hơn như dịch vụ tư vấn end-to-end cho khách hàng về nghiệp vụ (business). Năm 2020 thành lập FPT Consulting với nhân viên đa số là người Nhật do nếu tuyển người Việt thì phải mất chục năm mới hiểu được ngôn ngữ, văn hóa, nghiệp vụ như người Nhật.
Cũng như FPT Japan, nhiều doanh nghiệp số Việt Nam đã mở các trường đào tạo nghề CNTT kết hợp dạy tiếng Nhật để tận dụng nhân lực Việt Nam tại Nhật cũng như tận dụng lại nhân lực Việt Nam hết hạn visa mong muốn quay lại Nhật.
Tiến ra toàn cầu từ Nhật Bản
Kinh nghiệm đúc kết của Rikkei, NTQ cho thấy, thay cho đi ra thế giới từ Việt Nam thì việc đi ra từ một nước phát triển như Nhật Bản thì tiếp cận các thị trường các nước khác thuận lợi hơn.
Việc đi ra thế giới từ Nhật Bản ngoài vấn đề thương hiệu đến từ Nhật Bản uy tín hơn từ Việt Nam còn một phần vì thủ tục đầu tư ra nước ngoài của Nhật nhanh gọn, thông thoáng hơn Việt Nam.
Mô hình “Mồi Câu”
Từ thực tế triển khai của NTQ cho thấy, việc sử dụng lợi thế về sự ảnh hưởng hiện có của chính doanh tại các thị trường quốc tế đa dạng, cùng với cách thức hợp tác đa dạng để làm “mồi câu” hợp tác với đối tác, tăng thêm giá trị cho các hợp tác.
Xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp Việt để “đánh Cá Voi” ở nước ngoài
Để giành được các dự án CNTT lớn (Dự án Cá voi), doanh nghiệp CNTT Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái mạnh bao gồm các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ngoài để cùng bắt cá lớn
Tận dụng chính sách X+1
Xu hướng tận dụng chính sách X+1, nhiều doanh nghiệp công nghệ số đã thành công khi áp dụng chủ trương tiến vào Trung Quốc để thay thế doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp dịch vụ cho thị trường Nhật
Dẫn trường hợp cụ thể FPT mua lại nhà cung ứng Trung Quốc để cung cấp cho khách Nhật, ông Nguyễn Thanh Tuyên nêu bài học về việc thúc đẩy nhanh quá trình đáp ứng nhu cầu của các công ty Nhật Bản nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc nói chung với chi phí phù hợp, tận dụng cơ sở vật chất, nhân lực, mối quan hệ vốn có của doanh nghiệp Trung Quốc.
Cùng với đó, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể đàm phán trực tiếp với khách hàng Nhật để thay thế nhà cung cấp Trung Quốc ngay trên đất Nhật.