60% nạn nhân trong các vụ bạo hành tại Việt Nam chọn cách im lặng

VietTimes – Kết quả đáng báo động này nằm trong nghiên cứu “Phía sau ngôn từ” của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE. Theo báo cáo, hầu hết nạn nhân chọn cách im lặng để tránh điều tiếng không hay cho bản thân và gia đình. Nguyên nhân được đề cập nhiều nhất là “văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân” đã và đang bám rễ trong tư tưởng người Việt.
Lễ ra mắt dự án “BRAVE – Vì bạn được tin” đã diễn ra ngày 15/1/2019 tại khách sạn LakeSide, Hà Nội.
Lễ ra mắt dự án “BRAVE – Vì bạn được tin” đã diễn ra ngày 15/1/2019 tại khách sạn LakeSide, Hà Nội.

Nghiên cứu phân tích diễn ngôn công cộng trên báo chí và diễn ngôn bán riêng tư của những cá nhân tự chia sẻ ẩn danh trên trang Facebook S.O.S (Share Our Stories). Trong khoảng thời gian từ tháng 6/2016 đến tháng 6/2018, iSEE thu thập được 2.000 bài báo trên VnExpress, Tuổi trẻ, Pháp luật Tp.HCM, Phụ nữ Online và 3.768 câu chuyện do nạn nhân và thủ phạm chia sẻ trên S.O.S. Nghiên cứu dùng phương pháp bước nhảy, lấy 5% số lượng mỗi mẫu làm tư liệu phân tích và bước đầu cho ra kết quả đáng báo động.

Nghiên cứu thống kê cho thấy, có đến 58,4% nạn nhân các vụ bạo hành chọn cách im lặng. Người Việt thường dạy con chỉ tin tưởng người quen, tuy nhiên một thực trạng đáng báo động, đó là 73% thủ phạm trong các vụ bạo lực giới là người quen của nạn nhân, 47% các vụ xâm hại xảy ra trong chính nơi ở của thủ phạm hoặc nạn nhân.

Trong nhiều trường hợp, các nạn nhân thay vì tố giác thủ phạm lại cô lập bản thân, không dám lên tiếng vì xấu hổ hay sợ mất danh dự của gia đình. Đáng buồn là có đến 83,7% gia đình không biết chuyện, 7,3% không tin nạn nhân tố giác, 2,2% đổ lỗi cho nạn nhân và 0,6% yêu cầu giữ kín chuyện. Điều này vô tình làm gia tăng các hành vi bạo lực giới và xâm hại tình dục.

Nghiên cứu cũng chỉ ra nguyên nhân khiến cho nạn nhân không dám đứng lên tố giác bảo vệ quyền lợi, đó là những tàn dư của tư tưởng cũ đã ăn sâu và hình thành định kiến. “Văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân” là một trong số những nguyên nhân chính gây nên những cú sốc tinh thần cho nạn nhân. Một phần bởi cách truyền đạt của các phương tiện truyền thông không xoáy sâu vào hành vi phạm tội, thay  vào đó lại tập trung vào nguyên nhân khiến người đọc nghi ngờ về “chuẩn mực đạo đức của nạn nhân”, thậm chí có trường hợp cho rằng nguyên nhân vụ việc bắt nguồn từ phía nạn nhân. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy hình tượng nạn nhân trong các bài viết cho thấy các hành vi bạo lực giới chủ yếu xảy ra với những người ở vùng nông thôn và có địa vị xã hội thấp.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về giới, Gia đình, Phụ nữ và Trẻ em vị thành niên CSAGA. Bà là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 do tạp chí Forbes bình chọn.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về giới, Gia đình, Phụ nữ và Trẻ em vị thành niên CSAGA. Bà là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 do tạp chí Forbes bình chọn.

Nghiên cứu trên đã cung cấp cơ sở để xây dựng chiến lược truyền thông, tập trung giải quyết vấn đề bạo lực giới qua việc thay đổi văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân. Với sự tài trợ của Chính phủ Úc, 3 tổ chức Care, iSEE và CSAGA cùng chung tay thực hiện dự án “BRAVE – Vì bạn được tin” kéo dài 3 năm với nhiều hoạt động khác nhau. Dự án đề ra mục tiêu tìm kiếm căn nguyên của vấn đề, thay đổi cách công chúng và báo chí tiếp cận nạn nhân và thủ phạm, đồng thời để ra những ứng xử phù hợp cho nhưng người được nạn nhân tin tưởng chia sẻ sự việc.

Lễ ra mắt dự án “BRAVE – Vì bạn được tin” đã diễn ra ngày 15/1/2019 tại khách sạn LakeSide, Hà Nội, với sự tham gia của quyền Phó Đại sứ Úc Justin Baguley đại diện các nhà tài trợ, các tổ chức thực hiện dự án, các tổ chức ban ngành liên quan và các tổ chức cộng đồng. Một trong những bước đầu thực hiện dự án, BRAVE hướng tới xây dựng cộng đồng hỗ trợ với diễn ngôn mới, nói không với văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân của bạo lực giới. Dự án cũng mong muốn những nạn nhân có thể đứng lên, trở thành người truyền cảm hứng, giúp đỡ những số phận khác vượt qua biến cố.