40 chiến hạm Trung Quốc rầm rộ xuống Biển Đông tập trận, Mỹ xuất kích 2 cụm tàu sân bay
VietTimes -- Theo Warrior Maven, khi Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật với khoảng 40 tàu chiến trên Biển Đông thì Mỹ đã đưa 2 cụm tàu sân bay tấn công tới Thái Bình Dương. Động thái này được Mỹ coi là những hoạt động bình thường của họ trên thế giới trong khi Trung Quốc lên tiếng chỉ trích hành động này.
Cụm tàu sân bay tấn công của Hải quân Mỹ đã tới Thái Bình Dương để biểu dương lực lượng khi căng thẳng giữa Trung - Mỹ đang tăng lên. Trung Quốc tổ chức một cuộc tập trận quân sự lớn còn tàu chiến Mỹ thì áp sát khu vực 12 hải lý thuộc đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép.
Cụm tàu USS Theodore Roosevelt tới khu vực không lâu sau khi tàu khu trục USS Mustin neo cách những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép khoảng 12 hải lý - Đây là một phần trong Cuộc diễn tập thực hiện chiến dịch tuần tra để đảm bảo tự do hàng hải (FONOP).
Phát ngôn viên của Hải quân Mỹ trung úy Lize Dougherty phát biểu: "Cụm tàu sân bay tấn công sẽ thực hiện một loạt các hoạt động bao gồm cả chia sẻ những quan ngại về an ninh hàng hải và xây dựng quan hệ với các đối tác hải quân khác". Mặc dù tranh chấp trên Biển Đông đã phần nào bị sao nhãng do những căng thẳng với Triều Tiên đang dâng cao, các quan chức quân sự Mỹ đã xác nhận FONOP vẫn được tiến hành và vấn đề Trung Quốc "quá mức trong việc yêu sách về lãnh hải" không liên quan tới việc thực thi tự do hàng hải.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.
Các quan chức Hải quân Mỹ định rõ việc triển khai cụm tàu chiến là một phần bình thường của các hoạt động và không đặc biệt liên quan tới bất cứ căng thẳng nào trong khu vực. Nhưng dù sao, việc cụm tàu sân bay tới Thái Bình Dương cùng hoạt động FONOP diễn ra trong một phạm vi rộng hơn của những bất đồng vẫn tiếp diễn giữa Mỹ - Trung về những yêu sách chủ quyền ngang ngược trên Biển Đông. Hải quân Mỹ coi những hoạt động của Mỹ trong khu vực và việc mới triển khai cụm tàu sân bay chiến đấu là một phần bình thường của "rất nhiều những hoạt động trên toàn thế giới, không liên quan tới những sự kiện đang xảy ra hiện tại".
Cùng thời điểm, những hành động khiêu khích của Trung Quốc cũng không bị bỏ qua và Lầu Năm Góc kiên định tuyên bố Mỹ cam kết sẽ chứng minh quân đội Mỹ có thể bay, hải hành và hoạt động ở bất cứ nơi nào trên thế giới theo luật quốc tế. Thiếu tá Nicole Schwegman thuộc Hạm đội Hải quân Thái Bình Dương nhấn mạnh: "Hoạt động FONOP không phải là vì một nước nào cũng như không phải để tạo ra những tuyên bố chính trị. Mỹ đang đảm nhiệm một vị trí mạnh mẽ để bảo vệ những quyền lợi, sự tự do và luật lệ trên biển và trên không, đảm bảo cho mọi nước và mọi yêu sách về lãnh hải phải tuân theo luật quốc tế như Công ước LHQ về Luật biển".
Tàu khu trục USS Mustin.
Song song với việc Mỹ diễn tập FONOP, Hải quân Trung Quốc tổ chức hạm đội quy mô lớn chưa từng có với nhiều thể loại diễn tập bắn đạn thật gần những vùng đang gây tranh cãi trên Biển Đông. sau khi tàu khu trục USS Mustin tiến vào phạm vi 12 hải lý của đảo nhân tạo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép.
Theo ảnh vệ tinh được đăng tải trên South China Morning Post, cuộc tập trận của Trung Quốc có hơn 40 tàu và tàu ngầm hộ tống tàu sân bay Liêu Ninh trong khu vực. Tờ báo cũng dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ông Nhậm Quốc Cường chỉ trích việc Mỹ tuần tra FONOP và kêu gọi những cuộc diễn tập của Trung Quốc cần diễn ra "thường niên" và "đều đặn": "Mục đích của cuộc tập trận là để kiểm tra khả năng huấn luyện của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và cải thiên khả năng huấn luyện... Nó cũng nhắm đến việc nâng cao khả năng chiến đấu của toàn quân".
Ảnh vệ tinh cho thấy hạm đội khổng lồ của Trung Quốc với tàu sân bay Liêu Ninh trong đội hình rầm rộ diễu võ giương uy trên Biển Đông
Tuần tra FONOP được diễn ra qua những năm căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Máy bay tuần tra P-8 của Hải quân Mỹ đã chụp được nhiều hình ảnh Trung Quốc "cải tạo đất" hoặc "xây dựng đảo nhân tạo" phi pháp. Lầu Năm Góc xác minh Trung Quốc đã đặt tên lửa trong khu vực và thông báo về việc máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bay qua những vùng đang gây tranh cãi - là tất cả những điểm gây ra căng thẳng và có thể là điểm tới hạn cho một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc vì các động thái có thể hiểu lầm tại Biển Đông.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Thực tế những quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết đã có những cuộc thảo luận nội bộ về việc liệu Mỹ có nên triển khai vũ khí trong khu vực như pháo dã chiến cơ động.
Khu vực Biển Đông đang gây tranh cãi bởi rất nhiều do những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, đây là một vùng nhiều tài nguyên và có vị trí địa chiến lược quan trọng trong Thái Bình Dương. Các quan chức Lầu Năm Góc liên tục chỉ trích những nỗ lực của Trung Quốc cố tình xây dựng những cấu trúc nhân tạo phi pháp trên những đảo họ tuyên bố chủ quyền trái phép ở Trường Sa. Lầu Năm Góc gọi đây là "sự cải tạo đất" trái phép, hoạt động đã khiến Trung Quốc có thêm diện tích 8km2 đất tại đây.
Theo Công ước về Luật biển của LHQ - một hiệp ước quốc tế được Mỹ ủng hộ những chưa tham gia vùng nằm trong 12 hải lý tới bờ biển là vùng lãnh hải của nước có vùng bờ biển đó. Vì vậy, việc "cải tạo đất" vẫn đang tiếp diễn của Trung Quốc trong khu vực là một nỗ lực rõ ràng của Trung Quốc để tăng cường và củng cố những tuyên bố chủ quyền trái phép trên Biển Đông.
Trung Quốc đã xây dựng trái phép trên nhiều bãi đá tại quần đảo Trường Sa.
Dù sao, Công ước về Luật biển không công nhận những cấu trúc hay đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp. Và Mỹ cùng những đồng minh ở Thái Bình Dương không ủng hộ hay chấp nhận những tuyên bố chủ quyền gây hấn của Trung Quốc. Thực tế, trích dẫn định nghĩa về đảo trong Công ước Luật Biển, các quan chức Lầu Năm Góc không công nhận những cấu trúc nhân tạo là đảo - nhưng thay vào đó ám chỉ những hoạt động của Trung Quốc là "cải tạo đất" phi pháp.
Trong Công ước của LHQ về Luật biển được đàm phán vào những năm 1980 và sửa đổi vào những năm 1990, một hòn đảo được định nghĩa là "khu vực hoàn toàn tự nhiên có vùng đất ở trên nước, trên khu vực thủy triều lên cao". Trong điều 60 của Luật biển cũng chỉ rõ: "Những hòn đảo nhân tạo không được tính là lãnh hải".