Cuộc tấn công dân thường bằng vũ khí hóa học bị Mỹ cáo buộc là do chính quyền Syria thực hiện, tuy nhiên Nga và chính phủ Syria đã phủ nhận điều này, và nhiều chuyên gia cũng cho rằng chính quyền Assad không lý nào lại hành động dại dột như vậy.
Theo Unz Review, khó mà tin nổi quân chính phủ Assad đã thả vũ khí hóa học bằng máy bay, và cũng chẳng có thùng khí độc nào được dự trữ ở căn cứ không quân al Shayrat. Đồng thời cũng không có hình ảnh nào chứng minh vũ khí hay phương tiện nào chở khí độc. Theo hình ảnh từ radar của Mỹ, tất cả những gì có thể nhìn thấy chỉ là hình ảnh máy bay bay lượn trên bầu trời, không có cách nào để phân biệt vũ khí hóa học chỉ bằng những radar đó. Bằng chứng này chứng minh cho sự vô tội của chính quyền Assad trong vụ cáo buộc này.
Với cái cớ do chính mình tuyên bố, Mỹ đã phóng 59 quả tên lửa Tomahawk từ hai tàu khu trục vào căn cứ không quân Al Shayrat của quân đội Syria. Mỹ đã không tham vấn với Nga ở kênh chính trị mà thông qua kênh quân sự bằng cách cảnh báo Nga trước khi tấn công.
Mỹ nói rằng tất cả tên lửa đều đánh trúng mục tiêu, trong khi Nga xác nhận chỉ có 23 quả tấn công vào căn cứ không quân Syria. Rất khó để xác định bên nào nói đúng, tuy nhiên theo báo cáo, đường băng chính hầu như không bị tổn hại. Hơn nữa, không quân Syria ở căn cứ này đã hoạt động trở lại chỉ trong vòng 24 giờ. Như vậy, có vẻ những điều Mỹ nói không thật sự chính xác.
Hơn nữa cũng không có phóng viên nào của Syria hay Nga mặc đồ bảo hộ, do đó căn cứ này khó có thể chứa vũ khí hóa học.
Cho đến nay, không có báo cáo nào cho thấy Nga bắn hạ tên lửa Tomahawk của Mỹ trong vụ tập kích tên lửa vào Syria. Thực tế, Nga đã ký một bản ghi nhớ chung với Mỹ, trong đó thỏa thuận Nga sẽ không can thiệp vào hoạt động bay của Mỹ trên lãnh thổ Syria và ngược lại. Trong khi đó, tên lửa Tomahawk nổi tiếng về độ chính xác và độ đáng tin cậy. Rõ ràng không có cơ sở nào để tin rằng hơn một nửa số tên lửa này gặp trục trặc. Do đó sẽ chỉ có thể đưa ra hai khả năng để lý giải điều này:
Thứ nhất, tổng thống Donald Trump không định tấn công Syria một cách ác liệt và toàn bộ cuộc không kích này chỉ là để diễu võ dương oai. Có thể ông Trump chỉ muốn tỏ ra cứng rắn trong khi không hề gây ra thiệt hại cho Syria vì điều này có thể phá hoại kế hoạch hợp tác với Nga của ông. Tuy nhiên giả thuyết này cũng không hoàn toàn hợp lý.
Giả thuyết thứ hai là Nga về cơ bản không thể bắn hạ tên lửa của Mỹ. Hơn nữa thật không hợp lý khi giả định rằng những tên lửa này bay thẳng từ Địa Trung Hải đến mục tiêu (phần lớn các tên lửa bay qua khu vực kiểm soát của các trạm radar của Nga) vì Tomahawk vốn được thiết kế với khả năng bay tiếp tuyến quanh một số hệ thống radar và có mức độ bộc lộ radar rất thấp. Một số tên lửa còn bay bám sát mặt đất đến mức radar của Nga không thể phát hiện được, trừ khi Nga có triển khai một máy bay trinh sát và cảnh báo sớm (AWAC). Tuy nhiên vì Nga đã được thông báo trước về vụ tấn công, do đó nước này thừa thời gian để chuẩn bị tác chiến điện tử đối phó với tên lửa Tomahawk.
Theo Unz Review, cách lý giải này có vẻ hợp lý hơn. Dù không rõ có phải Nga không đủ khả năng để tiêu diệt 23 quả tên lửa đánh trúng mục tiêu hay không, hoặc là một quyết định nào đó đã được đưa ra để những tên lửa này tấn công trúng mục tiêu nhằm ngụy trang cho vai trò của Nga khi tiêu diệt 36 quả tên lửa còn lại. Tuy nhiên chắc chắn là 36 quả tên lửa đó không tự nhiên biến mất.
Có hai lý do để Nga sử dụng hệ thống tác chiến điện tử để đối phó với Tomahawk thay vì sử dụng tên lửa. Thứ nhất, hệ thống tác chiến điện tử khiến Nga có thể phủ nhận sự liên quan, ít nhất là với công luận trên thế giới, và thứ hai là việc sử dụng hệ thống điện tử cho phép Nga giữ lại hệ thống tên lửa phòng không của Nga nhằm bảo vệ cho lực lượng quân đội nước này đang hoạt động ở Syria.
Ngoài ra Nga còn để lộ thông tin rằng họ có thể khiến những tên lửa này quay ngược trở lại, và hoàn toàn có khả năng hạ gục chúng. Do đó rất có thể chính hệ thống tác chiến điện tử của Nga là lý do khiến 36 quả tên lửa của Mỹ không đánh trúng mục tiêu.
Như vậy theo Unz Review, Nga hoàn toàn có đủ công cụ để đánh lừa, đánh lạc hướng và thậm chí là tiêu diệt tên lửa hành trình của Mỹ. Và chắc chắn đây là lần đầu tiên những hệ thống này được Nga sử dụng trên chiến trường hiện đại. Trước đây, hệ thống phòng không của Nga ở Syria chỉ để bảo vệ quân lính và thiết bị của nước này để đảm bảo thực hiện đúng cam kết giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên hiện nay Nga còn tuyên bố Syria đang rất cần hệ thống phòng không tiên tiến hơn. Như vậy, cuộc tấn công tên lửa của Mỹ đã để lại những hậu quả nghiêm trọng mang tính chiến lược với Mỹ.
(còn tiếp)