3 điểm đáng chú ý của Luật Tần số vô tuyến điện (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/7/2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại phiên họp ngày 9/11/2022, chính thức có hiệu lực ngày 1/7/2023, với nhiều điểm mới so với luật năm 2009. 

Luật Tần số vô tuyến điện 2022 (sửa đổi) có nhiều điểm mới, giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong Luật năm 2009
Luật Tần số vô tuyến điện 2022 (sửa đổi) có nhiều điểm mới, giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong Luật năm 2009

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện đã nêu ra 3 điểm đáng chú ý trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

3 điểm đó là: Hoàn thiện cơ chế quản lý tần số đứng ở góc độ về kinh tế, đặc biệt tập trung vào thị trường di động; Bổ sung cơ chế sử dụng băng tần để phát triển kinh tế xã hội kết hợp an ninh quốc phòng; Bổ sung cơ chế cho phép sử dụng tần số ngoài quy hoạch cho mục đích nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới.

Về điểm thứ nhất, trước năm 2009, các tần số giao cho nhà mạng thông qua hình thức cấp phép hành chính và thu phí. Đến năm 2009, Luật Tần số vô tuyến điện bổ sung thêm hình thức đấu giá và thi tuyển. Mặc dù việc đấu giá và thi tuyển phù hợp với thông lệ quốc tế, song khi triển khai vẫn có vướng mắc. Chẳng hạn Luật quy định "các băng tần có giá trị thương mại cao" sẽ được đấu giá và thi tuyển, nhưng giá trị đến thế nào là cao thì vẫn chưa định lượng được.

Luật Tần số vô tuyến điện 2022 (sửa đổi) đã khắc phục được vướng mắc này khi quy định tất cả các băng tần đều được đưa giá đấu giá, không cần biết là giá trị cao hay thấp. Chỉ có một số trường hợp rất đặc biệt thì mới áp dụng hình thức thi tuyển hoặc cấp trực tiếp.

Đối với các nhà mạng đã đấu giá thành công và được cấp phép sử dụng băng tần, khi hết thời hạn sử dụng, nhà mạng sẽ được cấp lại giấy phép, đảm bảo hoạt động ổn định của thị trường. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có vi phạm trong quá trình triển khai dịch vụ, hoặc không nộp đủ phí, tiền cấp quyền sử dụng trong 12 tháng, thì sẽ bị thu hồi giấy phép.

Điểm mới thứ hai về tần số phục vụ quốc phòng an ninh. Ở Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, tần số phục vụ an ninh quốc phòng được phân bổ riêng, không được phép sử dụng cho mục đích khác. Trong Luật sửa đổi năm 2022, cho phép băng tần lưỡng dụng, vừa phục vụ quốc phòng an ninh vừa phát triển kinh tế xã hội. Doanh nghiệp phải trả phí quyền sử dụng băng tần cho mục đích phát triển kinh tế xã hội. Đối với mục đích quốc phòng an ninh, doanh nghiệp không phải trả phí.

Điểm mới thứ ba là về tần số ngoài quy hoạch. Thời gian qua, một số công nghệ mới đòi hỏi phải sử dụng những băng tần mới không có trong quy hoạch. Ngoài ra, các thiết bị viễn thông xuất khẩu cũng cần băng tần phù hợp với nước nhập khẩu (trong khi Việt Nam không có băng tần đó). Vì thế, Luật Tần số vô tuyến điện 2022 (sửa đổi) đã bổ sung quy định cho phép sử dụng tần số không trong quy hoạch cho mục đích thử nghiệm, nghiên cứu công nghệ mới và xuất khẩu thiết bị viễn thông, cũng như tổ chức các hội nghị quốc tế.

Những điểm mới trong Luật Tần số vô tuyến điện 2022 (sửa đổi) sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong quản lý và khai thác tần số, góp phần thúc đẩy việc phát triển hạ tầng số, đồng thời làm hài hòa mục tiêu vừa góp phần phát triển kinh tế số, vừa củng cố quốc phòng an ninh.