Tờ Đa Chiều của người Hoa tại Mỹ ngày 3/8 tuyên truyền rằng "nghìn quân dễ có, một tướng khó tìm, cái tài của tướng soái có vai trò rất quan trọng trong một cuộc chiến tranh, nhất là trong thời điểm đối mặt với mối đe dọa chiến tranh".
Vừa qua, Hải quân Trung Quốc đã thăng quân hàm Trung tướng, Thiếu tướng cho nhiều nhiều sĩ quan, những tướng trẻ của hải quân. Trong tình hình Biển Đông nghiêm trọng, phức tạp hiện nay, ý đồ "sẵn sàng cho một cuộc chiến ở Biển Đông" của Trung Quốc đã bộc lộ.
Ngày 29/7 theo giờ Bắc Kinh, Hải quân Trung Quốc đã tổ chức lễ thăng quân hàm cho sĩ quan cấp tướng ở Bắc Kinh. Tại buổi lễ, 5 sĩ quan gồm Vương Hải, Dương Thế Quang, Khang Phi, Thẩm Kim Long và Lưu Minh Lợi được thăng lên Trung tướng, 9 người khác được thăng lên Thiếu tướng.
V
iệc thăng quân hàm sĩ quan cấp tướng như vậy được tiến thành theo thông lệ hàng năm. Nhưng lần này số lượng người được thăng quân hàm của Hải quân Trung Quốc đã lên tới 14 người, có thể nói là chưa từng có.
Hơn nữa, phân tích kỹ lý lịch của 5 Trung tướng thì thấy một số lưu ý đáng chú ý.
Thông tin công khai cho biết Tư lệnh Hạm đội Nam Hải Thẩm Kim Long quân hàm Trung tướng (Phó Đô đốc) từng làm chỉ huy biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc đến Hawaii tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương-2014. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc tham gia cuộc tập trận này.
Hơn nữa còn có Chính ủy Hạm đội Nam Hải, Phó Đô đốc Lưu Minh Lợi và Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Phó Đô đốc Vương Hải - người từng phục vụ lâu dài ở Hạm đội Nam Hải. Cả 3 sĩ quan cấp Trung tướng này đều đến từ Hạm đội Nam Hải.
Tháng 8/2015, Vương Hải đã làm tổng chỉ huy phía Trung Quốc trong cuộc tập trận chung trên biển "Liên hợp trên biển-2015 (II)" giữa Trung Quốc và Nga.
Điều trùng hợp là, ngày 28/7, một ngày trước khi Vương Hải được thăng quân hàm Trung tướng, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố Hải quân Trung Quốc và Nga sẽ tổ chức cuộc tập trận chung "Liên hợp trên biển-2016" ở Biển Đông vào tháng 9/2016.
Đối mặt với các thế lực ngoài khu vực với đại diện là Mỹ ngày càng áp sát hiện nay, Trung Quốc muốn nhận được sự "ủng hộ" nhiều hơn từ các nước nhất là các nước lớn có thực lực mạnh.
Lúc này, Nga, một đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tự nhiên trở thành sự lựa chọn tốt nhất của Trung Quốc.
Trong khi đó, sử dụng những tướng lĩnh có kinh nghiệm ở Biển Đông và kinh nghiệm tập trận giữa Trung Quốc và Nga cũng là thủ đoạn chiến lược để Trung Quốc đối phó với sự thay đổi của tình hình Biển Đông hiện nay.
Để đối phó với kết quả phán quyết bất lợi cho Trung Quốc do Tòa trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đưa ra gần đây, nhà cầm quyền Trung Quốc đã thông qua một loạt tuyên bố và hành động "cứng rắn" để nhấn mạnh cái gọi là "bảo vệ chủ quyền" ở Biển Đông.
Điều này thể hiện qua một loạt tuyên bố và hoạt động tập trận trên Biển Đông: Ba hạm đội lớn Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận cấp chiến dịch ở vùng biển phía đông đảo Hải Nam và vùng biển quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) từ ngày 5 - 11/7/2016.
Từ ngày 19 - 21/7/2016, Hải quân Trung Quốc lại tổ chức tập trận trong thời gian 3 ngày ở vùng biển phía đông đảo Hải Nam. Thời điểm tập trận đúng vào lúc Đô đốc John Richardson đang thăm Trung Quốc.
Hơn nữa, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố Hải quân Trung Quốc và Nga sẽ tập trận vào tháng 9/2016 ở Biển Đông.
Ngoài ra, khi hội đàm với Đô đốc John Richardson - Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, ông Ngô Thắng Lợi - Tư lệnh Hải quân Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố cứng rắn: "Trung Quốc tuyệt đối sẽ không lơi lỏng cảnh giác mà không bố phòng, có bao nhiêu công trình 'phòng thủ' hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ Trung Quốc bị đe dọa, những cách làm ép buộc Trung Quốc phải khuất phục bằng khoe cơ bắp quân sự sẽ có tác dụng ngược".
Một loạt động thái của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông rõ ràng đã bộc lộ một mục tiêu - bành trướng ở Biển Đông.
Dương Nghị, Chuẩn Đô đốc Trung Quốc từng tiết lộ, để ứng phó với sự kiện trọng tài Biển Đông, Tập Cận Bình đã chủ trì tổ chức riêng một hội nghị Quân ủy Trung ương, quyết định tiến hành tập trận ở Biển Đông và đã chuẩn bị 3 phương án "đánh lớn, đánh vừa và đánh nhỏ".
Đối với Trung Quốc, kết quả trọng tài Biển Đông là thách thức ác ý nhất đối với cái mà Bắc Kinh tự nhận là"chủ quyền lãnh thổ" của mình. Trong khi đó rất nhiều nước trong khu vực và thế lực bên ngoài càng quan tâm hơn.
Trong bối cảnh này, bất kể là thăng quân hàm hay liên tiếp tập trận ở Biển Đông, Trung Quốc đều muốn chứng tỏ với thế giới rằng họ có cái gọi là "quyết tâm và sức mạnh "để áp đặt yêu sách chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.
Theo tuyên truyền của Bắc Kinh, có gây chiến hay không, quyền quyết định hoàn toàn không ở phía Trung Quốc, mà phải xem các hành động tiếp theo của Mỹ và Philippines ở Biển Đông rồi đưa ra quyết định. Song, Trung Quốc đang tuyên bố với thế giới rằng họ đã sẵn sàng cho một cuộc chiển tổng lực ở Biển Đông.