Thời gian gần đây, Ấn Độ gia tăng sự hiện diện trong khu vực Biển Đông. Động thái này cho thấy New Dehli khẳng định chiến lược «Hướng Đông» nhằm đối phó với việc Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng sang khu vực phía nam châu Á. Chính sách ngoại giao này của Ấn Độ mang một tầm quan trọng lớn hơn với việc thắt chặt quan hệ song phương với Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là Ấn Độ sẽ được gì trong mối quan hệ này?
Trong bài phân tích «Liệu Ấn Độ có được đền đáp trong cuộc chơi với Việt Nam?», báo mạng dnaindia.com ghi nhận rằng Hà Nội cũng giống như Bắc Kinh có cùng hệ tư tưởng chính trị. Nhưng trong thời gian gần đây quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, đã có những chuyển biến ngoạn mục, từ thù nghịch nay trở thành đối tác. Hà Nội và Washington giờ có vẻ sát cánh bên nhau cùng chống lại tham vọng của Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông.
Theo tờ báo Ấn Độ, trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, Ấn Độ đã ủng hộ miền Bắc Việt Nam chống lại Mỹ. Nay trong bối cảnh mới, trước sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc, cả Ấn Độ, Việt Nam và Mỹ đều đứng cùng chiến tuyến.
Lúc đầu, quan hệ Việt - Ấn chỉ dừng ở mức hợp tác thăm dò dầu khí ngoài khơi vịnh Bắc Bộ. Bắc Kinh lên tiếng phản đối dự án này, nhưng cũng không buộc được Ấn Độ và Việt Nam phải từ bỏ ý định.
Trong chuyến công du Việt Nam hồi đầu tháng 9 vừa qua của thủ tướng Narendra Modi, hai nước quyết định nâng mức quan hệ, từ Đối tác Chiến lược lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, ký kết 12 hiệp định hợp tác kinh tế và quốc phòng. Đồng thời, thủ tướng Ấn Độ thông báo cấp 500 triệu USD tín dụng để Việt Nam cải thiện năng lực quốc phòng.
Trong một cử chỉ mang ý nghĩa biểu tượng cao, thông cáo chung sau chuyến đi Việt Nam của ông Modi còn ghi nhận phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực, chiếu theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Cả hai bên nhấn mạnh sự ủng hộ đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do lưu thông hàng không và hàng hải trên Biển Đông.
Những thỏa thuận trên cho thấy Ấn Độ tham gia tích cực vào cảnh quan quốc phòng trong khu vực. Tuy nhiên, tờ báo cho rằng sẽ rất là khờ dại khi nghĩ rằng việc thắt chặt quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ không gây thách thức nào cho Trung Quốc. Bởi lẽ các thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Hà Nội và New Delhi là một dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang đặt cược vào Biển Đông. Việc Ấn Độ tăng cường hiện diện trong khu vực này cũng bắt nguồn từ mối hợp tác tích cực giữa New Dehli và Washington.
Đây mới chính là điểm đáng quan tâm. Mỹ đang tìm kiếm những đối tác đáng tin cậy và hùng mạnh tại châu Á để xây dựng chuỗi liên minh, một phần trong chiến lược toàn cầu của Washington. Dĩ nhiên, Mỹ phải lên tiếng trấn an là không nhằm kìm hãm hay bao vây Trung Quốc. Nhưng cũng không thể quên rằng Mỹ cũng đang tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Tờ báo cho rằng việc Ấn Độ muốn tham gia cuộc chơi này như thế nào cần phải được đưa ra bàn luận. Với tư cách là cường quốc kinh tế thế giới, Ấn Độ cũng không nên chỉ đóng vai trò người quan sát bên lề. Và có lẽ là Ấn Độ cũng muốn tham gia cuộc chơi bằng chính phương tiện của mình, như là Trung Quốc và Mỹ đang làm theo cách riêng của họ.
Do đó, việc lo ngại vai trò của Ấn Độ bị thu hẹp xuống còn là đối tác thứ yếu của Mỹ cũng là điều chính đáng và cần được tranh luận. Bất kể đảng phái chính trị nào lên cầm quyền hay một hệ phái tư tưởng nào thống trị thì không một chính phủ đơn lẻ nào tại Ấn Độ có thể đưa đất nước tham gia vào một liên minh toàn cầu. Một điểm khác không kém phần quan trọng: Ấn Độ là một đất nước rộng lớn, đa dạng, đông dân và có một nền dân chủ lớn nên không thể để bị đưa xuống vai trò thứ yếu trong bàn cờ chính trị thế giới.