Tại Nhật Bản đã diễn ra một loạt các cuộc biểu tình cuối tuần qua về các động thái khiêu khích mới đây của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông. Nhật Bản cũng tuyên bố rằng Trung Quốc vừa lắp đặt radar ở mỏ khí đốt ngoài khơi xa.
Các cuộc biểu tình tại Nhật Bản nổ ra sau khi 230 tàu đánh cá và gần 20 tàu hải cảnh Trung Quốc liên tiếp xâm nhập vào vùng tiếp giáp lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản, nước quản lí và tuyên bố chủ quyền với ba đảo thuộc quần đảo Senkaku gồm Uotsuri, Kitakojima và Minamikojima đã bị kéo vào trong cuộc tranh chấp lâu năm với Trung Quốc về khu vực cũng bị Đài Loan tuyên bố chủ quyền này.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cũng tiết lộ rằng Trung Quốc đã lắp đặt một hệ thống radar và camera giám sát trên biển trong một trong 16 giàn khoan khí đốt nước này mới vận hành trong vùng biển quốc tế trên biển Hoa Đông. Nhật Bản cũng buộc tội Trung Quốc phá vỡ hiệp định hợp tác song phương cùng khai thác khí đốt trên Biển Hoa Đông bằng việc hành động đơn phương trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cho biết hệ thống radar, loại tương tự với loại được tìm thấy trên các tàu tuần tra, đã bị phát hiện vào tháng 6 và kêu gọi loại bỏ ngay lập tức thiết bị này.
Trung Quốc từ chối bình luận về vấn đề này. Nếu thông tin được xác nhận, thiết bị radar nói trên có thể được ứng dụng vào mục đích quân sự và Trung Quốc đang lặp lại động thái tương tự trên Biển Đông, nơi việc triển khai các thiết bị được nói là sử dụng cho mục đích dân sự đã dần được quân sự hóa.
Trong khi người ta muốn đặt câu hỏi về ý đồ của Trung Quốc đang liên tục khuấy động trên hai mặt trận riêng biệt, thậm chí tới bốn mặt trận nếu tính cả hai điểm nóng bao gồm eo biển Đài Loan và đường biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, không có gì bất hợp lý trong cách ứng xử của nước này. Thực tế nó đã được tính toán, hiệu chỉnh và quản lí cẩn thận và cho đến nay tỏ ra khá thành công.
Cho dù phần lớn các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông đã báo động cả khu vực và kích thích việc thiết lập liên minh an ninh khu vực đối kháng xoay quanh trung tâm là Mỹ, Trung Quốc đã điều chỉnh các hành động của mình để tránh làm mất ổn định đến mức gây nên các cuộc đụng độ quân sự với các nước láng giềng hoặc kích động sự can thiệp quân sự của Mỹ vượt quá các cuộc tuần tra thực thi tự do hàng hải.
Đúng là việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và sự không khoan nhượng của nước này trong tranh chấp lãnh thổ đã góp phần tạo nên phán quyết chống lại chính Trung Quốc được Tòa Trọng tài thường trực tại The Hague tuyên bố, đồng thời đem lại chiến thắng tạm thời cho Philippines nhưng thậm chí đòn đánh vào danh tiếng này vẫn không hạ nhục được Bắc Kinh hay thay đổi vị thế của Trung Quốc trong vấn đề này.
Thực tế phản ứng khu vực và quốc tế đối với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc góp phần tạo ra cách tiếp cận tham vọng bành trướng theo hai hướng đối với Trung Quốc, một là đối nội và một bên là đối ngoại.
Đầu tiên là củng cố các câu chuyện mà giới lãnh đạo Trung Quốc (CCP) vẫn đang cố nuôi dưỡng ở trong nước: đó là rêu rao về sự kiềm chế của nước ngoài và Trung Quốc là nạn nhân. Các lợi ích của chiến lược hai mặt trận này hết sức rõ ràng. Để duy trì quan điểm bành trướng và chủ nghĩa dân tộc vốn là chỗ dựa cho giới lãnh đạo, Trung Quốc phải liên tục ở trong tình trạng xung đột quản lý được. Điều này có nghĩa là không được để xung đột leo thang lên thành xung đột vũ trang vì điều này không phục vụ cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc nhưng đồng thời cũng không được hạ mức xung đột xuống vì làm như vậy sẽ khiến mất mặt với công chúng Trung Quốc.
Giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rõ rằng tiến hành chiến tranh trên hai mặt trận có thể là thảm họa với hầu hết các quân đội thiện chiến của các nước. Nhưng chiến tranh không phải là điều Trung Quốc nghĩ tới, và nước này sẽ có khả năng đi một chặng đường dài để tránh kết quả xấu. Thay vì thế cần duy trì xung đột mức độ thấp lâu dài (chiến thuật "cây gậy nhỏ) chính là chiến lược hiện nay của Bắc Kinh.
Với hai trong số bốn mặt trận khác nhau có thể được kích hoạt theo ý muốn, Trung Quốc đảm bảo rằng nước này có thể thỏa mãn nhu cầu của công chúng trong nước với chủ nghĩa dân tộc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ bằng cách chứng tỏ rằng nó củng cố lợi ích quốc gia của Trung Quốc và không lùi bước cho dù các lực lượng bên ngoài đang chống lại chiến lược này.
Trung Quốc đã thực hiện chiến lược luân phiên leo thang căng thẳng giữa Biển Đông và Biển Hoa Đông. Khi những hành động của nước này có thể kích động phản ứng mạnh từ các đối thủ, Bắc Kinh lại tạm thời lùi bước ở đó nhưng lại châm ngòi hoạt động mặt trận khác. Chiêu thức này đã được Trung Quốc vận dụng trong vài năm gần đây có thể giải thích tại sao cuộc xâm nhập quân sự tuần trước gần quần đảo Senkaku được Nhật Bản mô tả là lớn hơn bình thường và tại sao hiện nay Nhật Bản lại cho rằng quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản đang suy giảm nhanh chóng.
Phán quyết của PCA không được như một số nhà phân tích mong đợi khi nó không ép buộc Trung Quốc từ bỏ tham vọng lãnh thổ và trở thành một bên có trách nhiệm. Thay vào đó, nó chỉ ra rằng đã đến lúc Trung Quốc chuyển những hành động leo thang căng thẳng về biển Hoa Đông. PCA đã hạ nhiệt Biển Đông và dồn sang những nơi khác. Hiếm khi Trung Quốc đồng thời tăng mức tiền cược trên cả hai mặt trận.
Tiến hai bước, lùi một bước
Thứ hai, chiến lược nhiều mặt trận (hay quả bóng nước) của Trung Quốc liên quan đến sự thẩm thấu và tiệm tiến. Bằng việc xen kẽ giữa hai hay bốn mặt trận khi nào nước này đạt đến điểm có thể kích động phản ứng nghiêm trọng từ phía đối thủ (ví dụ như can thiệp vũ trang), Trung Quốc thành công trong việc làm giảm bớt căng thẳng ở mặt trận này, trong khi tạo thực tế có lợi trên thực địa. Hãy quan sát Trung Quốc có thể bất chấp luật pháp quốc tế và chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ để chiếm cứ và quân sự hóa Biển Đông hoặc đơn phương tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông vào tháng 11/2013 như thế nào.
Chiến lược bành trướng của Trung Quốc trên thực tế rất tinh vi và cũng được thực hiện một cách khá hiệu quả. Bằng việc tạo ra hai mặt trận chính và hai mặt trận phụ (Đài Loan và đường biên giới Trung-Ấn ở Arunachal Pradesh), Trung Quốc có bốn cuộc khủng hoảng “hữu ích” mà nước này có thể tùy ý leo thang hoặc hạ nhiệt căng thẳng nhằm thỏa mãn yêu cầu của chủ nghĩa dân tộc trong nước trong khi vẫn thúc đẩy tham vọng bất cứ khi nào và bất cứ đâu khi có cơ hội.
Bằng cách tung hứng bốn quả bóng này, Trung Quốc đảm bảo nước này sẽ luôn đạt được những lợi ích nho nhỏ ở đâu đó trong số bốn mặt trận nói trên, kể khi phải đối mặt với một thất bại tạm thời ở khu vực khác như phán quyết tháng trước của Tòa Trọng tài về “đường lưỡi bò” Biển Đông. Miễn là nhìn chung có thể đạt được lợi ích, chiến lược xung đột thường trực của Trung Quốc sẽ tiếp diễn. Cơ hội sẽ tăng lên, các đối thủ sẽ mặc áo giáp và Trung Quốc sẽ kiên nhẫn chờ đợi. Quan trọng hơn, Trung Quốc đã điều chỉnh cách tiếp cận để tránh bất kỳ cuộc xung đột nào kích động những biện pháp đối phó nghiêm trọng hơn, quân đội Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng, nhất là khi phản ứng dính líu đến một liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Giới lãnh đạo Trung Quốc không hề ảo tưởng mà nước này nhận thức rõ rằng Trung Quốc không thể giải quyết tất cả mọi tranh chấp lãnh thổ theo hướng có lợi cho mình, ít nhất là không bằng cách sử dụng vũ lực. Do đó, bất chấp những tham vọng và cái gọi là “lợi ích cốt lõi” của nước này, Trung Quốc biết rõ họ không thắng thế tất cả các đối thủ của mình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, chống lại Đài Loan và Ấn Độ, đặc biệt là không phải thời điểm Mỹ tái cam kết với khu vực. Vào thời điểm hiện tại và các điều kiện hiện nay, tình trạng xung đột thường trực luân phiên giữa các khu vực mà không dẫn đến chiến tranh sẽ phù hợp nhất với lợi ích của Trung Quốc.
* Bài viết đăng trên National Interest của tác giả J.Michael Cole - chuyên gia ở Viện chính sách Trung Quốc, Đại học Nottingham và Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại của Pháp. Ông hiện là Tổng biên tập của The News Lens International.