Việt Nam tung “mãnh điểu” MiG – 29 K bảo vệ Trường Sa thế nào? (video)

VietTimes -- MiG 29K/KUB thực tế là máy bay không quân hải quân, được sử dụng trên tàu sân bay của Nga và Ấn Độ. Là máy bay tiêm kích hạng nhẹ có bán kính tác chiến nhỏ, liệu sử dụng MiG - 29K có thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ không phận miền Bắc và quần đảo Trường Sa?
Việt Nam tung “mãnh điểu” MiG – 29 K bảo vệ Trường Sa thế nào? (video)

Tại sao lại là MiG - 29K?

Theo thông tin của truyền thông Nga, từ năm 2012 Nga đã đặt hàng 28 chiếc MiG -29K. Ấn Độ cũng đã đặt hàng 16 chiếc MiG-29K dành cho tàu sân bay Vikramaditya "(nguyên là tàu sân bay" Đô đốc Gorshkov " trước đây). 

Liên quan đến MiG – 29 phiên bản hiện đại hóa, theo truyền thông Nga, Việt Nam đã từng nhận 4 chiếc MiG – 29 SMT vào năm 2010, nhưng không còn nguồn tư liệu này. Điều đó cho thấy, Việt Nam cũng đã từng quan tâm đến máy bay MiG - 29.

Việt Nam sẽ cần bao nhiêu tiêm kích không đối không?

Theo bố trí binh lực của không quân Việt Nam, hiện nay Trung đoàn 921 tại Hà Nội, Trung đoàn 931 tại Yên Bái, Trung đoàn 929 ở Đà Nẵng, Trung đoàn 937 ở Phan Giang, đang có trong biên chế Su-22, Trung đoàn 925 tại Quy Nhơn được trang bị 12 chiếc Su 27.

Theo vị trí đóng quân, có thể nhận thấy Trung đoàn 921 và trung đoàn 923 tiêm kích có nhiệm vụ bảo vệ khu vực Hà Nội, Hải Phòng và đồng bằng sông Hồng chống các cuộc tập kích đường không từ Vịnh Bắc Bộ và khu vực biên giới.

Trung đoàn 929, 937, 925 có nhiệm vụ bảo vệ vùng biển miền Trung và khu vực nhạy cảm nhất hiện nay, quần đào Trường Sa của Việt Nam.

Xét yêu cầu nhiệm vụ, 4 đến 5 trung đoàn cần được trang bị máy bay tiêm kích và số lượng tối thiểu sẽ khoảng 48 – 60 chiếc.

Trong điều kiện đặc thù của không gian chiến trường, khu vực các trung đoàn phía bắc cận kề với các nguy cơ tiềm năng xung đột trên khoảng cách không lớn, khoảng hơn 200 km  đến hơn 400 km tới đảo Hải Nam. Trên vùng biên giới với Việt Nam có 3 sư đoàn không quân ở Thành Đô và Quảng Châu, đảo Hải Nam có tới 2 sư đoàn không quân. Trung Quốc cũng là nước sở hữu tới 1200 tên lửa đạn đạo tầm gần.

Trong bất cứ tình huống nào thì trên không phận biên giới và Vịnh Bắc Bộ, từ 5 sư đoàn không quân và không quân hải quân PLA, hệ thống phòng không Việt Nam phải ngăn chặn tập kích đường với số lượng lên đến khoảng gần 200 máy bay tiêm kích đa năng.

Để có thể bảo toàn lực lượng và tạo lợi thế bất ngờ, các máy bay cần phải cất cánh bất ngờ không phải từ các sân bay hiện đại mà từ các sân bay dã chiến đường băng ngắn hoặc các đoạn đường giao thông thẳng có khoảng cách không lớn hơn 300 m. Nguyên nhân chủ yếu là các căn cứ không quân, các sân bay lưỡng dụng dân sự - quân sự sẽ bị tên lửa đạn đạo tầm gần và máy bay chiến đấu đối phương sử dụng tên lửa, bom có điều khiển tàn phá ngay từ phút đầu cuộc chiến.

Để có thể bay tuần tiễu và chiến đấu trên quần đảo Trường Sa thường xuyên, liên tục, các máy bay tiêm kích Việt Nam cũng phải sở hữu khả năng cất giấu tốt, cất hạ cánh được trên các đường băng ngắn hoặc đường nhựa, ví dụ trên đảo Trường Sa Lớn đường băng chỉ dài có 550 m. Tiêm kích cũng cần thiết phải có thể cất cánh được trên một số đảo ven biển Việt Nam nhằm tạo lợi thế bất ngờ.

Có ba đặc điểm đáng chú ý ở  MiG – 29K:

1- MiG -29 K có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn do là máy bay biên chế cho tàu sân bay.

2 – MiG- 29 K có khả năng gập được cánh, do đó khả năng cất giấu, ngụy trang đơn giản hơn.

3- MiG – 29 K được ứng dụng một phần công nghệ stealth (tàng hình) dựa vào được phủ lớp sơn hấp thụ sóng radars, Hệ thống gây nhiễu điện tử (ECM) Israel. Động cơ tuabin phản lực cánh quạt RD-33MK có các hệ thống làm giảm tầm nhìn hồng ngoại và quang học. Những ưu thế này cho phép MiG – 29K khó bị phát hiện khi bay ở tầm thấp, có thể bí mật bất ngờ xuất hiện tại khu vực không chiến.

MiG- 29K sẽ tác chiến thế nào trên hai vùng không chiến?

Từ những thực tế chiến trường rút ra trong cuộc không chiến chống không lực Mỹ cho thấy. Để thực hiện được các chiến thuật của không quân Việt Nam như “bám thắt lưng địch mà đánh” hoặc “ đánh nhanh, rút nhanh”, không quân Việt Nam phải tận dụng lợi thế địa hình quen thuộc để ngụy trang giảm nguy cơ bị phát hiện từ tầm xa của không quân đối phương, bất ngờ lấy độ cao rất nhanh, chiếm vị trí có lợi trên không, bất ngờ tấn công đối phương và thoát ly chiến trường nhanh chóng.

Trên chiến trường miền Bắc. Trong cuộc đối đầu với các máy bay F-4, MiG – 21 thường bay thấp theo địa hình tránh bị địch phát hiện từ xa, khi được lệnh không chiến, các én bạc Việt Nam lấy độ cao và vị trí tấn công hiệu quả, bất ngờ lao thẳng vào đội hình đối phương, lựa chọn mục tiêu tấn công và nhanh chóng thoát ly chiến trường. MiG -29K đáp ứng được yêu cầu này nhờ có tốc độ leo cao tốt, khả năng vượt tải lớn và cơ động rất nhanh. Hơn thế nữa, nhờ lợi thế công nghệ tàng hình, MiG – 29K sẽ rất khó phát hiện trên nền địa hình quen thuộc.

MiG - 29 thể hiện cất cánh đường băng ngắn và lấy độ cao kiểu cây nêu tại triển lãm hàng không 

RIAT 2015

Trên biển Đông và Trường Sa, để không chiến với các lực lượng không quân lớn hơn về số lượng và có thể hiện đại hơn về vũ khí trang bị, yếu tố bí mật bất ngờ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc giành thắng lợi trên chiến trường.

Nếu xuất kích từ các sân bay Đà Nẵng, Phan Rang, Quy Nhơn và bay suốt chiều ngang hơn 400 km rất dễ dàng bị đối phương phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Do đó, máy bay tiêm kích phải xuất kích được, có thể trên những hòn đảo ven biển Việt Nam hoặc thậm chí đảo Trường Sa Lớn trong điều kiện hoàn toàn bí mật, bất ngờ khi xảy ra xung đột. Do MiG – 29 K có khả năng cất cánh trên đường nhựa, khả năng gập cánh khi đưa vào nhà chứa, việc ngụy trang cất giấu sẽ không khó khăn hơn so với MiG-21 trước đây.

MiG - 29 và Su- 25 thể hiện khả năng cất hạ cánh trên đường nhựa

Thực hiện được điều này sẽ là một bất ngờ rất lớn cho bất cứ lực lượng không quân đối phương nào tấn công quần đảo Trường Sa. MiG-29K có thể xuất kích từ bất cứ hòn đảo nào có chiều dài lớn hơn 300 m, đường băng có thể được ngụy trang bằng đường giao thông và nhà chứa máy bay được xây dựng dưới dạng nhà kho dân sự.

Một câu hỏi ngẫu nhiên: Bằng cách nào có thể đưa máy bay ra đảo mà không lộ bí mật và gây ra một scandal chính trị cũng như nguy cơ bị tập kích hỏa lực tầm xa, câu trả lời đã có trên chiến trường Syria. Không quân Nga sử dụng máy bay vận tải quân sự, hệ thống gây nhiễu điện từ che chắn sự phát hiện của các radars và đưa hàng chục chiến đấu cơ hiện đại đến sân bay Hmeymim ở Latakia, thế giới chỉ được biết đến sự kiện này khi các máy bay đã sẵn sàng chiến đấu.

MiG – 29K có ưu thế về khả năng giảm mức độ phát hiện xuống thấp hơn đến 4 lần so với máy bay thông thường, được trang bị hệ thống gây nhiễu Israel và giảm khả năng phát hiện bằng quang hồng ngoại, điều đó rất thuận lợi cho việc che chắn và dẫn máy bay đến khu vực tập kết. Bằng hệ thống gây nhiễu này, máy bay Israel đã nhiều lần vượt qua các hệ thống phòng không của các nước Ả rập như Iran, Syria.

Trong tình huống xảy ra xung đột hoặc chiến tranh hạn chế, MiG - 29 có thể xuất kích từ những địa điểm bất ngờ nhất, chiếm lợi thế trên không, tấn công vào đội hình của đối phương và thoát ly không chiến, trở về các sân bay căn cứ dưới sự che chắn của lực lượng phòng không mạnh như S – 300, Buk – M2E.

Một vấn đề đặt ra, đó là tính cơ động của máy bay. Trên thực tế, máy bay có tính năng cơ động cao phần lớn dựa vào công suất của động cơ và khả năng chịu vượt tải của máy bay. MiG-29K được trang bị hai động cơ RD-33MK "Morskaya Osa" ("Sea Wasp – Ong vò vẽ biển"), mẫu mới nhất của dòng động cơ RD-33. Được phát triển vào năm 2001, trang bị cho MiG-29K và MiG-29KUB, và cả MiG-35. Động cơ cho công suất cao hơn 7%, tăng lực đẩy khi đốt tăng lực thêm 9,000 kgf và khối lượng là 1,145 kg.

Một trích đoạn phim của Hàn Quốc, mô tả khả năng cơ động vô cùng linh hoạt của MiG-29A Bắc Triều Tiên

Tuổi thọ phục vụ tăng lên tới 4000 giờ. Khung máy bay có thể chịu được gia tốc lên tới 9 g. Hệ thống điều khiển có giới hạn "mềm" ngăn cản phi công muốn vượt qua giới hạn gia tốc g và góc alpha (góc tấn) nhưng phi công có thể vô hiệu hóa bằng kỹ năng điều khiển bay.

Nếu so sánh sự chênh lệch không cân sức giữa F-4 và MiG -21, có thể thấy “lợi thế sân nhà “của MiG-29K khi xuất kích vào trận chiến với khối lượng vũ khí lên đến 5,5 tấn, tương đương với 8 tên lửa không đối không các loại. Một biên đội MiG-29 khi chiến đấu với ưu thế độ cao và vị trí không kích trên địa hình quen thuộc có thể là một nguy cơ rất lớn cho bất cứ lực lượng không quân hùng mạnh nào.

Lợi thế hiển nhiên của Việt Nam khi đặt hàng MiG -29 K là giá thành, mặc dụ MiG 29K được định giá là khoảng 30 triệu USD, nhưng do Nga và Ấn Độ mua để trang bị cho tàu sân bay, số lượng của Nga khoảng 24 chiếc, Ấn Độ là 45 chiếc cho các tàu sân bay nội địa. Sau đó dây chuyền này sẽ bị hủy bỏ, nếu Việt Nam đặt hàng, lợi thế đàm phán sẽ tốt hơn rất nhiều so với các loại máy bay chiến đấu hiện đại khác.

Có thể một ngày nào đó, những thế hệ sau của MiG – 21 là MiG – 29 K/KUB, MiG-35 sẽ viết tiếp truyền thống vẻ vang của én bạc ngày nào.