Vì sao quan to Trung Quốc thường kết giao với thầy tâm linh

Chu Vĩnh Khang không tiết lộ bí mật nhà nước cho điệp viên nước ngoài hay đối thủ chính trị mà với một khí công sư, cho thấy sợi dây liên kết giữa quan chức cấp cao Trung Quốc và các "bậc thầy" tự nhận có khả năng siêu nhiên.
Một biển quảng cáo của một thầy bói trong một con hẻm gần chùa Ung Hòa ở Bắc Kinh. Ảnh: AP
Một biển quảng cáo của một thầy bói trong một con hẻm gần chùa Ung Hòa ở Bắc Kinh. Ảnh: AP

Trường hợp của Chu Vĩnh Khang là ví dụ mới nhất về mối quan hệ giữa sự duy linh và nhiều lãnh đạo cấp cao ở Trung Quốc, những người về mặt lý thuyết nhẽ ra phải theo chủ nghĩa vô thần.

Trước Chu, nhiều cán bộ cao cấp trong đảng và quan chức chính phủ được cho là đã tìm kiếm giúp đỡ và xin phước lành từ các khí công sư, thầy phong thủy và các nhà sư Phật giáo và Đạo giáo. Tượng Phật bằng vàng là món quà yêu thích của nhiều quan chức cấp cao.

"Các cán bộ tìm đến niềm tin tâm linh để tránh tai ương, và tránh chông gai trên con đường chính trị, đó là điều tự nhiên", Willy Lam, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc, nhận định.

Nhiều lãnh đạo đảng tin vào Phật giáo hay đạo Cơ đốc, Cheng Li, giám đốc một trung tâm nghiên cứu tại Viện Brookings nói. "Họ hay đi chùa, và một số người lặng lẽ theo đạo Cơ đốc", Li nói. "Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên".

Khí công, phương pháp tập luyện hít thở kết hợp với chuyển động cơ thể nhẹ nhàng và thiền định, thật sự có lợi cho sức khỏe, Li nói. "Khi đã có tiền và quyền rồi thì anh còn muốn gì nữa? Tất nhiên là tuổi thọ và sức khỏe. Đó là bản chất con người", ông nói.

Nhiều quan chức Trung Quốc cũng có biểu hiện mê tín, ví dụ như họ treo kiếm trong nhà vì cho rằng nó sẽ giúp họ không bị thanh tra kỷ luật "sờ gáy". Họ còn phá đường để tránh xui xẻo, hay đặt bồn nước phía trước các tòa công sở với hy vọng sẽ tích lũy được của cải.

"Xoa bóp" tinh thần

Các nhà bảo thủ chính trị Trung Quốc kịch liệt chỉ trích việc đảng viên Trung Quốc quan tâm đến quyền lực siêu nhiên. Sina Nam từ lâu đã cố gắng lật tẩy các khí công sư tự nhận là có khả năng siêu phàm. Ông nói rằng các quan chức tham nhũng và các kỳ nhân tự xưng này có mối quan hệ cộng sinh.

"Các kỳ nhân 'xoa bóp' về mặt tinh thần cho các quan tham, đổi lại, các quan chức che chở cho họ", ông viết.

Khí công sư mà Chu Vĩnh Khang hết mực tin tưởng là Tào Vĩnh Chính, người nổi tiếng là có sức mạnh siêu nhiên từ cuối những năm 1980. Tào thậm chí còn nhận được sự ủng hộ từ một phóng viên của báo đảng People’s Daily, người viết rằng Tào chỉ cần nhìn ảnh cũng có thể biết quá khứ, hiện tại và tương lai của một người, và thậm chí còn có khả năng chữa bệnh vô sinh.

Vì sao quan to Trung Quốc thường kết giao với thầy tâm linh ảnh 1

Chu Vĩnh Khang (trái) và Tào Vĩnh Chính. Ảnh: SCMP/WCT

Từ thập niên 80, người dân Trung Quốc rất ưa chuộng khí công, phương pháp tập luyện hứa hẹn giúp cơ thể khỏe mạnh và tĩnh tâm, khi đất nước bắt đầu tiến nhanh một cách chóng mặt trên con đường cải cách kinh tế, định hình lại cuộc sống của hàng trăm triệu người.

Để thu hút ủng hộ, các khí công sư khoe khoang rằng họ có năng lực phi phàm như chữa bệnh nặng mà không cần điều trị y tế. Họ nhanh chóng có nhiều người tin tưởng. Những người này thường xuyên tham dự các cuộc họp mặt lớn, đăng ký vào các nhóm thực hành, và mua sách nhỏ của các "bậc thầy", khi họ tìm kiếm câu trả lời cho các vấn đề cuộc sống.

Cơn sốt khí công lắng xuống khi Bắc Kinh nhận thấy trào lưu này trượt dốc thành mê tín dị đoan. Nó kết thúc năm 1999, khi chính quyền Trung Quốc truy quét một trong những trường phái khí công phổ biến gọi là Pháp Luân Công.

Tuy nhiên, nhu cầu về dẫn dắt tinh thần và tư vấn tâm lý ngày càng tăng ở Trung Quốc, khi nhiều người vật lộn với những thay đổi kinh tế xã hội nhanh chóng và sâu sắc. "Tâm hồn con người cần có chỗ trú ngụ, vì vậy, một số người Trung Quốc tìm thấy chốn bình yên cho tâm hồn từ các khí công sư", Shi Shusi, một nhà bình luận độc lập tại Bắc Kinh nói.

Cơ đốc giáo và Phật giáo đã hồi sinh nhanh chóng và mạnh mẽ tại Trung Quốc, trong khi các khí công sư và thầy phong thủy xây dựng được mạng lưới khách hàng giàu có, quyền lực và có ảnh hưởng nhất Trung Quốc.

Tào Vĩnh Chính, thân tín của Chu Vĩnh Khang, đã được nhiều bạn bè quyền lực của Chu săn đón để nhờ giúp đỡ, theo một bài báo năm 2013 của Southern Weekly.

Theo thông cáo của tòa án, Tào nằm trong một nhóm nhỏ người nhà và bạn bè thân thiết của Chu đã bỏ túi 2 tỷ nhân dân tệ (340 triệu USD) phi pháp, nhờ Chu dung túng và che chở. Tào là một trong những người giàu nhất Trung Quốc, kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí, bất động sản, phim ảnh và nông nghiệp.

Khi Chu bị điều tra năm 2013, văn phòng của Tào ở Bắc Kinh cũng bị cảnh sát đột kích. Tào đã trốn khỏi nước để tránh tội. Truyền thông nhà nước cho rằng Tào rồi cuối cùng cũng sẽ bị đem ra xét xử, khi Chu đã lĩnh án tù chung thân vì tham nhũng.

Một bậc thầy khí công khác, Vương Lâm, từng dính líu vào bê bối tham nhũng cách đây hai năm. Ông này từng tặng cho cựu bộ trưởng đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân một viên đá phù hộ với ý nghĩa Lưu sẽ luôn đứng vững. Câu chuyện này sau đó được lôi ra giễu cợt vì Lưu đã "ngã ngựa" do tham nhũng.

Dali Yang, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Chicago, cho rằng những người giàu có và quyền lực muốn tìm đến sức mạnh thần thông, và kết giao với các khí công sư để giúp họ vừa tập luyện cơ thể, vừa hỗ trợ về mặt tâm lý. 

"Đó là là sự giải tỏa về mặt tinh thần", Yang nói. "Họ có thể đóng vai trò là cố vấn tâm lý".

Theo: VnExpress