Một nhóm tàu chiến của Trung Quốc do tàu sân bay đầu tiên của nước này dẫn đầu đã tiến vào khu vực phía bắc của Biển Đông ngày 26/12 sau khi đi qua phía nam Đài Loan. Cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết về động thái mới nhất mà Trung Quốc gọi là một cuộc diễn tập thường kỳ.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gần đây khi lãnh đạo Đài Loan gọi điện thoại cho tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump khiến Bắc Kinh giận dữ.
Tàu sân bay Liêu Ninh do Liên Xô xây dựng từng tham gia diễn tập trước đây, trong đó có một số lần ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc còn phải mất nhiều năm để hoàn thiện các kỹ năng vận hành tàu sân bay tương tự như Mỹ đã đạt được cách đây hàng chục năm.
Đài Loan cho biết chiếc hàng không mẫu hạm được hộ tống bởi 5 tàu chiến, đã băng qua phía đông nam của quần đảo Đông Sa, do Đài Loan kiểm soát và hướng về phía tây nam. Trước đó, nhóm tàu này đã băng qua khu vực 90 hải lý về phía nam mũi cực nam của Đài Loan thông qua kênh Ba Sĩ, nằm giữa Đài Loan và Philippines.
Phát ngôn viên quốc phòng Đài Loan Chen Chung-chi từ chối cho biết liệu chiến đấu cơ hay tàu ngầm của Đài Loan có được triển khai hay không, nhưng nói rằng Đài Loan đang tiếp tục “theo dõi và nắm bắt tình hình”.
Nhà lập pháp cao cấp của đảng đối lập Đài Loan Johnny Chiang nói cuộc diễn tập của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh là một tín hiệu Trung Quốc gửi tới Mỹ rằng nước này đã có khả năng xuyên qua “chuỗi đảo thứ nhất”, là khu vực bao gồm quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và Đài Loan.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố mọi người không nên quá phỏng đoán về kế hoạch của tàu Liêu Ninh bởi vì các hoạt động của nó đều nằm trong khuôn khổ pháp luật.
Trong khi đó, tờ báo dân tộc chủ nghĩa khét tiếng Hoàn Cầu khoe khoang rằng cuộc diễn tập cho thấy tàu sân bay Trung Quốc đã được cải tiến về khả năng chiến đấu và có thể di chuyển xa hơn như thế nào.
Hoàn Cầu nhấn mạnh: “Sớm muộn hạm đội của Trung Quốc cũng sẽ đến Đông Thái Bình Dương. Khi hạm đội hàng không mẫu hạm của Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi nước Mỹ một ngày nào đó, thì các nguyên tắc hàng hải sẽ được xem lại một cách nghiêm túc”.