“Quỹ kền kền” tham lam vô độ

Lợi dụng thời điểm kinh tế khó khăn của các nước để mua trái phiếu với giá rẻ mạt song sau đó lại đòi thanh toán theo đúng mệnh giá, đó chính là những “quỹ kền kền” tham lam vô độ trong nền kinh tế thế giới hiện nay.
Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof chỉ trích hành động mang tính trục lợi  của các “quỹ kền kền”
Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof chỉ trích hành động mang tính trục lợi của các “quỹ kền kền”

Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof ngày 3-3 đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ âm mưu gây áp lực đối với nền kinh tế nước này của các quỹ đầu tư mà ông gọi là “quỹ kền kền”. Phản ứng tức giận của Chính phủ Argentina được đưa ra ngay sau khi một nhóm chủ nợ đệ đơn kiện lên Tòa án New York (Mỹ) yêu cầu quốc gia Nam Mỹ này phải thanh toán khoản trái phiếu trị giá 6 tỷ USD.

Trước đó một ngày, hơn 150 chủ nợ đầu cơ mà Chính phủ Argentina gọi là các “quỹ kền kền” đã gửi đơn lên thẩm phán Thomas Griesa ở Tòa án New York (Mỹ) yêu cầu Chính phủ Argentina thanh toán trái phiếu theo giá trị tiền mặt. Các quỹ này đã mua trái phiếu của Argentina với giá rẻ mạt trong giai đoạn khủng hoảng tài chính cuối năm 2001 khi Buenos Aires tuyên bố vỡ nợ sau khi không thanh toán được khoản nợ đáo hạn.

Cũng sau vụ vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD cuối năm 2001 vốn  bị coi là vụ vỡ nợ lớn nhất thế giới tới thời điểm đó, Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010. Nhờ kinh tế phục hồi và tái cơ cấu nợ thành công, nợ công của nước này đã giảm đáng kể.

Để tái cơ cấu nợ, Argentina đã thuyết phục được những chủ nợ của khoảng 92,4% số trái phiếu đồng ý cho đáo nợ và chỉ nhận một phần giá trị mặt của trái phiếu. Tuy nhiên, trong số các chủ nợ còn lại nắm giữ khoảng 7,6% số trái phiếu, có một số quỹ đầu tư đầu cơ, đi đầu là NML Capital và Aurelius Capital Management, đã kiện Argentina ra tòa án New York. 

Các quỹ đầu cơ đòi Chính phủ Argentina phải thanh toán toàn bộ trái phiếu theo giá trị mặt, cùng tiền lãi và tiền phạt, với tổng số tiền lên tới 1,5 tỷ USD. Các quỹ này đã được thẩm phán Thomas Griesa ở tòa án New York tuyên bố thắng kiện, đồng nghĩa với việc đẩy Argentina vào nguy cơ bị các chủ trái phiếu khác yêu cầu cũng được hưởng ưu đãi tương tự, khiến nước này có thể phải trả số tiền khổng lồ ước tính lên tới 250 tỷ USD.

Do các cuộc thương lượng với các “quỹ kền kền” đổ vỡ, Argentina một lần nữa rơi vào tình trạng vỡ nợ lần thứ hai kể từ năm 2001 vào thời hạn chót trả nợ ngày 31-7-2014 do không thể thanh toán khoản nợ 539 triệu USD cho “quỹ kền kền” Bank of New York Mellon (BoNY) theo phán quyết của tòa án New York. Song lần vỡ nợ này là kỹ thuật bởi bị các “quỹ kền kền” tiến hành “khủng bố tài chính” chứ không phải thiếu tiền trả nợ như cuộc vỡ nợ cách đây hơn 13 năm.

Sự tham lam vô độ của các “quỹ kền kền” đã bị Hội đồng Nhân quyền LHQ lên án trong một nghị quyết thông qua tháng 9-2014 khi nhấn mạnh rằng hành động của các “quỹ kền kền” gây ra tình trạng nghèo đói và bất ổn kinh tế cho các nước đang phát triển. Trong phát biểu ngày 3-3, Bộ trưởng Kicillof cũng cho rằng, những đòi hỏi của các chủ nợ đầu cơ là hoàn toàn vô lý và phán quyết của tòa án New York đã tạo tiền đề cho các “quỹ kền kền” gây sức ép với Argentina trong việc đàm phán tái cơ cấu nợ, đồng thời khẳng định những hành động mang tính trục lợi này sẽ ảnh hưởng đến việc nước này thực hiện cam kết trả nợ với đa số chủ nợ khác.

Theo ANTĐ