“Quái vật đại dương” Nga có thể biến kẻ thù thành tro bụi

Nga tiếp tục củng cố sức mạnh quân sự, và ngay trong tháng 11, tàu ngầm mới “Quận vương Vladimir” sẽ rời xưởng đóng tàu Sevmash, kênh truyền hình Na Uy TV 2 NORGE đưa tin.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Nga
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Nga

Các tàu ngầm lớp Borei có chiều dài  170 mét là cơ sở cho "chiến lược răn đe hạt nhân" hiện đại của Nga và phiên bản tàu ngầm mới có thể mang trên khoang nhiều tên lửa hơn mẫu "tiền bối" của nó, thông báo cho biết.

Theo các chuyên gia Na Uy, trên chiếc tàu ngầm Nga sẽ đi vào phục vụ từ năm 2018 có thể lắp đặt 20 tên lửa liên lục địa Bulava. Trong khi đó ba tàu ngầm lớp Borei hiện đang được sử dụng chỉ có chỗ để bố trí 16 tên lửa hạt nhân tầm xa.

"Quận vương Vladimir" là tàu ngầm đầu tiên của lớp Borei được hiện đại hóa như giảm thiểu tiếng ồn và trở nên "vô hình" hơn nữa. Theo dữ liệu của các phương tiện truyền thông Nga, mẫu tàu này được bắt đầu phát triển một cách âm thầm "ngay từ thời đại cải tổ-công khai", và công việc đã được tiến hành "trong môi trường bảo mật cao độ", các đại diện của xưởng đóng tàu cũng như quân đội không để lộ bất kỳ tấm ảnh nào. Cũng có khẳng định rằng tàu ngầm hạt nhân "Quận vương Vladimir" có thể "biến kẻ thù thành đống tro phóng xạ", TV 2 NORGE phản ánh.

Theo tư liệu của Viện Nghiên cứu khoa học thuộc lực lượng vũ trang Na Uy, tàu ngầm Nga mẫu mới hiện đại hơn, không ồn và được trang bị vũ khí tốt hơn loại tàu mà loạt "Quận vương" sẽ tới thay thế.

Có mặt tại lễ khởi công đóng tàu "Quận vương  Vladimir" vào năm 2012, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng việc chế tạo các tàu ngầm mới gắn với yêu cầu bảo vệ quyền lợi của Liên bang Nga ở Bắc Cực. "Không nghi ngờ gì nữa, Hải quân là phương tiện bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia của chúng ta. Điều đó  cũng áp dụng cho khu vực Bắc Cực, nơi tập trung những nguồn tài nguyên thiên nhiên và sinh học quan trọng nhất của thế giới", kênh truyền hình TV 2 NORGE dẫn lời tuyên bố của nguyên thủ quốc gia Nga.

Đội tàu ngầm Nga thường xuyên thực hiện các chuyến đi và tiến hành  tập trận ở Biển Barents và vùng biển lân cận, kênh này nêu nhận xét.

Trong khi đó, NATO đang vấp phải những vấn đề nhất định trong việc theo dõi tàu ngầm của Nga, Phó Đề đốc và là cựu chỉ huy tàu ngầm Jacob Burrenen nói trên kênh  truyền hình TV 2 NORGE.

"Liên minh Bắc Đại Tây Dương lại một lần nữa đưa việc theo dõi tàu Nga thành một trong những nhiệm vụ ưu tiên. Vì thế, cả tàu ngầm Anh và Mỹ đều trở lại biển Na Uy", ông Burresen giải thích khi  bình luận về hiện tượng gia tăng số lượng tàu ngầm hạt nhân của các nước đồng minh trong vùng biển Na Uy.

Theo SP