Nhật báo Le Monde trong hai bài viết mang tựa đề "Quách chủ tịch đã biến mất", và "Truy tìm cổ đông Trung Quốc của Club Med" cho biết cụ thể về vụ "mất tích" bí ẩn của tỉ phú nổi tiếng Quách Quảng Xương, chủ tập đoàn Phục Tinh và là người thân tín của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Điện thoại ông không còn reo nữa. Quách Quảng Xương (Guo Guangchang) được trông thấy lần cuối tại phi trường Thượng Hải, khi bước xuống một chiếc máy bay xuất phát từ Hồng Kông, và tạp chí Tài Kinh vốn rất thông thạo tin tức cho rằng ông được công an áp giải…
Việc tập đoàn Phục Tinh (Fosun) chính thức công nhận đã mất liên lạc với ông chủ tịch đủ để tạo ra một cơn động đất chứng khoán, dẫn đến việc tạm ngưng giao dịch các công ty chính của tập đoàn, gây thiệt hại khoảng 2,9 tỷ USD. Bởi vì Quách Quảng Xương không phải là một nhân vật bình thường. Ở tuổi 48, nhà tỉ phú là một trong những doanh nhân đặc biệt nhất và năng động nhất Trung Quốc.
Từ hai bàn tay trắng, cha mẹ là nông dân, Quách Quảng Xương đã xây dựng được cả một cơ đồ trong lĩnh vực dịch vụ và du lịch, vào cái thời mà đất nước chỉ quan tâm đến các nhà máy. Ông đã tạo dư luận trong những năm gần đây khi ngắp nghé và rốt cuộc nắm được Club Med sang trọng của Pháp hay Xiếc Mặt Trời của Canada, RFI thuật lại.
Thân tín của ông Giang Trạch Dân
Đôi khi được mệnh danh là "Warren Buffet Trung Quốc", Quách Quảng Xương, người tỉnh Chiết Giang trong thập niên 80 theo học ở đại học Phục Đán (Fudan), Thượng Hải, trước khi lao vào kinh doanh tại đại đô thị này. Ông liên tiếp đầu tư vào các ngành luyện kim, dược phẩm, bảo hiểm…
Cái tên Quách Quảng Xương đã xuất hiện hồi mùa hè này trong vụ án Vương Tống Nam (Wang Zongnan), chủ tịch tập đoàn quốc doanh Bright Food về nông sản thực phẩm, cổ đông chính của nhà sản xuất ngũ cốc Anh Weetabix. Ông Vương bị lãnh án 18 năm tù vì tham nhũng và biển thủ.
Tòa án nêu ra vụ Phục Tinh nhượng lại cho cha mẹ của Vương Tống Nam hai biệt thự gần Thượng Hải năm 2003 với giá 2,1 triệu nhân dân tệ (300.000 euro), thấp hơn giá thị trường thời đó 2,7 lần. Phục Tinh đến tháng 8/2015 biện minh rằng đó là cái giá bình thường vào lúc thị trường địa ốc sụt giá thê thảm.
Quách Quảng Xương nổi tiếng là thân thiết với chính quyền Thượng Hải, giang sơn của phe cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. Ông Tập Cận Bình qua chiến dịch chống tham nhũng muốn triệt hạ mạng lưới của nhà cựu lãnh đạo vẫn còn đầy uy lực trong bóng tối. Phó thị trưởng Thượng Hải đồng thời là giám đốc khu mậu dịch tự do mới thành lập, ông Ngải Bảo Tuấn (Ai Baojun) cũng đang bị điều tra vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", đồng nghĩa với tội tham nhũng.
Điều gì đã xảy đến cho "Quách chủ tịch"? Giả thiết hợp lý nhất là ông đã bị bắt. Ông chủ tập đoàn Phục Tinh có điều kém may mắn: là người thân cận "phe Thượng Hải" của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Một biểu tượng bị tấn công
Khi đánh vào Quách Quảng Xương, Bắc Kinh không chỉ tấn công vào một nhà lãnh đạo cao cấp mà là một biểu tượng: đó là lớp người thành đạt mới của Trung Quốc. Thế hệ doanh nhân trong lĩnh vực tư nhân đã được thành hình trong thập niên 90, bên ngoài các tập đoàn quốc doanh; như các nhà sáng lập Geely (xe hơi), Alibaba (internet), Sany (xây dựng), Hoa Vi (tức Huawei, viễn thông) hay Lenovo (tin học). Họ thăng tiến nhờ thân cận với lãnh đạo địa phương.
Tất cả những ông chủ này đều quan hệ mật thiết với chính quyền, nhưng cũng chứng tỏ sự nhanh nhạy và khả năng chinh phục thế giới với các sản phẩm và nhãn hiệu riêng của mình, đưa Trung Quốc ra khỏi vị trí làm gia công cho phương Tây.
Họ có lợi thế tương lai trong tăng trưởng của Trung Quốc hơn là các tập đoàn quốc doanh đang cứ phải chật vật tái cấu trúc. Điển hình nhất là Phục Tinh, hiện thân của một Trung Quốc đang chuyển mình sang lãnh vực dịch vụ và xã hội tiêu dùng, biên giới mới của đất nước.
Tất cả những điều đó, Tập Cận Bình đều biết. Ông ta chỉ muốn thuần hóa những con rồng nhỏ mà theo ông là quá độc lập, để chứng tỏ rằng trong chủ nghĩa tư bản theo kiểu Trung Hoa, nhà nước vẫn là "Thượng đế toàn năng". Theo tác giả Philippe Escande của Le Monde, tuy nhiên khi làm như vậy, ông Tập cũng có nguy cơ bộc lộ những hạn chế của mình.
Cũng trên Le Monde, tác giả Harold Thibault nói thêm, trong hệ thống tư pháp Trung Quốc, đã xảy ra những trường hợp những doanh nhân tự dưng "mất tích" trong thời gian hỗ trợ chính quyền về một vụ việc liên quan đến quan chức nào đó. Hồi giữa tháng Năm, Phan Hạo Văn (Mike Poon), chủ tịch một quỹ đầu tư vừa mới trở thành cổ đông của phi trường Toulouse-Blagnac (Pháp) cũng đã "bốc hơi" để hỗ trợ các nhà điều tra trong một vụ tham nhũng ở tập đoàn hàng không Nam Phương (China Southern). Ông Phan Hạo Văn chỉ mới tái xuất giang hồ vào tháng 11 tại Hồng Kông.
Theo Bizlive