Kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Phần 3: Con đường dẫn đến sự kiện Vịnh Bắc Bộ

VietTimes – Ngày 5/8/1964, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố bắt đầu các cuộc không kích miền Bắc Việt Nam để đáp lại cái mà ông ta gọi là "cuộc tiến công" vô cớ các tàu chiến Mỹ ở hải phận quốc tế trong vịnh Bắc Bộ. Sự kiện này thực ra đã được chính giới Mỹ thai nghén từ hơn 3 năm trước đó.
Mỹ cáo buộc Việt Nam đã tấn công tàu khu trục Turner Joy và Maddox
Mỹ cáo buộc Việt Nam đã tấn công tàu khu trục Turner Joy và Maddox

Phần 2: Kế hoạch OP-32 của CIA và Bộ Tư lệnh Mỹ phá sản

Chiến dịch Switchback: chỉ mang lại niềm vui cho Hà Nội

Ngày 20/4/1961, một ngày sau thất bại trong vụ đổ bộ vào Cuba, Tổng thống Mỹ John Kennedy triệu tập một nhóm nghiên cứu đặc biệt đứng đầu là đại tướng Maxwell Taylor. Nhiệm vụ của nhóm là đánh giá "thảm họa vịnh Con Lợn", đưa ra những kiến nghị về cách củng cố những hoạt động tương tự của Mỹ trong tương lai nhằm "giảm sự gặm nhấm của chủ nghĩa cộng sản" mà một trong những địa danh được Tổng thống ngụ ý nhiều nhất là Việt Nam. Giải pháp của Kennedy là chuyển những hoạt động bán quân sự kiểu như vậy từ CIA sang chịu sự quản lí của Bộ Quốc phòng Mỹ trong chừng mực chúng liên quan đến những kế hoạch chiến tranh của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) đã được phê duyệt.

Ngày 13/6, nhóm Taylor đệ trình lên Tổng thống những lập luận của họ. Nhóm cho rằng Mỹ có thể đang thua trong một cuộc chiến sống còn (ở Việt Nam) và sẽ thua trừ phi thay đổi phương pháp và tập trung các nguồn lực với cường độ mà chỉ đặc trưng cho thời chiến. Nhóm kiến nghị mọi hoạt động bán quân sự ở Việt Nam phải được đẩy mạnh, nhưng phải  do chính Trung ương phối hợp, hiệp đồng. Ngày 28/6, Kennedy phê duyệt Chương trình hành động của nhóm Taylor, và đây chính là tiền đề cho Kế hoạch 34A (OP-34) sau này với nội dung chủ yếu là tiến hành các hoạt động gián điệp, gây rối chống miền Bắc Việt Nam mà đỉnh cao là Sự kiện vịnh Bắc Bộ.

Kế hoạch 34A-64

Nhóm biệt kích trong kế hoạch 34A-64 củaMcNamara.


Còn trước mắt, tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara triệu tập cuộc họp gồm các quan chức Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và CIA để thảo luận việc chuyển giao quyền kiểm soát các hoạt động bán quân sự ở Việt Nam từ CIA sang Bộ Quốc phòng trong một chương trình kéo dài 1 năm mang tên Chiến dịch Switchback. Tháng 9, Nhóm đặc biệt thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ chính thức ủng hộ đề nghị dùng tàu ngư lôi tiến hành những hoạt động bí mật chống Bắc Việt Nam.

Chiến dịch Switchback được bắt đầu từ đêm 14/1/1962, khi nhóm biệt kích Mỹ với mật danh Nautilius 1 (N1) xuất phát từ Đà Nẵng đổ bộ vào khu vực Hòn Gai để bắt liên lạc và tiếp tế cho một điệp viên được Washington và Sài Gòn đặt cho cái tên là Ares. Rất nhanh chóng, nhóm gián điệp bị phía Bắc Việt bắt, bị đưa ra tòa án quân sự và bị kết án các hạn tù giam khác nhau.

Ngày 28/6, nhóm Nautilus 2 rời Đà Nẵng để tiến hành một cuộc tiến công chớp nhoáng vào các tàu tuần tiễu của Bắc Việt đang neo đậu tại cửa sông Gianh. Vì những lí do không được giải thích, một thiết bị đã phát nổ sớm làm chết một người nhái. Vụ nổ báo động các lực lượng an ninh địa phương. Họ bắt đầu truy kích con tàu của N2 và đánh chìm tàu này trước khi nhóm N2 vượt qua được vĩ tuyến 17. Các sĩ quan CIA tại Đà Nẵng theo dõi sự kiện này nhưng không thể trợ giúp. Hai người nhái sống sót bị bắt, một tên duy nhất may mắn được lực lượng cứu hộ được phái tới từ Đà Nẵng cứu thoát.

Tháng 12, nhóm Lyre do Lê Khoa cầm đầu nhảy dù xuống Hà Tĩnh. Nhiệm vụ của nhóm là tiến hành trinh sát trạm ra-đa tại Đèo Ngang và sẵn sàng phá hủy nó cũng như các kho lương thực của địa phương. Trong khi đang "chờ lệnh mới", nhóm này bị khóa chặt bởi đơn vị an ninh địa phương. Trong cuộc đọ súng ác liệt, hai thành viên của Lyre là Trần Nghiêm và Nguyễn Lí bị giết chết. Số còn lại bị bắt khi tìm cách lẩn trốn xuống phía nam ở tỉnh Quảng Bình kế cận.

Tháng 7/1963, một nhóm khác, nhóm Dragon gồm 6 người dân tộc Nùng do Mộ A Tài chỉ huy, cố gắng đổ bộ một lần nữa để thực hiện "một nhiệm vụ vô thời hạn" tại khu vực Móng Cái, cách biên giới Trung Quốc một đoạn đường. Nhiệm vụ của họ là tiến công một trạm ra-đa ngoài khơi Bắc Việt và tìm cách định vị những điệp viên do đại tá Vòng A Sáng để lại năm 1954 khi ông ta rút sư đoàn người Nùng của mình vào miền Nam. Thật không may, một cậu bé đã chứng kiến cảnh toán gián điệp đổ bộ, những ngư dân gần đó báo cáo với lực lượng an ninh địa phương. Cuộc bổ vây đã bắt gọn những kẻ xâm nhập.

... Cuối năm 1962, hồ sơ của Hà Nội nghi nhận những hoạt động phản gián thành công của họ gồm K26 (Mộc Châu), K36 (Sơn La), K33 (Hòa Bình), K37 (Hà Bắc), K34 (Quảng Bình), K32 (Điện Biên), K35 (Yên Bái).... Và đến cuối năm 1963, các nhà vạch kế hoạch thuộc Nhóm đặc biệt của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, các nhân viên Ban hoạt động đặc biệt Chống nổi dậy (SACSA) trong Văn phòng Bộ Quốc phòng, và CIA, đều thừa nhận các toán biệt kích người Việt Nam của họ phần lớn chỉ mang lại niềm vui cho Hà Nội. Còn đối với Washington, câu trả lời sẽ tìm thấy trong Kế hoạch 34A - một kế hoạch được chính Cố vấn An ninh quốc gia McGerge Bundy sớm có chủ định.

Bộ trưởng “dọa” Tổng thống

Ngày 20/11/1963, bỏ mặc Sài Gòn đang rối loạn sau vụ đảo chính lật đổ anh em Diệm - Nhu và 2 ngày trước vụ ám sát Tổng thống Kennedy, tại Honolulu đã diễn ra cuộc họp quan trọng của các quan chức cao cấp Nhà Trắng với các quan chức chính quyền Sài Gòn và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Chủ trì hội nghị là Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và Giám đốc CIA John McCone.

Nhiệm vụ của họ là đánh giá tình hình Nam Việt Nam sau khi chính quyền Diệm tan rã và đánh giá kết quả chuyển giao các hoạt động bán quân sự ở Việt Nam từ CIA sang Lầu Năm góc. Kết thúc cuộc họp, CIA và Lầu Năm góc nhất trí đề ra một kế hoạch hỗn hợp nhằm tăng cường hoạt động bí mật để chống phá miền Bắc Việt Nam.

Ngày 26/11, 4 ngày sau cái chết của Kennedy và với việc Lyndon Johnson nhậm chức Tổng thống, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho công bố Bản ghi nhớ Hành động an ninh quốc gia (NSAM) 273 tái khẳng định tiếp tục các chính sách của Mỹ được đề xướng dưới thời Kennedy. Đối với những hoạt động chống Bắc Việt Nam, Bản ghi nhớ nhấn mạnh "cần có kế hoạch cho các hoạt động này... đi sâu tới 50km vào lãnh thổ Lào".

Lyndon B. Johnson (phải) trao đổi với Richard Nixon.
Lyndon B. Johnson (phải) trao đổi với Richard Nixon.

Ngày 15/12/1963, kế hoạch hỗn hợp do CIA đưa ra mang tên OPLAN 34A-64 và có mật danh TIGER được gửi tới Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) ở Hawaii. PACOM biết chắc kế hoạch được soạn thảo trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của hội nghị Honolulu nên tán thành ngay, làm kiến nghị chấp nhận chương trình hành động 12 tháng của kế hoạch này. Ngày 19/12, họ gửi hồ sơ kế hoạch TIGER lên Tham mưu trưởng Liên quân. Cùng ngày, thể hiện mức độ sẵn sàng ngay cả khi kế hoạch chưa được phê chuẩn, Hải quân Mỹ đã thành lập một toán yểm trợ cơ động ở Đà Nẵng để tăng cường cho các lực lượng SEALS của hải quân, lực lượng trinh sát của hải quân đánh bộ và lực lượng hoạt động bí mật trên biển. Nhóm yểm trợ này tổ chức huấn luyện cho bính lính Nam Việt Nam để thực hiện các cuộc đột kích trên biển chống lại miền Bắc Việt Nam.

Ngày 21/12, sau khi trở về từ chuyến thăm Việt Nam, McNamara chính thức thông báo với Tổng thống Johnson về Kế hoạch 34A-64. Ông ta miêu tả với Tổng thống rằng Kế hoạch 34A-64 là "một cơ chế tuyệt vời" nhằm thuyết phục Hà Nội "suy nghĩ lại" về hành động "xâm nhập" Nam Việt Nam. Như để "hù dọa" vị Tổng thống mới "vào nghề", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra một dự báo không mấy sáng sủa để biện minh cho sự cần thiết phải thực hiện một hành động mạnh mẽ nào đó, rằng "… Trừ phi chuyển hướng trong 2-3 tháng tới, có thể dẫn tới khả năng tốt nhất là tình trạng trung lập hóa (miền Nam Việt Nam), nhưng có nhiều khả năng sẽ dẫn đến việc hình thành một nhà nước do phe cộng sản kiểm soát".

Ngày 2/1/1964, Ủy ban Liên bộ đệ trình bản phân tích về Kế hoạch 34A-64 và nêu quan điểm tán thành việc thực hiện kế hoạch này. Theo đó, Kế hoạch 34A được chia thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài trong 4 tháng với sự gia tăng về cường độ, phạm vi, phối hợp các hoạt động bí mật. Mục tiêu của kế hoạch là nhằm tuyên bố chính thức với Hà Nội rằng họ sẽ phải trả giá đắt nếu không giảm bớt hành động "xâm nhập Nam Việt Nam". Để đảm bảo chắc chắn rằng mỗi giai đoạn mới phải được tính toán để đạt kết quả cụ thể, không được thực hiện một hoạt động mới chừng nào chưa phân tích hoạt động trước đó.

Ngày 16/1, Lầu Năm góc chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Viện trợ quân sự Mỹ ở Sài Gòn (MACV) của tướng Harkins chịu trách nhiệm về các hoạt động bí mật chống phá Bắc Việt Nam.

Ngày 19/1, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và CIA gửi một bức điện chung cho 3 thành phần tương ứng thuộc Phái bộ Mỹ ở Sài Gòn. Washington cũng yêu cầu giao một số hoạt động bí mật cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa trong trường hợp những hoạt động đó không còn là bí mật. Tuy nhiên, không hề có ai phối hợp hoạt động với chính quyền Sài Gòn. Ngày 21/1, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân gửi quy chế chi tiết cho MACV mà cơ quan này phải tuân thủ trong quá trình thực hiện Kế hoạch 34A. JSC cũng đệ trình danh sách các hoạt động để Lầu Năm góc và Nhà Trắng phê chuẩn. Cũng trong ngày 21/1, đại sứ Henry Cabot Lodge cuối cùng đã thông báo cho tướng Dương Văn Minh biết về Kế hoạch 34A. Vị đại sứ tỏ ý hy vọng lãnh đạo Việt Nam cộng hòa sẽ "sớm xem xét, chấp thuận và thực hiện kế hoạch này".

Kế hoạch 34A: “thối” từ trong trứng

Ba ngày sau, MACV chính thức thành lập tổ chức quân sự để thực thi Kế hoạch 34A; tổ chức này có tên Nhóm hoạt động đặc biệt (SOG) và được đặt dưới quyền chỉ huy của đại tá lục quân Clyde R.Russell. Nhiệm vụ của nhóm là "thực hiện các hoạt động tăng cường gồm quấy rối, đánh lạc hướng, gây sức ép về chính trị, bắt giữ tù binh, phá hoại về vật chất, thu thập tin tức tình báo, thực hiện các hoạt động tuyên truyền và phân tán các nguồn lực” nhằm chống lại nước Việt Nam DCCH. Về cơ cấu, SOG gồm 4 tổ: đổ bộ đường không, yểm trợ bằng không quân, hoạt động bí mật trên mặt biển, và hoạt động tâm lí. Trong đó, tổ đổ bộ đường không có số lượng điệp viên đông nhất, tổ hoạt động trên mặt biển có bình phong bề ngoài là các cố vấn hải quân tại Đà Nẵng. Để tiến hành hoạt động, SOG được "thừa hưởng" 169 điệp viên bán quân sự người Việt Nam đang đóng tại cơ sở huấn luyện bí mật tại Long Thành. Về phía Nam Việt Nam, những người tham gia kế hoạch được đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Chỉ huy các lực lượng đặc biệt đứng đầu là đại tá Lam Sơn.

Việc tướng Nguyễn Khánh làm đảo chính lật đổ Dương Văn Minh (28/1/1964) hầu như không gây trở ngại cho Kế hoạch 34A. Ngược lại, nó như chất xúc tác để ngày 1/2 Lầu Năm góc tán thành cho thực hiện giai đoạn 1 của kế hoạch với một danh mục gồm 33 hành động đã được phê duyệt.

Ông Dương Văn Minh trả lời báo chí sau cuộc đảo chính
Ông Dương Văn Minh trả lời báo chí sau cuộc đảo chính

Những hành động đáng kể nhất gồm: chụp ảnh từ trên không; trinh sát bờ biển; ngăn chặn các tuyến đường quốc lộ 7, 8, 12 bằng lực lượng đặc biệt đổ bộ đường không; đánh vào Hải Phòng, Bến Thủy, Đồng Hới bằng các toán SEAL; tập kích các đơn vị pháo phòng thủ bờ biển; phá hoại các cây cầu trên đường 1; tiến công tuyến đường xe lửa Hà Nội - Lạng Sơn bằng các nhóm nhảy dù theo kiểu "đánh và chạy" v.v... Tuy nhiên, phần lớn các điệp vụ đã thất bại, nhiều điệp viên bị lực lượng an ninh miền Bắc bắt sống hoặc tiêu diệt (CIA gọi là "bị thối"). Các phi vụ khác thì như đánh vào không khí vì đối phương đã kịp di chuyển các cơ sở của họ từ trước. Tai hại hơn, tình trạng binh lính đào ngũ khỏi các nhóm SOG ngày càng trở nên phổ biến.

Ngày 1/6 bắt đầu giai đoạn 2 của Kế hoạch 34A, được dự kiến sẽ kéo dài đến 30/9. 22 nhiệm vụ mới được phê duyệt để bù đắp cho phần lớn những nhiệm vụ chưa hoàn thành trong giai đoạn 1. Ngay trong tháng 6, đã thực hiện 3 cuộc tiến công trên biển, 2 hoạt động trên không và tổ chức cho 3 toán điệp viên thâm nhập. Cũng như trong giai đoạn 1, phần lớn các phi vụ đều bị "thối", và kết quả là đại tá Lam Sơn bị  cách chức.

Cũng vào thời gian này, diễn ra những thay đổi về nhân sự từ phía Mỹ: tướng Taylor đến Sài Gòn làm đại sứ thay cho Cabot Lodge; tướng Harkins chuyển quyền chỉ huy MACV cho tướng Wesrmoreland; và đô đốc Sharp được bổ nhiệm làm Tư lệnh Thái Bình Dương thay cho đô đốc Felt.

Ê-kíp mới quyết định gia tăng các hoạt động của Kế hoạch 34A. Ngay trong tháng 7, 11 phi vụ đã được thực hiện. Và phi vụ cuối cùng, với toán gián điệp Boone được thả xuống khu vực phía bắc quốc lộ 7 bên ngoài thị trấn Con Cuông của tỉnh Nghệ An, chính là phi vụ "gối đầu" với Sự kiện vịnh Bắc Bộ: Ngày 29/7, toán này tiếp đất; đêm mồng 1 sang ngày 2/8, trong khi Boone tìm đường ra hàng sau những ngày rệu rạo vì lẩn trốn, thì gần như đồng thời, ở phía vịnh Bắc Bộ, con tàu Maddox tiếp cận bờ biển Bắc Việt Nam để tiến hành quan sát, thu thập tin tình báo và tạo cớ để chính quyền Johnson mở đầu cuộc chiến tranh leo thang ra miền Bắc.

Gần năm mươi lăm năm trôi qua từ ngày xảy ra sự kiện mà nhiều người Mỹ chính trực không muốn nhắc lại, bởi từ đầu đến cuối là một sự bịa đặt được tính toán trước.

Chỉ trong vòng 5 giờ kể từ "vụ việc" liên quan đến con tàu Maddox (và tàu Turner Joy đi kèm), một bức điện đã được phát đi từ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân để chỉ đạo hạm đội 7 tiến hành các cuộc không kích vào các kho dầu và các mục tiêu khác nằm dọc ven biển miền Bắc Việt Nam. Đó là ngày 4/8/1964. Ngày 5/8, máy bay Mỹ tiến công Hòn Gai, Thanh Hóa, Vinh và các bãi neo tàu ở cửa sông Gianh (Quảng Bình).

Sau đó Tổng thống Johnson mới lên truyền hình quốc gia tuyên bố bắt đầu các cuộc không kích để đáp lại cái mà ông ta miêu tả trước Quốc hội và nhân dân Mỹ như là "cuộc tiến công" vô cớ các tàu chiến Mỹ ở hải phận quốc tế trong vịnh Bắc Bộ. Bài phát biểu của Johnson được trình diễn sau các vụ không kích, và sự trái ngược này được giải thích là do "sự ước tính sai sự chênh lệch về thời gian" giữa Hà Nội và Washington.

Hai ngày sau, 7/8, Quốc hội Mỹ thông qua quyết định của Tổng thống, cho phép sử dụng lực lượng quân sự Mỹ để hỗ trợ bất kì thành viên nào của Hiệp ước phòng thủ Đông Nam Á mà Việt Nam Cộng hòa là thành viên. Vụ đầu cơ chính trị này đã giúp Johnson đánh bại ứng cử viên đảng Cộng hòa Barry Golrwater trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 3 tháng sau đó. Quyết định của Quốc hội Mỹ cũng là căn cứ pháp lí cho cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt nam - cuộc chiến mà giờ đây mỗi khi nhắc lại, nước Mỹ còn nổi da gà.