Tất cả những gì biết được về họ hôm nay là kết quả của cuộc tìm kiếm do Ban Việt ngữ của đài phát thanh chúng tôi dầy công tiến hành. Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, nhờ sáng kiến của lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh, những người Việt này khi ấy còn ở lứa tuổi thanh niên đã từ Quảng Đông đến Matxcơva. Chính ở thủ đô của đất nước xô-viết, vào ngày 22 tháng Sáu 1941, họ đã đối mặt với cuộc tấn công của phát xít Đức vào Liên Xô.
Chướng ngại vật trên đường phố
Ngay vào đầu tháng Mười bản thân Matxcơva đã bị đe dọa — bọn phát-xít đã tới rất gần, chỉ cách thủ đô chừng hai chục cây số. Chống lại Matxcơva là lực lượng tập trung hai triệu binh sĩ phát-xít, hơn 14.000 khẩu súng, 2.000 xe tăng, 1.500 máy bay. Hitler cổ vũ quân đội của y với những lời lẽ ngạo mạn như sau: "Toàn bộ các thủ đô châu Âu đã cúi đầu trước chúng ta. Chỉ còn lại một Matxcơva. Hãy cho nó thấy sức mạnh của vũ khí Đức!". Hitler vênh vang hứa rằng vào ngày 07 tháng 11 năm 1941 y sẽ thân chinh duyệt cuộc diễu binh của quân đội Đức trên Quảng trường Đỏ, rồi sau đó sẽ ra lệnh nhấn chìm thành phố, biến nơi đây thành một cái hồ khổng lồ. Khi đó, ở Matxcơva tiếng báo động phòng không vang lên tới 6-7 lần trong mỗi ngày. Vào các buổi tối, giao thông trong đường tàu điện ngầm ngừng lại và tất cả các ga biến thành hầm trú bom khổng lồ có thể chứa đến nửa triệu người. Phòng trường hợp bọn phát-xít đột nhập thành phố, tất cả các cây cầu của Matxcơva đều có gài mìn. Đã chuẩn bị để khi nguy cấp sẵn sàng cho nổ tung cả 700 xí nghiệp ở thủ đô, mà nhiều cơ sở trong số này là nơi chuyên sản xuất vũ khí và đạn dược hoặc là xưởng sửa chữa xe tăng. Từ những người lính cho tới dân thường của Matxcơva đều nhất tề đứng lên kiên quyết bảo vệ thủ đô.
Chiến dịch phòng thủ Moskva
Các sư đoàn tinh nhuệ hơn cả và các kỹ thuật quân sự được điều về Matxcơva. Đến trung tuần tháng 11 trong thành phố và trên các cửa ngõ tiếp giáp đã lập ra 600 km công sự chống bộ binh và chướng ngại vật chống xe tăng, trang bị 3.700 ụ hỏa lực, dựng 37.000 hàng rào "lông nhím" chống tăng. Đã lập ra các đội dân phòng, có hàng trăm nghìn người dân Matxcơva xung phong ghi tên tham gia. Chỉ đến ngày thứ tư của cuộc chiến đã bắt đầu hình thành Lữ đoàn cơ giới đặc biệt, đi vào lịch sử với tên gọi viết tắt là OMSBON. Trong Lữ đoàn này có cả những người Việt Nam khi ấy đang ở Matxcơva cũng tình nguyện gia nhập Hồng quân.
Lữ đoàn được phân công trấn giữ một khu vực bố phòng của thủ đô. Tuyến phía trước của hệ thống phòng thủ này đi qua ngôi làng Khimki thời đó, nay là khu đô thị hiện đại nằm trên nửa đường dẫn tới sân bay quốc tế Sheremetyevo. Tượng đài ghi công những người bảo vệ thủ đô là một công trình bê tông lớn tái hiện "hàng rào lông nhím chống tăng", được lập ra đúng ở chỗ các chiến sĩ OMSBON giữ trận địa bố phòng năm xưa. Hậu phương của khối trận địa bảo vệ tựa lưng vào tường thành của điện Kremlin. Trên địa bàn khối này bao gồm xa lộ cao tốc Leningradskoe Shosse, phố Gorky bây giờ tên là phố Tverskaya và Nhà hát Bolshoi.
Các chiến sĩ đào hào trên tuyến đầu, tạo ra những bãi mìn, lập hàng rào lông nhím chống tăng, xây dựng hầm trú ẩn. Giả như đối phương vượt qua tuyến này xông vào Matxcơva, mỗi ngôi nhà trong khu vực bố phòng đều được chuẩn bị để chống giặc. Những người lính OMSBON trang bị bằng các ổ súng máy phục sẵn trên ban công và gác xép, rào chắn được dựng cả trên các đường phố, đường dây điện thoại được nối dài…
Ngày 6 tháng 11 năm 1941 Đức Quốc xã ném vào Matxcơva 250 máy bay. Các chiến sĩ bảo vệ thủ đô đã không cho bất kỳ phi cơ nào lọt vào bầu trời thành phố. Trong buổi tối cùng ngày, theo thông lệ lâu năm, đã diễn ra các cuộc họp trang trọng dành kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, chỉ không tổ chức ở Nhà hát Bolshoi như trước đây mà là trong tiền sảnh dưới lòng đất của ga tàu điện ngầm "Mayakovskaya". Theo truyền thống, vào sáng 07 tháng 11 thường có diễu hành lễ hội trên Quảng trường Đỏ. Nhưng vào tháng 11 của năm 1941 đầy biến cố, ít ai nghĩ rằng vẫn có duyệt binh, bởi từ Quảng trường Đỏ đến tuyến phòng thủ phía trước chỉ vẻn vẹn 20-25 km.
Thế nhưng, sáng sớm hôm đó ban chỉ huy OMSBON nhận được lệnh ngay lập tức phân công một số đơn vị có sự chuẩn bị tốt nhất để tham gia cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ, rồi sau đó lại trở về vị trí chiến đấu. Ba đại đội của OMSBON được rút khỏi vị trí trực chiến cùng với đầy đủ vũ khí, và đồng loạt với các đơn vị khác, họ đến Quảng trường Đỏ. Đi đều bước trong hàng ngũ của OMSBON có 6 người Việt.
Khác với trình tự diễu hành quân sự những năm trước, cuộc duyệt binh 7 tháng 11 năm 1941 không mở màn bằng chuyến bay của các phi cơ qua thành phố, bởi tất cả lực lượng không quân thủ đô được dành để bảo vệ bầu trời Matxcơva. Và họ đã bảo vệ một cách vững vàng, không một chiếc máy bay địch nào vượt qua được để xâm phạm khoảng không trên thủ đô xô-viết.
Ông Ivan Vinarov Chính ủy OMSBON viết trong hồi ký: "Tôi dõi nhìn khuôn mặt các chiến sĩ đều bước ngang qua… Đó là gương mặt của những con người sẵn sàng lấy thân mình chặn đứng dòng tấn công sắt thép hung hãn của bọn xâm lược. Đó là gương mặt của những con người đã gắn kết với nhau bởi ý chí thống nhất — quyết giành chiến thắng. Đó là các tráng sĩ! Bao nhiêu người đã ngã xuống để bảo vệ Matxcơva, họ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách đầy phẩm giá…".
Ngay sau cuộc duyệt binh, các quân nhân vừa đều bước trên Quảng trường Đỏ lập tức trở về vị trí chiến đấu. Và chẳng bao lâu sau đó, quân đội Liên Xô chuyển sang thế phản công, đánh bật bọn Đức Quốc xã khỏi cửa ngõ Matxcơva. Trong hàng ngũ Hồng quân xông lên kháng địch có cả những chiến sĩ tình nguyện người Việt.
Vào những năm 80, khi Ban Việt ngữ của đài "Tiếng nói nước Nga" bắt đầu thu thập thông tin về các cựu chiến binh người Việt trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, cán bộ trong Ban đã có dịp gặp gỡ với cựu chiến binh OMSBON. Phóng viên Aleksei Lensov nói:
"Một trong những người đối thoại với tôi là Aleksandr Kazitsky, hồi đó là Chủ tịch Hội đồng Cựu chiến binh OMSBON. Ông nhớ lại rằng ông đã nhiều lần gặp gỡ những chiến sĩ người Việt khi đang hành quân hay trên chiến hào nơi tiền tuyến. Ông đã nhìn thấy họ bắn rất trúng đích vào quân thù. Ông tin chắc rằng đó là những con người dũng cảm. Những chiến sĩ người Việt nói tiếng Nga rất thạo và thích hát những bài ca Nga. Aleksandr Kazitsky nhớ rằng các chiến sĩ tình nguyện này đã cùng với các đồng đội Nga chia sẻ mọi khó khăn gian khổ ngoài mặt trận. Đầu năm 42, bốn người trong số các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh một cách anh dũng. Tháng Năm 1985, nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng vĩ đại, bốn chiến sĩ OMSBON người Việt mà danh tính do chúng tôi phát hiện và xác minh đã được Nhà nước Liên Xô truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc. Phần thưởng đã được trao cho thân nhân của họ tại quê hương Việt Nam".
Quá trình tìm hiểu xác minh danh tính của bốn chiến sĩ người Việt này, cũng như số phận của hai người Việt nữa từng chiến đấu trong hàng ngũ Lữ đoàn tình nguyện OMSBON, sẽ là nội dung bài viết kế tiếp của chuyên mục dành riêng kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát-xít Đức.
Theo: QPAN