Kênh truyền hình "Ngôi Sao" đã ghi lại vụ phóng tên lửa ngư lôi này. Tổ hợp được phóng tương tự như một ngư lôi thông thường. Dưới sức ép của khí nén, ngư lôi RPK-6 "Vodopad" lao xuống dưới biển.
Nhưng khác hơn so với các loại ngư lôi khác là sau khi hải hành dưới nước một thời gian, tổ hợp vũ khí phóng lên một tên lửa đạn đạo mang đầu đạn – ngư lôi chống ngầm.
Khi tên lửa bay đến khu vực nghi ngờ có mục tiêu tàu ngầm, đầu đạn tách ra khỏi tên lửa đẩy và lại rơi xuống nước, thực hiện cuộc tìm kiếm và tấn công tàu ngầm như bất cứ ngư lôi chống ngầm nào khác.
Theo trang Bình luận quân sự, tuần dương hạm Peter Đại đế đã sử dụng tổ hợp tên lửa – ngư lôi chống ngầm RPK-6M "Vodopad -Thác nước" (định danh NATO - SS-N-16 Stallion) – tổ hợp tên lửa - ngư lôi chống tàu ngầm, được trang bị cho cả tàu ngầm và chiến hạm mặt nước. Tổ hợp tên lửa – ngư lôi này được sản xuất theo nghị định của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô tháng 12 1969. Nhà phát triển chính là Cơ quan thiết kế OKB Novator (OKB-8).
Tổ hợp tên lửa - ngư lôi này có khả năng tấn công tàu ngầm đối phương trên khoảng cách đến 50 km (theo thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng). Đầu đạn có thể là một vũ khí hạt nhân hoặc ngư lôi chống ngầm nhỏ UMGT-400 mm (thả rơi khỏi tên lửa đẩy bằng dù, tốc độ hải trình 41 hải lý, phạm vi hành trình 8 km, độ sâu chiến đấu đến 500 m).
Khi phóng từ tàu tuần dương dự án 1144, ngư lôi – phương tiện mang lao xuống dưới nước và hải trình một đoạn đường tùy theo thiết kế, sau đó tên lửa phương tiện mang được phóng vào không trung và mang ngư lôi đến khu vực mục tiêu. Sau khi tên lửa đạn đạo bay đến khu vực mục tiêu, ngư lôi chống ngầm loại nhỏ UMGT-1 lại được thả dù rơi xuống nước. Giai đoạn tiếp theo là quá trình ngư lôi chống ngầm tìm kiếm mục tiêu và tấn công tiêu diệt.
Trong tình huống sử dụng đầu đạn hạt nhân, quả đạn sẽ được kích nổ ở độ sâu chiến thuật cần thiết để tiêu diệt các mục tiêu, có thể là tàu ngầm hoặc chiến hạm nổi.