Từ Washington, phát biểu với một nhóm nhà báo Đông Nam Á qua đường video, bà Colin Willett, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề chiến lược và đa phương thuộc vụ Đông Á và Thái Bình Dương bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định rằng trong lúc những nước tranh chấp khác cũng bố trí binh lính và vũ khí ở các tiền đồn của họ trên Biển Đông, các hoạt động đó «không bì kịp» sự tăng cường quân đội của Trung Quốc trong khu vực trong hai năm vừa qua.
Bà Willett khẳng định: «Điều mà Trung Quốc đang làm đã vượt xa những gì mà các nước tranh chấp khác đã làm trong nhiều thập niên. Trung Quốc lập luận là những tiền đồn đó là những công trình dân sự, dùng vào mục tiêu dân sự, điều này không thể được coi là đúng».
Tháng 2 vừa qua, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã báo động rằng các đảo mà Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông, và các công trình xây dựng trên đó đã tạo thành hạ tầng cơ sở cần thiết cho việc «tung lực lượng quân sự xuống Biển Đông», vượt xa nhu cầu phòng thủ của chính các tiền đồn đó.
Trung Quốc luôn khẳng định rằng hoạt động của họ trong khu vực mang tính dân sự, trong đó có việc xây dựng hải đăng, căn cứ tìm kiếm và cứu hộ, những trạm nghiên cứu môi trường…
Tuy nhiên, bà Willett cho rằng công việc bảo vệ thường dân, cứu trợ ngư dân hay theo dõi môi trường, hoàn toàn không cần đến những công trình quy mô như sân bay dài chẳng hạn.
Bà Willett đã ám chỉ đến những đường băng xây cho chiến đấu cơ ở Phú Lâm (Hoàng Sa) và ở Trường Sa khi nhấn mạnh: «Đường băng mà Trung Quốc xây dựng là kiểu để dùng cho máy bay ném bom chiến lược chứ không phải cho máy bay chở hàng cứu trợ nhân đạo hay thiên tai».
Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài La Haye, mà phán quyết sắp được đưa ra, bà Willett cho là Trung Quốc không nên phớt lờ luật pháp, vì làm như thế sẽ có một cuộc đọ sức với các láng giềng.
Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ khẳng định: «Nếu Trung Quốc phớt lờ phán quyết và không thực hiện nghĩa vụ của mình theo luật biển, thì sẽ đi đến đối đầu với các láng giềng. Theo quan điểm của Mỹ, không nên xem phán quyết là một mối đe dọa, mà là một cơ hội cho một giải pháp ngoại giao thực thụ".