E-magazine Muốn mua lại tạp chí Paris Match, ông chủ LVMH có tầm ảnh hưởng thế nào với giới truyền thông?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tập đoàn xa xỉ của tỉ phú người Pháp đang đàm phán để bổ sung tạp chí Paris Match vào các tài sản truyền thông của ông.

7-1895.jpg
Bernard Arnault đã ví việc mua lại phương tiện truyền thông của mình với hoạt động từ thiện (Ảnh: WSJ)

Bernard Arnault, ông chủ của đế chế hàng xa xỉ LVMH, là người có tầm ảnh hưởng to lớn trong lĩnh vực hàng hóa xa xỉ. Giờ đây, vị tỉ phú này còn muốn tăng tầm ảnh hưởng với cả giới truyền thông.

Arnault, một trong những người giàu nhất hành tinh, vốn đã nắm giữ danh hiệu tài chính hàng đầu nước Pháp, một tờ nhật báo và một hãng radio truyền thống, cùng với nhiều khoản đầu tư khác cho truyền thông. Mục tiêu mới nhất của ông chính là Paris Match, một tạp chí Pháp chuyên đưa tin về các chính trị gia và người nổi tiếng.

LVMH gần đây đã tham gia vào các cuộc đàm phán để mua lại tạp chí này với giá 100 triệu euro, khoảng 109 triệu USD, tờ Wall Street Journal dẫn một số nguồn thạo tin cho hay. Thỏa thuận này có thể được hoàn tất trong vài tháng tới.

Một phát ngôn viên của LVMH cũng xác nhận về các cuộc đàm phán với Lagardère, công ty mẹ của tờ tạp chí, nhưng từ chối bình luận sâu hơn. Lagardère lần đầu tiên công khai về các cuộc thảo luận này vào cuối tháng trước.

Việc tăng quyền sở hữu trên các phương tiện truyền thông của Arnault giúp ông gia nhập câu lạc bộ những tỉ phú sở hữu các kênh truyền thông trong những năm gần đây. Jeff Bezos, người sáng lập Amazon.com, đối thủ cạnh tranh với Arnault và Elon Musk để đứng đầu danh sách người giàu nhất thế giới, đã mua tờ Washington Post vào năm 2013. Giám đốc điều hành Salesforce Marc Benioff đã mua tạp chí Time. Và Musk, người đã mua Twitter và biến nó thành X, từng tuyên bố muốn nền tảng truyền thông xã hội thay thế phương tiện truyền thông truyền thống như một phương tiện giao tiếp.

Mặc dù không có thực thể nào trong số các kênh truyền thông trên mang lại lợi nhuận lớn, nhưng tầm ảnh hưởng của chúng lại đóng vai trò quan trọng hơn lợi nhuận.

1-1570.jpg
Paris Match kết hợp việc đưa tin về người nổi tiếng với các bài báo và phóng sự ảnh (Ảnh: Getty)

Alain Minc, người từng tư vấn cho một số giám đốc điều hành và chính trị gia quyền lực nhất của Pháp, cho biết tạp chí và báo chí cũng thường là những tài sản chiến lợi phẩm mang lại cho chủ nhân của chúng “một cách để cảm nhận những rung động của xã hội”.

Việc đấu thầu tạp chí Paris Match, nếu thành công, sẽ chấm dứt sự theo đuổi lâu năm của Arnault đối với tạp chí này.

Được thành lập vào tháng 3/1949, cùng tháng sinh với Arnault, tờ Paris Match ban đầu đăng tải thông tin đáng chú ý cả trong và ngoài nước, cùng với các bài viết chuyên sâu về người nổi tiếng. Mặc dù số lượng phát hành đã suy giảm trong vài thập kỷ - số lượng phát hành trả phí hiện gần 450.000 – nhưng ấn phẩm hàng tuần của họ vẫn được xem là đi đầu trong lĩnh vực báo ảnh và thường được coi như album ảnh của người Pháp.

Xuất hiện trên tạp chí này từ lâu đã được coi như một nghi thức đối với các Thủ tướng và Tổng thống Pháp. Tháng trước, tạp chí Paris Match đã đăng tải một bài phỏng vấn với Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin, làm dấy lên đồn đoán rằng ông có kế hoạch tranh cử để kế nhiệm Tổng thống Emmanuel Macron khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2027.

Paris Match cũng theo dõi cuộc sống của những người giàu có và nổi tiếng. Vào tháng 9/2005, tạp chí này đăng tải một bài viết chuyên sâu dài 22 trang về cuộc hôn nhân của con gái ông Arnault, Delphine, với một người thừa kế giàu có thương hiệu rượu Italy. Đọc bài viết này, độc giả mới biết được rằng các công nhân của xưởng may Dior đã dành 700 giờ để khâu chiếc váy cưới do John Galliano thiết kế và thêm 600 giờ để thêu nó. Nhà thiết kế thời trang Karl Lagerfeld đã chụp một số bức ảnh.

“Paris Match là tổ chức phi đảng phái, nó tìm kiếm sự đồng thuận”, Patrick Eveno, giáo sư danh dự tại Sorbonne, người chuyên về lịch sử truyền thông, cho biết. “Họ tìm cách kể những câu chuyện hay về các chính trị gia về những ngôi sao lớn trong điện ảnh và âm nhạc”.

2-4780.jpg
Một cửa hàng Louis Vuitton ở Paris (Ảnh: WSJ)

Trên khắp châu Âu, nhiều cơ quan truyền thông nằm trong tay các gia đình quyền lực và các tập đoàn công nghiệp. Các tập đoàn này thường phải đối mặt với những lời chỉ trích vì sử dụng công cụ truyền thông trong tay để thúc đẩy mục tiêu cá nhân hoặc gây ảnh hưởng đến các chính trị gia.

Arnault đã bắt đầu mua tài sản truyền thông vào đầu những năm 1990. Ông nói trong một cuộc điều trần của Thượng viện Pháp về quyền sở hữu truyền thông vào năm 2022 rằng việc mua bán của ông “giống hoạt động từ thiện hơn” vì nhiều tựa phim sẽ phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn nếu không có sự đầu tư từ đế chế xa xỉ của ông.

Arnault nói thêm rằng tài sản truyền thông của ông không đáng kể đối với LVMH và ông dành tương đối ít thời gian cho chúng. Ông cho biết tại cuộc điều trần rằng các tài sản đó đã thu về 400 triệu euro - khoảng 438 triệu USD - doanh thu hàng năm trước khi nói thêm rằng "thật không may, khoản lỗ là rất lớn".

Doanh thu thường niên của LVMH – bao gồm các nhãn hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Dior và Hennessy – đã vượt qua con số 86 tỉ euro trong năm ngoái, hơn 90% đến từ bên ngoài nước Pháp.

Theo giới phân tích, lợi ích tiếp thị giữa các nhãn hiệu của LVMH và tài sản truyền thông của Arnault rất hạn chế. Người đứng đầu đơn vị báo chí của LVMH từng nói ông ước rằng các nhãn hiệu của tập đoàn sẽ quảng cáo nhiều hơn trên các ấn phẩm “cây nhà lá vườn” thay vì trên các hãng cạnh tranh.

Theo thời gian, Arnault ngày càng thể hiện rõ mong muốn trong việc mở rộng các tài sản truyền thông của mình. Ví dụ, ông từng công khai tiết lộ về kế hoạch mua lại tạp chí Financial Times vào năm 2015, trước khi tạp chí của Anh được bán cho tập đoàn truyền thông Nikkei của Nhật Bản.

3-3067.jpg
LVMH sở hữu nhật báo tài chính Pháp Les Echos (Ảnh: Getty)

Mối quan hệ giữa Arnault với truyền thông không phải lúc nào cũng êm ả. Với tư cách chủ sở hữu, ông từng đối mặt với một cuộc đình công tại tờ nhật báo tài chính Les Echos vào năm ngoái, do đột ngột sa thải biên tập viên của tờ báo. Tờ báo này đã hoạt động mà không có chủ biên trong khoảng 1 năm sau khi đội ngũ nhân viên bác bỏ một ứng viên mà LVMH đề xuất cho vị trí này.

Là một nhân vật của công chúng, Arnault cũng từng nhiều lần đối diện với những khoảnh khắc không mấy dễ chịu. Năm 2012, người giàu nhất nước Pháp xác nhận rằng ông đang muốn xin quyền công dân Bỉ, động thái diễn ra ngay giữa lúc chính phủ Pháp đang thúc đẩy thuế nhằm vào những người giàu nhất nước. Để đáp trả, tờ báo Libération đã đăng lên trang nhất một bức ảnh ông Arnault đang cười và xách vali, cùng với tiêu đề “Biến đi, gã khốn giàu có”. Arnault sau đó đâm đơn kiện tờ báo, và vụ việc cuối cùng được dàn xếp trước khi tòa xét xử. Sau cùng, Arnault đã phải từ bỏ quyền công dân Bỉ.

Eveno, giáo sư tại Sorbonne, nói rằng Arnault nhìn chung không mấy mặn mà với các tờ báo của mình, đặc biệt khi so sánh với tỉ phú đồng hương Vincent Bolloré, người hiện đang kiểm soát tạp chí Paris Match.

4-9200.jpg
Arnault từng có thời điểm đứng đầu danh sách những người giàu nhất thế giới (Ảnh: Getty)

Bolloré là cổ đông lớn nhất của tập đoàn truyền thông Pháp Vivendi, tập đoàn đã nắm quyền kiểm soát Lagardère vào năm ngoái. Ông có thành tích sử dụng tài sản truyền thông của mình để thúc đẩy các vấn đề chính trị. Tại một trong những kênh tin tức 24 giờ của Vivendi, ông đã tăng thời gian dành cho các cuộc tranh luận về các chủ đề bao gồm nhập cư và tội phạm bạo lực, đồng thời giúp thúc đẩy một người dẫn chương trình trò chuyện của Pháp tham gia tranh cử tổng thống.

Bolloré nói rằng tập đoàn của ông đầu tư vào truyền thông để kiếm tiền chứ không phải vì lý do chính trị hay ý thức hệ.

Một nhà báo kỳ cựu của Paris Match cho biết LVMH về lý thuyết sẽ là chủ sở hữu tốt hơn cho ấn phẩm vì tập đoàn này ít mang tính chính trị hơn và cả hai có mối quan hệ tự nhiên thông qua một số chủ đề mà tạp chí đề cập.

Tuy nhiên, nhà báo nọ cho hay họ hy vọng LVMH – tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới – sẽ duy trì sự cân bằng của tạp chí về các bài đăng chuyên sâu về xã hội và nghệ thuật, và các bài viết về những chủ đề như chiến sự ở Ukraine.

Theo Wall Street Journal