Hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông đang khiến Ấn Độ lo ngại. Ấn Độ cần củng cố lập trường của mình trong vấn đề này để duy trì vị thế trong khu vực có tầm quan trọng lớn về thương mại này.
Tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 14 được tổ chức tại Singapore từ ngày 29-31/5, các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc ở Biển Đông là trung tâm của sự chú ý vì nó cho thấy sự quyết đoán ngày càng tăng và chủ nghĩa đơn phương của Trung Quốc trong vùng biển quốc tế. Những hành động này đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (ký năm 2002) giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN. Tuyên bố này kêu gọi giải quyết vấn đề "tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng biện pháp hòa bình", khuyến khích "tự kiềm chế trong hành động", tránh leo thang căng thẳng.
Các hoạt động của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông thời gian gần đây đã dấy lên mối quan ngại từ các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các hoạt động này chắc chắn tạo ra sự mất cân bằng chiến lược, đe dọa tự do hàng hải và quyền khai thác các tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia có chủ quyền trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mối quan ngại của Ấn Độ về sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông không phải là một ngoại lệ. Mặc dù Ấn Độ không có tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển tranh chấp nhưng Biển Đông giữ một vị trí quan trọng trong bản đồ địa chính trị và lợi ích của Ấn Độ.
Hiện nay, khoảng 92-95% khối lượng hàng hóa thương mại của Ấn Độ đi qua Ấn Độ Dương, trong đó khoảng 55% đi qua eo biển Malacca. Trong một nỗ lực để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, Ấn Độ đã đa dạng hóa chuỗi cung cấp năng lượng với khoảng 70% lượng dầu nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển. Điều này lý giải tại sao Ấn Độ quan tâm đến lợi ích của mình tại Biển Đông – một tuyến vận tải biển chiến lược.
Ấn Độ cũng đang dính líu vào các hoạt động tạo ra các xung đột lợi ích với Bắc Kinh. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ ONGC Videsh đã tham gia thăm dò dầu khí ở các khu vực ngoài khơi của Việt Nam, nhưng Trung Quốc lại cho rằng các vị trí này thuộc Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Bắc Kinh. Điều này đã tạo ra căng thẳng trong quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc, khi Bắc Kinh cảnh báo New Delhi rằng "bất cứ hoạt động thăm dò dầu khí nào (ở Biển Đông) trước hết phải được sự chấp thuận của Trung Quốc”.
Với lợi ích chiến lược rõ ràng ở Biển Đông, Ấn Độ ngày càng thể hiện rõ quan điểm và vai trò của mình trong giải quyết các tranh chấp. Quan điểm của Ấn Độ được thể hiện rõ qua việc New Delhi ủng hộ "tự do hàng hải" và cho rằng "tất cả các quốc gia trong khu vực phải tuân thủ Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOS) trong giải quyết tranh chấp. Theo UNCLOS, Biển Đông là tuyến đường biển chung cho tất cả các quốc gia sử dụng. Do đó, bất kỳ sự hạn chế nào đều gây mối quan ngại cho Ấn Độ. Không quá ngạc nhiên, quan điểm của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế đã đi ngược lại lợi ích của Bắc Kinh và tạo ra thêm sự bất đồng giữa hai nước.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. |
Ấn Độ luôn kiên định quan điểm trong vấn đề Biển Đông. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ tám (năm 2013), Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nói rằng "một môi trường biển ổn định là cần thiết để thực hiện các nguyện vọng chung của khu vực". Chính sách đối với Biển Đông dưới thời Thủ tướng Narendra Modi hiện nay là sự tiếp nối các quan điểm vững chắc của các chính phủ tiền nhiệm ở Ấn Độ. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ chín tại Myanmar (tháng 10/2014), Thủ tướng Narendra Modi đã kêu gọi "nỗ lực để ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trên cơ sở đồng thuận". Tuyên bố chung Ấn - Mỹ được đưa ra trong chuyến thăm New Delhi của Tổng thống Mỹ Barack Obama (tháng 1/2015) cũng đã bày tỏ sự quan ngại về tình hình gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và "khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do và an ninh hàng hải, hàng không trong khu vực, nhất là ở Biển Đông".
Ấn Độ và Mỹ đã đi một bước xa hơn khi hai bên ký kết “Tầm nhìn chiến lược chung Ấn –Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”, tái khẳng định vị trí của cả hai nước. Sự ổn định ở Biển Đông là một phần quan trọng trong chính sách “hướng Đông” của Thủ tướng Narendra Modi nhằm tăng cường sự kết nối giữa Ấn Độ và các quốc gia trong khu vực và cũng được cho là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – được xem là “sân sau” của Ấn Độ.
Với các mục tiêu kinh tế và an ninh ở Biển Đông, Ấn Độ phải hành động để bảo vệ các lợi ích của mình. Điều này đòi hỏi Ấn Độ phải thúc đẩy hơn nữa quan hệ ngoại giao và an ninh với các quốc gia ven biển ở khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Singapore, Indonesia và Philippines. Ngoài ra, Ấn Độ cũng cần tăng cường quan hệ chiến lược và quốc phòng với Mỹ, Nhật Bản và Australia để đối phó với các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.