Sau khi chính quyền Trump đưa Huawei vào danh sách đen thương mại do lo ngại Huawei gây rủi ro an ninh quốc gia, công ty Trung Quốc đã lần lượt phải chia tay với các đối tác chiến lược tại Mỹ như Google, Qualcomm, Intel v.v.
Ngày 22/4, ARM Holding đã xác nhận dừng mọi hợp tác với Huawei. Theo bản ghi chú nội bộ mới được BBC công bố, ARM đã thông báo cho tất cả nhân viên tại 40 chi nhánh trên toàn cầu (bao gồm 8 chi nhánh tại Mỹ) về quyết định “chấm dứt toàn bộ hợp đồng đang thực hiện, các quyền lợi hỗ trợ và bất kỳ cam kết nào đang chờ xử lý” với Huawei.
Bên cạnh đó, nhà thiết kế vi xử lý cũng nhấn mạnh công ty không được hỗ trợ, chuyển giao công nghệ (phần mềm, mã nguồn và bản cập nhật) hay thao gia ác cuộc thảo luận với Huawei. Lý do bởi các sản phẩm có “nguồn gốc Mỹ” nên ARM chịu ảnh hưởng lệnh cấm như Google và các công ty khác của Mỹ.
Thiếu ARM, Huawei khó sống
ARM Holding có trụ sở tại Cambridge (Anh), được Softbank của Nhật mua lại vào năm 2016. Mặc dù không trực tiếp sản xuất vi xử lý, nhưng ARM vẫn đóng vai trò huyết mạch trên thị trường smartphone, thiết kế kiến trúc trên con chip và cấp bản quyền cho Qualcomm, MediaTek, Apple, Samsung và Huawei.
Nhờ kiến trúc và hướng dẫn của ARM, các nhà sản xuất có thể tạo ra con CPU và GPU riêng, cung cấp sức mạnh cho thiết bị di động và gần đây là máy chủ trong các trung tâm dữ liệu. Ví dụ, Qualcomm sản xuất phần lớn chip Snapdragon với lõi CPU Kyro dựa trên kiến trúc ARM.
Hơn nữa, những công ty sản xuất smartphone cũng tự tùy biến con chip, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào nhà cung cấp như Qualcomm. Trong đó, Huawei được biết là một trong những đối tác lâu năm của ARM, khi bộ phận sản xuất vi xử lý di động – HISilicon đã sản xuất chip trên kiến trúc ARM từ năm 2012.
Các chuyên gia nhận định HiSilicon với khả năng tự sản xuất chip Kirin (dựa trên kiến trúc ARM), sẽ là điểm tựa để Huawei vượt qua lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, mất quyền truy cập kho thiết kế độc quyền của ARM khiến bộ phận này không thể chế tạo con chip mới dành cho điện thoại thông minh.
Vi xử lý Kirin được HiSilicon sản xuất trên kiến trúc của ARM. Ảnh: Engadget
|
Khi Google cắt đứt với Huawei, công ty Trung Quốc có thể sẽ tạo ra phiên bản Android biến thể và thuyết phục các nhà phát triển điều chỉnh ứng dụng cho thiết bị. Mặc dù người dùng thiết bị Huawei sẽ phải sống thiếu hệ sinh thái dịch vụ của Google, nhưng vấn đề vẫn có cách giải quyết, đặc biệt tại Trung Quốc đã có sẵn nhiều lựa chọn thay thế.
Tuy nhiên, ngay cả phiên bản Android mã nguồn mở cũng chạy trên thiết bị hoạt động nhờ con chip do ARM thiết kế. Thực tế, Android hoạt động với thiết bị dùng bộ vi xử lý trên kiến trúc x86 do Intel hay AMD sản xuất, nhưng các công ty này có trụ sở tại Mỹ và đã cắt đứt quan hệ với Huawei.
Một khả năng là Huawei có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của một nhà sản xuất chip khác bên ngoài nước Mỹ như Samsung hay Mediatek. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra vì ARM có thể bị chính phủ Mỹ tác động, buộc phải cảnh báo các đối tác để đảm bảo lệnh cấm được thực thi.
Khi không còn được phép tiếp cận với các thiết kế ARM thì “phương án B” của Huawei đang đứng trước nguy cơ đổ bể. Huawei và HiSilicon sẽ phải bắt tay nghiên cứu kiến trúc và tự thiết kế con chip mới. Quá trình này có thể mất nhiều năm, khiến Huawei không thể tiếp tục sử dụng phiên bản biến thể của hệ điều hành phổ biến nhất thế giới dành cho thiết bị di động.
Nhà phân tích Eric Hanselman (451 Research) nói: “Tất cả lựa chọn còn lại [đối với Huawei] đều rất khó khăn. Về cơ bản, công ty Trung Quốc sẽ phải tự phát triển không chỉ linh kiện bán dẫn, mà cả hệ sinh thái phần mềm. Điều đó không hề đơn giản”.
May mắn cho Huawei, HiSilicon vẫn được sử dụng kiến trúc hiện đã cấp phép để tiếp tục sản xuất. Trong đó, bộ vi xử lý di động cao cấp Kirin 980 giới thiệu năm ngoái sẽ được xuất xưởng vào tháng 6.
Quyết định ngừng hợp tác tạm thời chưa ảnh hưởng tới Huawei, nhưng trong tương lai công ty Trung Quốc sẽ phải đầu tư rất nhiều để tự thiết kế và sản xuất chip mới. Ảnh: Digitimes
|
Trong tương lai, nếu các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc không đi tới kết quả thuận lợi và lệnh cấm của Washington vẫn giữ vững thì cả nghiệp vụ sản xuất thiết bị di động (đóng góp 45% doanh thu Huawei năm 2018) có thể bị tê liệt.
BBC cho biết con chip sắp ra mắt Kirin 985 hiện đang mắc kẹt trên bàn thiết kế kể từ 22/5/2019. Để đưa vào sản xuất hàng loạt, Huawei sẽ phải trải qua quá trình tự thiết kế lõi dài, tốn kém và chưa rõ người tiêu dùng sẽ kiên nhẫn chờ đợi tới đâu.
Nhà sáng lập Moor Insights & Strategy, Patrick Moorhead nhận định rằng thiệt hại của Huawei đã vượt xa khỏi nghiệp vụ sản xuất điện thoại thông minh. “Tất cả hoạt động dựa trên thiết kế được ARM cấp phép đều sẽ bị ảnh hưởng”, ông Moorhead nói. “Từ vi xử lý nhúng trong thiết bị giám sát tới vi xử lý máy chủ”.
“Nếu đó là tính năng của con chip hay kiến trúc mở rộng thì giải pháp có thể đơn giản hơn. Huawei chỉ phải thiết kế lại công nghệ đó”, Nhà phân tích Eric Hanselman (451 Research) nhận định. “Nhưng nếu đó tình cờ là mã nguồn quan trọng thì sẽ khó khăn hơn nhiều”.
Trong tuyên bố, ARM Holding cho biết bước đi này của công ty tuân thủ các quy định mới nhất của chính phủ Mỹ. “ARM đánh giá cao mối quan hệ với đối tác lâu năm HiSilicon và chúng tôi hy vọng vấn đề sớm được giải quyết”, phát ngôn viên của ARM nói.
Theo chiều ngược lại, Huawei tuyên bố đánh giá cao mối quan hệ với tất cả đối tác trên toàn cầu. Công ty Trung Quốc sẽ ưu tiên “tiếp tục cung cấp sản phẩm cao cấp cho khách hàng” và “đang nỗ lực để tìm ra giải pháp tốt nhất”.
Những diễn biến khác Cùng trong ngày hôm nay, hàng loạt tin dữ dồn dập đến với Huawei, trong bối cảnh công ty Trung Quốc đang ở giữa vòng bao vây của lệnh cấm từ Mỹ.
|