Hợp tác khai thác chung dầu khí trên Biển Đông: Trung Quốc sốt sắng, Philippines thờ ơ

VietTimes -- Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang tiến hành chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 5 sau khi trở thành tổng thống năm 2016. Tối ngày 29 tháng 8, ông Duterte đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sau đó Trung Quốc và Philippines đã ký một số thỏa thuận hợp tác, trong đó, việc hai bên tuyên bố thành lập Ủy ban chỉ đạo liên chính phủ về hợp tác dầu khí và kết quả của nhóm làm việc chung giữa các công ty đã nhận được sự quan tâm lớn.
Tuy trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Duterte, hai nước đã ký thỏa thuận thành lập Ủy ban liên chính phủ và nhóm công tác về hợp tác khai thác chung dầu khí ở Biển Đông nhưng việc thực hiện có vẻ xa vời. (Ảnh: Reuters)
Tuy trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Duterte, hai nước đã ký thỏa thuận thành lập Ủy ban liên chính phủ và nhóm công tác về hợp tác khai thác chung dầu khí ở Biển Đông nhưng việc thực hiện có vẻ xa vời. (Ảnh: Reuters)

Tháng 11 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Philippines, trong chuyến đi đó, hai bên đã ký một bản ghi nhớ về hợp tác khai thác tài nguyên dầu mỏ và khí đốt ở khu vực Biển Đông phía tây Philippines. Việc thành lập ban chỉ đạo chung liên chính phủ và nhóm làm việc chung của các công ty được coi là một bước tiến trong việc 2 nước khai thác chung nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông.

Việc hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines là một trong những chủ đề mà hai nước đã thực hiện trong những năm gần đây. Tổng thống Duterte năm ngoái thậm chí mấy lần tiết lộ yêu cầu chi tiết đối với việc hợp tác song phương; ví dụ đối tượng hợp tác chỉ là công ty Trung Quốc chứ không phải chính phủ và tỷ lệ ăn chia lợi nhuận phải là 6:4, tức 60% cho Philippines và 40% cho người Trung Quốc...

Tất cả những điều này làm cho việc “cùng nhau khai thác” của Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông dường như đã ở trong tầm tay. Các tổ chức nghiên cứu trong nước Trung Quốc thậm chí còn nói rằng năm 2019 là “năm cơ hội” để Trung Quốc và Philippines cùng khai thác dầu khí. Nhưng tình hình thực tế có vẻ cách xa điều này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ ông Duterte tại Nhà khách Điếu Ngư Đài hôm 29/8. Ảnh: Tân Hoa xã
 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ ông Duterte tại Nhà khách Điếu Ngư Đài hôm 29/8. Ảnh: Tân Hoa xã

Trước hết, nguyên nhân đầu tiên là trở ngại của luật pháp trong nước Philippines

Hiến pháp Philippines có những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên; yêu cầu việc này phải được thực hiện dưới sự kiểm soát và giám sát toàn diện của nhà nước. Quy định “Nhà nước có thể trực tiếp thực hiện các hoạt động trên hoặc có thể ký hợp đồng cùng sản xuất, liên doanh hoặc thỏa thuận phân chia sản lượng với công dân Philippines hoặc với công ty do công dân Philippines kiểm soát 60% số vốn trở lên”. Hiến pháp cũng có những quy định nghiêm ngặt đối với các công ty hoặc tổ chức này.

Ngoài ra, năm 2006 Philippines còn có thêm quy định hành chính của chính phủ yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Philippines chia lô đấu thầu và cấm mọi thỏa thuận chuyển nhượng của cơ quan chính phủ, bao gồm cả hợp đồng thăm dò. Sự thay đổi này đã khiến các doanh nghiệp nhà nước Philippines bị hạn chế trong việc hợp tác với các đối tác nước ngoài. Mặc dù ông Duterte mong muốn thay đổi những quy định này, nhưng không dễ để sửa lại luật.

Thứ hai, hiện trạng quan hệ Trung Quốc - Philippines vẫn đang trong giai đoạn biến đổi mạnh mẽ và những trở ngại chính trị đối với việc khai thác chung là không nhỏ

Ông Duterte kể từ khi nhậm chức đã đến thăm Trung Quốc 5 lần, tỏ rõ rất coi trọng quan hệ với Trung Quốc so với chính phủ trước đây và có thái độ thực dụng và ôn hòa hơn nhiều trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, cuộc đối đầu nguy hiểm do vụ kiện trọng tài Biển Đông thực sự đã xảy ra cách đây 3 năm; cho dù việc biến chuyển quan hệ Trung Quốc - Philippines diễn ra nhanh chóng, nhưng rất khó để bù đắp thiệt hại gây ra vào thời điểm đó.

Từ cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino tích cực đối kháng Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đến việc thay đổi mạnh mẽ thái độ đối với Trung Quốc của ông Duterte, những tiếng nói phản đối của phe đối lập trong nước Philippines không lúc nào ngưng. Phó tổng thống và quân đội Philippines luôn là tiếng nói mạnh mẽ trong nội bộ chính phủ phản đối chính sách “thân Trung Quốc”. Ngay trước chuyến thăm của ông Duterte tới Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã nói ông lo lắng rằng Bắc Kinh sẽ lợi dụng trung tâm cá cược Philippines (ở gần trụ sở chỉ huy quân đội) để hoạt động gián điệp và đã diễn ra trận khẩu chiến giữa ông với phía Trung Quốc.

Ở trong nước Philippines, chính sách "thân Trung" của ông Duterte bị phản đối mạnh mẽ. Ảnh: Đa Chiều
Ở trong nước Philippines, chính sách "thân Trung" của ông Duterte bị phản đối mạnh mẽ. Ảnh: Đa Chiều

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ người dân Philippines ủng hộ ông Duterte cầm quyền là 80% hoặc cao hơn; nhưng hầu hết người Philippines bày tỏ họ không tin tưởng vào Trung Quốc; 71% tin rằng vấn đề Biển Đông nên được chính phủ mở rộng, kêu gọi sự chú ý của quốc tế. Có thể thấy rằng đường lối “thân Trung” của ông Duterte dựa vào mức độ được hoan nghênh và uy quyền của chính phủ. Tuy nhiên, trong nước Philippines dù là giới chính trị, quân sự hay dân chúng đều thiếu cơ sở để thay đổi hoàn toàn quan hệ Trung Quốc - Philippines. Hiện tượng mất niềm tin đối với Trung Quốc vẫn tồn tại.

Thứ ba, từ yêu cầu của hai nước mà xét, thăm dò chung ở Biển Đông không phải là chuyện ưu tiên trong giai đoạn này

Theo văn bản chính thức của Trung Quốc, khi ông Tập Cận Bình gặp gỡ ông Duterte ngày 29 tháng 8, đã bày tỏ hai bên có thể “đi những bước mạnh hơn” trong hợp tác khai thác chung dầu khí trên biển. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc và Philippines nên “tập trung tinh lực vào hợp tác, làm những việc thiết thực và tìm kiếm sự phát triển”, nhưng việc hợp tác khai thác chung Biển Đông có thể không phải là khía cạnh cấp bách nhất trong hợp tác và phát triển của ông Duterte.

Sau khi đắc cử tổng thống, ông Duterte đã đến thăm Trung Quốc hàng năm. Năm nay ông đến thăm Trung Quốc hai lần, thương mại giữa hai nước đã tăng nhanh. Đầu tư của Trung Quốc vào Philippines trong những năm gần đây đã tăng hàng trăm lần so với trước kia. Tuy nhiên, điều đó không đủ đối với chính phủ của ông Duterte.

Một trong những lý do chính khiến chính sách “thân Trung” của ông Duterte bị chỉ trích ở Philippines là tháng 10 năm 2016 ông đến thăm Trung Quốc và ký một hiệp định viện trợ trị giá 24 tỷ đô la với Trung Quốc. Thế nhưng, chỉ có một phần rất nhỏ hiệp định này được thực hiện. Trung Quốc cam kết đầu tư vào các dự án đường sắt, cầu cảng, năng lượng và khai mỏ của Philippines, nhưng lại không có thời gian biểu.

Theo ông Ernesto Pernia Cục trưởng Quy hoạch Kinh tế Philippines, trong hai năm qua, Philippines chỉ ký được với Trung Quốc hợp đồng vay 73 triệu USD để cấp vốn cho một dự án thủy lợi ở phía bắc Manila và một thỏa thuận Trung Quốc cho vay 75 triệu USD để xây dựng hai cây cầu ở Manila.

Theo báo chí Philippines, các dự án khác ở Philippines, chẳng hạn như nhà máy thủy điện trị giá 1 tỷ USD do Tập đoàn Điện lực Trung Quốc xây dựng ở khu vực Mindanao; Nhà máy Thép không gỉ trị giá 700 triệu USD do Tập đoàn kim loại màu Trung Quốc xây dựng đều bị gác lại với những lý do khác nhau.

Đối với Tổng thống Duterte, việc để cho cử tri Philippines thấy những lợi ích thực sự của đường lối “thân Trung Quốc” có thể là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Còn vấn đề khai thác chung dầu khí ở Biển Đông không chỉ tồn tại trở ngại pháp lý và khó khăn về kỹ thuật, mà còn cực kỳ nhạy cảm về chính trị. Đây tuyệt đối không phải là ưu tiên hàng đầu của ông.

Vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines đã gây nên làn sóng chống Trung Quốc tại Philippines. Ảnh: AP
Vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines đã gây nên làn sóng chống Trung Quốc tại Philippines. Ảnh: AP

Thứ tư, từ việc giải quyết vấn đề Biển Đông, hoạt động thăm dò chung Trung - Phi có rất ít trọng lượng trong toàn bộ tiến trình

Tuy Trung Quốc coi trọng khía cạnh thực tiễn của hợp tác Trung - Phi, nhưng hợp tác thăm dò dầu khí chỉ là phần rất nhỏ trong toàn bộ việc làm dịu tình hình và hợp tác ở Biển Đông. Vấn đề ngày càng cấp bách hơn và có ý nghĩa lịch sử hơn là xây dựng cơ chế ổn định Biển Đông.

Ông Tập Cận Bình đã nói với ông Duterte rằng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là một công việc tiên phong cho việc lập ra luật lệ Biển Đông. Cả hai bên nên nỗ lực để thúc đẩy đạt được bộ quy tắc vào năm 2021 hoặc sớm hơn.

Tuyên bố về “công việc tiên phong của việc lập ra luật lệ” là sự nhấn mạnh về địa vị và ý nghĩa lịch sử của COC. Trước khi hoàn thành việc xây dựng hệ thống luật lệ, Trung Quốc và Philippines rất khó có thể hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông.

Vấn đề tranh chấp lãnh thổ Biển Đông liên quan đến tranh chấp chủ quyền, không phải dễ dàng để đạt được sự yên ổn ngày hôm nay, tuy hai bên nhất trí đẩy nhanh hợp tác trong thăm dò tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, nhưng cũng đều không muốn vì thế mà làm phát sinh những điểm mâu thuẫn mới. Việc thành lập các ủy ban liên chính phủ và các nhóm làm việc về tài nguyên dầu khí có lẽ chỉ là là một ý định và một cử chỉ, dự kiến sẽ mất rất nhiều thời gian để bàn luận và ráp nối.

(Theo Đa Chiều)