Asia Times: Mỹ và đồng minh thiệt hại hơn 100 tỉ USD khi cấm vận Huawei

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các lệnh cấm đối với thiết bị viễn thông của Huawei khiến Mỹ và các đồng minh thiệt hại hơn 100 tỉ USD, theo ước tính của Asia Times.

Ảnh: Asian Times
Ảnh: Asian Times

Theo Asia Times, tính toán của các nhà khai thác mạng viễn thông, chuyên gia tư vấn trong ngành, nhà kinh tế và chính phủ chỉ ra rằng việc thay thế thiết bị Huawei đã được lắp đặt có thể khiến Mỹ và các đồng minh của họ phải trả hơn 100 tỉ USD; rằng tác động kinh tế tiêu cực của việc triển khai dịch vụ 5G chậm hơn có thể lớn hơn gấp hai hoặc ba lần; và các đối thủ cạnh tranh của Huawei có thể nâng tổng chi phí triển khai 5G lên mức cao hơn nhiều lần.

Tuy nhiên,những người muốn loại bỏ thiết bị Huawei khỏi cuộc chơi lại khẳng định rằng không có cái giá nào là quá cao đối với an ninh quốc gia.

Những thiệt hại tiềm tàng là đáng kinh ngạc:

- Vào năm 2019, khi Mỹ lần đầu tiên đưa Huawei vào danh sách đen, Hiệp hội Viễn thông di động Toàn cầu (GSMA) ước tính rằng việc cấm thiết bị viễn thông Trung Quốc sẽ trì hoãn việc triển khai mạng 5G ở châu Âu khoảng 18 tháng và tăng chi phí khoảng 55 tỉ euro.

- Cùng năm đó, một báo cáo dựa trên dữ liệu của chính phủ và thông tin đầu vào từ các nhà khai thác viễn thông di động đã kết luận rằng việc cấm Huawei khỏi chuỗi cung ứng của Vương quốc Anh có thể trì hoãn 5G từ 18 đến 24 tháng và khiến nền kinh tế Anh thiệt hại tới 6,8 tỉ bảng Anh.

- Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Oxford bao gồm Australia, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh và Mỹ đã kết luận rằng việc loại trừ Huawei có thể làm tăng chi phí đầu tư 5G lên 16-19% và dẫn đến giảm GDP 105,5 tỉ USD trong khu vực.

- Vào năm 2022, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ đã nói với Quốc hội rằng chỉ riêng việc loại bỏ tất cả các thiết bị của Huawei và ZTE ở Mỹ sẽ tiêu tốn khoảng 5 tỉ USD. Ước tính trung bình của Viện Oxford về tác động dài hạn đối với GDP của Mỹ là 35,8 tỉ USD.

- Vào tháng 3 năm 2023, một báo cáo trên tạp chí ngành viễn thông Light Reading của Đức chỉ ra rằng Deutsche Telekom có thể tiêu tốn hơn 6 tỉ USD để loại bỏ tất cả thiết bị Huawei và quá trình này có thể mất tới 5 năm. Trong số 134.000 ăng-ten 5G ở Đức, khoảng 80.000 được cho là do Huawei cung cấp.

Những ước tính này không bao gồm doanh thu chip bán dẫn và các sản phẩm khác bị hạn chế đối với Huawei, với số tiền lên tới hàng chục tỉ USD.

Giá thiết bị viễn thông của Huawei được cho là thường thấp hơn 20-30% so với các đối thủ cạnh tranh. Chúng không phải lúc nào cũng thấp hơn, nhưng chúng đủ thấp để giúp Huawei chiếm thị phần cao ở châu Âu, quê hương của các đối thủ cạnh tranh Nokia và Ericsson.

Tất nhiên, giá cả không phải là yếu tố duy nhất liên quan đến các nhà mạng viễn thông: Thành công của Huawei cũng dựa trên chất lượng tốt và đôi khi chúng còn vượt trội.

Hãng tư vấn viễn thông Strand Consult (Đan Mạch) ước tính các thiết bị Trung Quốc, trong đó phần lớn là Huawei và một phần của ZTE, chiếm 100% trong quá trình triển khai 5G ở Cộng hòa Síp. Con số này ở Na Uy là 72%.

Mối lo ngại an ninh quốc gia

John Strand, một chuyên gia trong ngành viễn thông, cảnh báo: "Phụ thuộc vào mạng lưới viễn thông Trung Quốc nguy hiểm hơn nhiều so với phụ thuộc nguồn khí đốt Nga. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là nền tảng cơ bản của xã hội".

Vào tháng 2 năm 2020, Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump lúc bấy giờ cho biết: “Chúng tôi có bằng chứng cho thấy Huawei có khả năng bí mật truy cập các thông tin nhạy cảm".

Bằng chứng này đã được cung cấp cho Vương quốc Anh, Đức và các đồng minh khác của Mỹ.

Trước đó, vào tháng 5 năm 2019, The Sydney Morning Herald đưa tin rằng các đặc vụ của Ban Tín hiệu Úc (ASD) - cơ quan nghe lén tuyệt mật của quốc gia, đã đặt ra câu hỏi: Với tất cả các công cụ tấn công mạng có sẵn, kẻ tấn công có thể gây ra tác hại gì với quyền truy cập vào thiết bị được cài đặt trong mạng 5G của một quốc gia mục tiêu?

ASD nhận thấy rằng “tiềm năng tấn công của 5G lớn đến mức nếu Úc hứng chịu các cuộc tấn công như vậy, thì quốc gia này có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Vấn đề chính không phải là nghe lén các cuộc gọi điện hay email, mà thay vào đó là vô hiệu hóa nguồn nước, điện và các cơ sở hạ tầng khác. Sáu tháng sau, chính phủ Úc đã loại Huawei khỏi việc triển khai 5G.

Khi được hỏi liệu ông có thấy bất kỳ bằng chứng chắc chắn nào về việc Huawei sử dụng thiết bị 5G của mình cho mục đích gián điệp hay không, Evan Anderson, Giám đốc điều hành của dịch vụ thông tin INVNT/IP (Inventing Nations vs. Nation-Sponsored Theft of IP), nói với Asia Times qua email:

“Mặc dù tôi không biết về trường hợp nào trong đó Huawei bị bắt quả tang trực tiếp giám sát công dân nước ngoài một cách trắng trợn, nhưng họ vẫn có động cơ, năng lực và sự hỗ trợ của chính phủ để làm như vậy. Như với bất kỳ công ty nào ở Trung Quốc, theo luật, họ không thể nói không với chính phủ".

Có thể chưa có bất kỳ bằng chứng chắc chắn nào được công bố rộng rãi, nhưng các mối lo ngại về an ninh quốc gia tập trung vào việc ngăn chặn trước các mối đe dọa tiềm tàng.

Trung Quốc cũng có thể bị tấn công mạng 5G?

Lỗ hổng mạng 5G là một con đường hai chiều. Bài báo của Sydney Morning Herald cho biết, “Chắc chắn, Trung Quốc cũng sẽ dễ bị tấn công từ Mỹ và các đồng minh của họ”.

Vào năm 2014, theo báo cáo của The New York Times, các tài liệu do cựu điệp viên Edward Snowden cung cấp đã tiết lộ rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã tấn công các máy chủ của Huawei để tiến hành hoạt động gián điệp của riêng mình.

Mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes (Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand) đang mất hoặc đã mất độc quyền trước đây về gián điệp viễn thông và rõ ràng là họ không thích điều đó.

Lập luận kinh tế để tiếp tục sử dụng thiết bị Huawei và lập luận an ninh quốc gia chống lại nó là không thể có tiếng nói chung. Nhưng thiết bị viễn thông vừa là cơ sở hạ tầng quan trọng vừa là chìa khóa cho sự phát triển của một nền kinh tế tiên tiến.

Tất nhiên, đó là lý do tại sao Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã dành nhiều thập kỷ nỗ lực và hàng đống vốn để phát triển công nghệ viễn thông hạng nhất của riêng họ.

Cả ba quốc gia đã loại bỏ sự phụ thuộc quá mức vào các nhà cung cấp nước ngoài và tạo ra tài sản trí tuệ và chuỗi cung ứng trong nước với lợi nhuận vượt xa chi phí phát triển ban đầu.

Theo Asia Times