Giáo sư Terry Buss nhận định cùng VietTimes: Năm 2020 – Một năm chưa từng có trong lịch sử thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – 2020 là một năm thế giới đầy biến động, mà phần lớn các sự kiện chủ yếu xoay quanh đại dịch Covid-19, Giáo sư Terry F. Buss, Học viện Hành chính Quốc gia Hoa Kỳ, đã đưa ra nhận định riêng với VietTimes.
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng phòng chống Covid-19 tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc (Ảnh: AP)
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng phòng chống Covid-19 tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc (Ảnh: AP)

Có lẽ đụng đến vấn đề gì cũng đều thấy sự có mặt của con virus Corona ở đó. Tuy nhiên, thế giới còn chứng kiến nhiều sự kiện khác nữa. Cũng không có gì lạ khi Tổng thống Donald Trump dường như luôn đóng một vai trò rất lớn trong nhiều sự kiện chính.

Đại dịch Covid-19

Tổ chức Y tế Thế giới công bố sự xuất hiện của một loại virus mới – Virus Corona, được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc. Ngày 23/1, Trung Quốc phong toả thành phố Vũ Hán, cô lập 11 triệu dân. Trung Quốc đã thoát khỏi đại dịch trong tình trạng tương đối lành lặn.

Trong những ngày đầu của đại dịch, chính phủ và người dân Việt Nam đã phối hợp tốt để ngăn chặn sự xâm nhập của virus. Không một quốc gia nào khác có thể làm được như vậy.

Tổng thống Donald Trump khởi động chiến dịch Warp Speed, phát triển, thử nghiệm và phê duyệt 300 triệu liều vắc xin trong vòng chưa đầy một năm. Ảnh: Reuters

Tổng thống Donald Trump khởi động chiến dịch Warp Speed, phát triển, thử nghiệm và phê duyệt 300 triệu liều vắc xin trong vòng chưa đầy một năm. Ảnh: Reuters

Ngày 15/5, Tổng thống Donald Trump khởi động Chiến dịch Warp Speed, mang đến một kỷ lục trong phát triển, thử nghiệm và phê duyệt 300 triệu liều vắc xin trong vòng chưa đầy một năm. Hàng triệu sinh mạng người dân sẽ được cứu.

Ngày 9/3, Phố Wall chứng kiến thị trường chứng khoán giảm điểm xuống mức tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Ngày 24/11, Phố Wall tăng trở lại, đạt mức điểm cao nhất trong lịch sử từ ​​trước đến nay.

Các nhà phân tích cho rằng đây chính là sức mạnh của nền kinh tế Mỹ ngay cả trong thời kỳ đại dịch khi nền kinh tế phải đóng cửa.

Trung Quốc tự khẳng định mình cả trong nước và trên trường quốc tế

Trung Quốc tăng cường nỗ lực nhằm lật đổ vị trí bá chủ toàn cầu của Mỹ, thay đổi nền chính trị thế giới.

Vào mùa hè, Trung Quốc điều động quân đội xâm lược vùng biên giới tranh chấp ở khu vực Himalaya thuộc về Ấn Độ. Pakistan tham gia hỗ trợ Trung Quốc. Ấn Độ trả đũa bằng cách chặn các công ty lớn của Trung Quốc là Huawei và TikToc, cùng các công ty công nghệ thông tin khác đang làm ăn tại Ấn Độ.

Ấn Độ tham gia vào Tứ giác Kim cương (Quad), một liên minh của Mỹ, Nhật Bản và Australia, nhằm ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.

Toàn cảnh đảo đá nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, biểu tượng cho tham vọng của Bắc Kinh (Ảnh: DPA)

Toàn cảnh đảo đá nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, biểu tượng cho tham vọng của Bắc Kinh (Ảnh: DPA)

Trong suốt năm 2020, Trung Quốc, cùng với Nga và Iran, ủng hộ chế độ của TT Nicolas Maduro ở Venezuela. Trung Quốc, thông qua chương trình đổi vốn vay lấy dầu lửa, đang giúp Venezuela tái phát triển đất nước. Trong một bước ngoặt bất ngờ, Iran đang xuất dầu lửa sang Venezuela, quốc gia từng đứng đầu thế giới về sản xuất dầu lửa.

Sau cuộc bầu cử Tổng thống ngày 11/1 của Đài Loan, Trung Quốc tăng cường áp lực để ngăn chặn bất kỳ phong trào nào nhằm biến Đài Loan trở thành một quốc gia độc lập. Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh của nước này. Đài Loan đang tăng cường phòng thủ quanh đảo; và Mỹ đã bán cho Đài Loan các hệ thống vũ khí tinh nhuệ, đồng thời triển khai nhiều hoạt động hải quân trong khu vực.

Tháng 6, Tổng thống Trump thu hồi quy chế thương mại đặc biệt của Hồng Kông và áp đặt các biện pháp trừng phạt để ủng hộ những người biểu tình phản đối luật an ninh mới của Trung Quốc.

Australia đã khiến Trung Quốc nổi giận khi nước này đi đầu trong nỗ lực điều tra nguồn gốc và sự lây lan của đại dịch Covid-19. Sau nhiều lời qua tiếng lại, Trung Quốc đã phát động một cuộc tấn công nhằm vào nền kinh tế Australia với đòn thuế quan cao, tẩy chay và giảm đầu tư. Australia cáo buộc Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến tranh mạng. Australia tăng cường tái thiết lực lượng hải quân để đáp trả.

Tháng 7, Mỹ tuyên bố sẽ đẩy lùi các cuộc xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ đi thăm hàng loạt nước nhằm tăng cường liên minh chống lại Trung Quốc. Mỹ cam kết ủng hộ tự do hàng hải trong khu vực. Ngày 26 tháng 8, Trung Quốc bắn "tên lửa tàu sân bay" đến gần các tàu chiến của Mỹ ở Biển Đông.

Trung Quốc từ chối tham gia với Mỹ và Nga trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Để trả đũa các hành động của Trung Quốc liên quan đến thương mại và đại dịch, Tổng thống Trump tung ra các biện pháp trừng phạt, cấm đi lại từ Trung Quốc, đóng cửa lãnh sự quán, hạn chế thị thực và thắt chặt nghiên cứu chung. Ngày 22/9, trong bài phát biểu trước Liên hợp quốc, ông Trump đã bày tỏ quan ngại của mình về Trung Quốc.

Thiên tai hoành hành khắp thế giới

Nếu không có Đại dịch Covid-19, năm 2020 đã có thể được gọi tên là Năm thiên tai.

Australia — Cháy rừng, bắt đầu vào năm 2019 và kết thúc vào tháng 5 năm 2020, là trận cháy tồi tệ nhất trong lịch sử Australia. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 103 tỉ đô la Úc. Vụ cháy đã thiêu rụi cả khu vực rộng 186.000 km2. 34 người đã thiệt mạng.

Brazil — Khoảng 44.013 vụ cháy do nông dân và “những người chiếm đất trái phép” gây ra, cùng với những nguyên nhân tự nhiên đã thiêu rụi một phần lớn của rừng mưa nhiệt đới Amazon chỉ trong vòng sáu tháng.

Cháy rừng tại California. Ảnh: AP

Cháy rừng tại California. Ảnh: AP

California — Trận cháy rừng tồi tệ nhất ở California đã thiêu rụi khu vực rộng 1,7 triệu ha. 10.000 vụ cháy khác nhau đã xảy ra tại đây trong năm 2020.

Siberia – Các vụ cháy rừng đã thiêu rụi tổng diện tích 10 triệu ha – tương đương với diện tích của Hy Lạp.

Indonesia — Những người nông dân, khi đốt đồng vào vụ mùa tháng 10 đã thiêu rụi cả một khu vực có diện tích bằng đất nước Hà Lan, và làm ô nhiễm không khí ở Singapore và Malaysia.

Nhắc đến những đe doạ thiên tai lớn trong năm 2020 không thể không nói đến các cơn bão với sức tàn phá nặng nề.

Việt Nam, Campuchia Lào đều hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của các cơn bão trong khu vực. Riêng Việt Nam trong năm nay đã đối mặt với 4 cơn bão khủng khiếp khiến 280 người chết và 66 người mất tích.

Các khu vực dọc theo Vịnh Mexico đã bị tàn phá nặng nề trong năm nay. Theo Cơ quan Khí quyển và Hải dương Quốc gia, khu vực này đã hứng chịu 30 cơn bão nhiệt đới, trong đó 13 cơn bão đã mạnh lên thành các cơn bão lốc xoáy. Thiệt hại riêng của nước Mỹ ước tính lên đến 41 tỉ đô la. Nhiều quốc gia ở khu vực Trung Mỹ và Caribe đã bị thiệt hại đáng kể cả về người và của.

Thương mại toàn cầu vẫn tiếp tục

Việt Nam tiếp tục khẳng định mình trong vai trò một quốc gia mới nổi ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu.

Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ trì Hội nghị cấp cao ASEAN 37. Tất cả 15 thành viên và các đối tác trong khu vực đã ký kết một hiệp định thương mại lịch sử - Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – đây có lẽ là hiệp định lớn nhất thuộc phạm trù này.

Giống như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương(TPP), hiệp định RCEP vắng mặt Mỹ - khiến thương mại khu vực được nhường lại cho Trung Quốc.

Việt Nam là một trong số ít nước có xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Ảnh: AFP

Việt Nam là một trong số ít nước có xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Ảnh: AFP

Ngày 8/1, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam nỗ lực nâng tầm ngoại giao, đa dạng hóa các mối liên kết và quan hệ đối tác, hội nhập sâu rộng hơn vào trật tự tự do toàn cầu và tham gia vào các cơ hội với các tổ chức đa phương và quốc tế.

Việt Nam đảm nhận cương vị chủ tịch vào đúng thời điểm quan trọng: cạnh tranh giữa các siêu cường toàn cầu, biến đổi khí hậu và phục hồi sau đại dịch. Việt Nam với những đối sách ngoại giao mềm mỏng là nhân tố quan trọng trong bối cảnh này.

Chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông

Mỹ, Israel và nhiều quốc gia Ả Rập bất bình về việc Iran tiếp tục hậu thuẫn cho chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông và có ý định phát triển vũ khí hạt nhân để tiếp tục những nỗ lực đó.

Ngày 4/8, một vụ nổ lớn làm rung chuyển thủ đô Beirut của Lebanon do những kẻ khủng bố Hezbollah được Iran hậu thuẫn gây ra đã khiến 190 người thiệt mạng và một phần lớn của thành phố bị phá hủy. Các đối thủ của Iran cho rằng vụ nổ bắt nguồn từ việc lưu trữ hàng nghìn quả tên lửa được sử dụng cho các hoạt động khủng bố.

Thủ lĩnh Lực lượng Quads của Iran, Tướng Qasem Soleimani bị Mỹ ám sát. Ảnh: Reuters

Thủ lĩnh Lực lượng Quads của Iran, Tướng Qasem Soleimani bị Mỹ ám sát. Ảnh: Reuters

Ngày 2/1, Mỹ ám sát Thủ lĩnh Lực lượng Quads của Iran, Tướng Qasem Soleimani, người chịu trách nhiệm cho các hoạt động khủng bố ở Trung Đông. Iran đáp trả bằng cách tấn công đại sứ quán Mỹ ở Iraq, gây bạo loạn trên khắp đất nước và tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào quân đội Mỹ. Ngày 8/1, Iran bắn nhầm một máy bay của Ukraine khiến 176 hành khách thiệt mạng.

Ngày 27/11, Israel ám sát người đứng đầu chương trình vũ khí hạt nhân bất hợp pháp của Iran. Trước đó, vào tháng 7, các vụ nổ đã làm rung chuyển các cơ sở vũ khí hạt nhân bí mật của Iran. Liên Hợp Quốc và EU đã từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran.

Tháng 12, Quốc hội Mỹ đã ngăn chặn chỉ thị của Tổng thống Donald Trump về việc rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan nhằm chấm dứt cuộc chiến sa lầy ở quốc gia này bắt đầu từ tháng 10 năm 2001.

Trung Đông cuối cùng đã nhìn thấy hoà hình

Bắt đầu từ tháng 9, Mỹ đứng ra làm trung gian cho các hiệp định hòa bình, ngoại giao và thương mại giữa Israel và các quốc gia cựu thù, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Sudan, Morocco, Kosovo và Serbia. Đây là những thỏa thuận mang tính lịch sử. Trước đó, chỉ duy nhất Ai Cập ký hiệp định hòa bình với Israel. Những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump là nhằm hướng tới một thỏa thuận hòa bình toàn diện trong khu vực, điều mà chính quyền trước đó tin sẽ không bao giờ xảy ra.

Chính trị Mỹ vượt khỏi tầm kiểm soát

Bắt đầu từ tháng Một, các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện tiến hành luận tội Tổng thống Donald Trump dựa trên một cuộc điện đàm của ông với người đồng nhiệm Ukraine về việc ông Joe Biden có dính dáng đến một âm mưu tham nhũng.

Cuộc đối đầu căng thẳng giữa ông Trump và ông Biden giành vị trí chủ nhân Nhà Trắng cuối cùng đã gọi tên ông Biden. Ảnh: Nikkei

Cuộc đối đầu căng thẳng giữa ông Trump và ông Biden giành vị trí chủ nhân Nhà Trắng cuối cùng đã gọi tên ông Biden. Ảnh: Nikkei

Sau đó, ông Trump được tuyên trắng án. Chính phủ Mỹ đã chìm trong bế tắc suốt 1 tháng khi phiên toà diễn ra.

Ngày 5/6, ông Joe Biden bất ngờ giành được đề cử của đảng Dân chủ để đối mặt với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống. Ngày 3/11, ông Biden đánh bại ông Trump.

Ông Trump không nhận thua và cáo buộc có gian lận bầu cử trên diện rộng. Rất nhiều đơn kiện đã được gửi đến các toà án khác nhau.

Ngày 26/5, cảnh sát gây ra cái chết của người đàn ông da đen, George Floyd. Ngay sau đó, các cuộc biểu tình nổ ra và kéo dài trong nhiều tháng. Nước Mỹ chìm trong tình trạng bạo loạn chưa từng có trong lịch sử.

Những người ủng hộ Phong trào Black Lives Matter xuống đường đòi công lý cho George Floyd và cho chính họ. Tỷ lệ tội phạm tăng vọt khắp nước Mỹ.

Phong trào Black Lives Matter rung chuyển xã hội Mỹ. Ảnh: CNN

Phong trào Black Lives Matter rung chuyển xã hội Mỹ. Ảnh: CNN

Các sự kiện chính ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Philippines - Tổng thống Duterte khiến các nước đứng ngồi không yên, cố gắng phỏng đoán về các chính sách của ông đối với Trung Quốc và Mỹ khi hai bên cạnh tranh ở Biển Đông. Philippines có vị trí chiến lược và do đó giữ vai trò rất quan trọng đối với an ninh khu vực.

Nhật Bản — Ngày 24/3, Tokyo lùi Thế vận hội Olympic mùa hè 2020 đến năm 2021, sau khi đã chi hàng tỉ USD để chuẩn bị cho các sự kiện. Ngày 16/9, Thủ tướng Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe. Thủ tướng Suga lên thay và có khả năng sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách kinh tế và đối ngoại của ông Abe.

Myanmar – Tháng 10, Liên hợp quốc tổ chức một hội nghị quốc tế để tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya khiến khoảng 860.000 người bị ảnh hưởng. Khoản viện trợ trị giá 600 triệu đô la đã được cam kết nhưng dường như cuộc khủng hoảng vẫn chưa có hồi kết.

Thái Lan — Sinh viên Thái Lan tiếp tục các phong trào phản đối luật cấm phỉ báng chế độ quân chủ.

Malaysia — Ngày 27/7, cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak bị kết án 12 năm tù vì tội lạm dụng chức vụ liên quan đến Quỹ Đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB). Chi nhánh châu Á của Goldman Sachs, công ty đầu tư dự án đã bị phạt 3,9 tỉ USD vì làm sai.

Triều Tiên — Nhà lãnh đạo Kim Jong Un biến mất khỏi tầm mắt công chúng vào tháng 4 và một lần nữa vào tháng 11 mà không có lời giải thích nào khiến các nước lo ngại về Triều Tiên. Trong cả năm 2020, Triều Tiên đã hạn chế thử tên lửa tầm xa đang bị cấm theo lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Triển vọng năm 2021

Mặc dù vắc-xin ngừa Covid-19 đang bắt đầu được cung cấp, có vẻ như đại dịch sẽ còn tiếp diễn trong năm tới. Các chuyên gia y tế công cộng đã cảnh báo người dân tiếp tục đeo khẩu trang sau khi đã tiêm phòng. Hy vọng rằng căn bệnh này sẽ không giống như bệnh cúm mùa tái phát hàng năm.

Cạnh tranh Trung-Mỹ về kinh tế, văn hóa, ngoại giao và quân sự vẫn chưa có hồi kết. Năm tới sẽ còn chứng kiến cuộc đua này ở cường độ lớn hơn nữa, đặc biệt là ở Biển Đông và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Nguyên nhân của tất cả các vụ cháy rừng đều do con người, hoặc tệ hơn nữa là do chưa chú trọng đúng mức đến công tác quản lý rừng, chẳng hạn như dọn sách gỗ vụn sau khi khai thác.

Biến đổi khí hậu cũng đóng một vai trò quan trọng. Dường như, các quốc gia đang gặp phải vấn đề trong việc đưa ra hành động cụ thể bởi cháy rừng vẫn tiếp diễn hàng năm.

Bằng cách nào đó thương mại toàn cầu vẫn vận hành tốt trong đại dịch. Hy vọng, thế giới sẽ chứng kiến sự bùng nổ thương mại khi tình hình quay trở lại bình thường. Việt Nam, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói chung, sẽ tiếp tục duy trì một vị thế vững mạnh để tận dụng các cơ hội thương mại khu vực và toàn cầu.

Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì một vị thế vững mạnh để tận dụng các cơ hội thương mại khu vực và toàn cầu.

Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì một vị thế vững mạnh để tận dụng các cơ hội thương mại khu vực và toàn cầu.

Hòa bình Trung Đông sẽ có cơ hội thành công lớn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, một số cường quốc trong khu vực chắc chắn có động cơ lợi ích riêng để muốn làm chệch hướng tiến trình hòa bình.

Trong khu vực, điều chúng ta có thể sẽ thấy là việc nối lại chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, vốn đã được tạm ngưng trong thời gian nhiệm kỳ của ông Trump.

Nước Mỹ chia rẽ sâu sắc. Hầu như chưa thấy ai thực sự quan tâm đến việc khắc phục các vấn đề đảng phái và công bằng xã hội đang gây chia rẽ người dân. Điều sẽ xảy ra là sự xung đột ngày càng lớn giữa hai đảng khi đảng Dân chủ bắt đầu phá bỏ chương trình nghị sự của ông Trump và thay thế bằng một chương trình hoàn toàn đối lập.

Về chính sách đối ngoại, thế giới kỳ vọng thấy một nước Mỹ nhẹ nhàng hơn trên mặt trận đối ngoại dưới thời của ông Biden, vì ông ấy tập trung nhiều hơn vào chính sách đối nội và sẽ nhường lại các vấn đề quốc tế cho các nước đồng minh và các tổ chức quốc tế đảm nhận./.

(Chuyển ngữ: Đào Thuý)