“Vũ khí” mới của Boko Haram
Hãng tin AP cho hay, hôm 25-8, thành phố Damaturu ở đông bắc Nigeria chấn động bởi một vụ đánh bom liều chết nhằm vào đám đông tại trạm xe buýt làm 5 người thiệt mạng, 41 người bị thương. Đại diện cảnh sát địa phương cho hay, kẻ đánh bom là một thiếu nữ 14 tuổi, bị nghi là do phiến quân Boko Haram điều khiển.
Trước đó, dư luận nước này vẫn chưa quên thảm cảnh hồi tháng 1-2015, một cô bé không quá 10 tuổi quấn đầy chất nổ cực mạnh quanh mình và bị nổ tung giữa một khu chợ đông đúc, cướp đi sinh mạng của 20 người và làm 18 người khác bị thương.
Hiện trường là khu chợ Maiduguri, trung tâm mua sắm tại thành phố thủ phủ của quân nổi dậy Boko Haram. Những người chứng kiến, quan chức cảnh sát và bác sỹ ở Maiduguri đều cho rằng, việc dùng một bé gái chỉ mới 10 tuổi để tấn công khủng bố là sự việc chưa từng có trong vô số những hành vi bạo tàn của đội quân Boko Haram.
Theo New York Times, một nhóm bảo vệ tại chợ Maiduguri sáng hôm ấy cho biết, trước khi xảy ra vụ nổ, qua máy dò kim loại họ đã phát hiện dấu hiệu nghi ngờ từ bé gái này. Khi cô bé chống cự, họ phát hiện có vật phình ra quanh bụng đối tượng rồi bom phát nổ.
Lần đầu tiên Boko Haram tung ra đối tượng nữ mang bom tự sát là vào tháng 6-2014, tại bang Gombe ở phía bắc, sau đó tăng cường sử dụng “công cụ” hữu hiệu này, nhất là sau vụ bắt cóc hơn 200 nữ sinh ở thị trấn Chibok hồi tháng 4 năm ngoái. Tính từ tháng 5 đến đầu tháng 8-2015, các nữ đánh bom cảm tử được cho là thủ phạm khiến hơn 200 người thiệt mạng, chiếm gần một nửa nạn nhân thiệt mạng trong các vụ đánh bom tự sát do Boko Haram thực hiện tại Nigeria.
Đánh trúngtrạng thái tâm lý tuyệt vọng
Theo phân tích của bà Claire Wilmot, chuyên gia về vấn đề toàn cầu tại Đại học Toronto, Canada trên website của tổ chức độc lập có tên Hội đồng Quan hệ đối ngoại trụ sở ở New York, Mỹ, việc sử dụng phụ nữ mang bom liều chết nhằm phục vụ chiến thuật mới của nhóm khủng bố Boko Haram. Nữ giới là những người mang bom hiệu quả do ít bị nghi ngờ khi đi lại trong khu vực dân sự. Với đội quân khủng bố này, các vụ tấn công có giá trị phô trương hơn do được các phương tiện truyền thông chú ý hơn.
Tại Nigeria cũng như các nước khác, việc phụ nữ tham gia vào bạo lực khủng bố thường là bị cưỡng chế. Các đối tượng nhiều khả năng là nạn nhân bị bắt cóc (đã có khoảng 2.000 phụ nữ và trẻ em gái bị bắt cóc kể từ khi Boko Haram trỗi dậy năm 2009) và bị “tẩy não”. Hơn nữa, với những trẻ em gái ở lứa tuổi từ 7-10 thì chưa thể nhận thức được nhiệm vụ nguy hiểm mà các em phải làm.
Tuy nhiên, với một số người sau thời gian từng sống trong các khu trại do Boko Haram kiểm soát, khi trở về cuộc sống đời thường họ cảm thấy tuyệt vọng do bị tẩy chay và không thể kết hôn, do đó chấp nhận tử vì đạo. Đó là chưa kể một bộ phận phụ nữ tự nguyện trở thành những kẻ đánh bom tự sát để tìm cách trả thù cho cái chết của người thân cũng như muốn được đoàn tụ ở thế giới bên kia. Có cả trường hợp một số phụ nữ tuyên bố tặng con gái của họ để thực hiện đánh bom liều chết. Tháng 7-2014, Nigeria bắt được 3 phụ nữ được cho là “những nhà tuyển dụng phụ nữ” cho Boko Haram.
Cũng theo chuyên gia phân tích nói trên, khi nhóm khủng bố dùng đến “vũ khí” là phụ nữ đã phần nào chứng tỏ Boko Haram gặp khó khăn trong việc tuyển dụng những nam thanh niên thất học, thất nghiệp ở đông bắc Nigeria. Tình trạng bạo lực quá mức và giết hại bừa bãi dân thường của đội quân này cũng đã làm xói mòn sự ủng hộ của cộng đồng cư dân trước đây vốn có thiện cảm với Boko Haram.
Yến Chi theo An ninh Thủ đô