Tấm gương quyết liệt trong phòng chống tham nhũng
Là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị rất cao, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, gắn liền giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Nhiều tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nguyên tắc hành động trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do người đứng đầu Đảng ta khởi xướng và chỉ đạo đã phát huy hiệu quả, được khẳng định qua thực tiễn, mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, khi phát biểu về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2023, đã nhận xét về Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Ở đồng chí Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thấy rõ hiện thân của sự gương mẫu, nhất quán giữa nói và làm, sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ, sự thống nhất giữa những nung nấu nhiều năm và hành động cụ thể trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực. Nhờ vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta những năm qua đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, tăng thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta”.
Ông Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí cộng sản, người từng nhiều năm làm việc dưới quyền ông Nguyễn Phú Trọng ở tạp chí này từng thổ lộ với VietTimes: “Ông Nguyễn Phú Trọng là một cán bộ chính trực và liêm khiết. Gia đình, vợ con ông là những cán bộ công chức bình thường, có cuộc sống đạm bạc, không màng danh vọng, quyền lực, tiền bạc”.
Một cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao muốn “trị quốc” tốt, trước hết phải làm thật tốt công việc “tề gia”. Để công tác phòng và chống tham nhũng có hiệu, phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 30/6/2022, quả Tổng bí thư yêu cầu: “Mỗi người phải gương mẫu, trong sạch đã rồi mới chống tham nhũng được, mới phòng được; hết sức liêm khiết, trong sáng. Người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa”.
“Nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế
Từ thực tiễn và kinh nghiệm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rút ra những bài học quý, có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn. Người đứng đầu Đảng ta hiểu rất rõ rằng, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xoá ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn.
Do vậy, phát biểu tại phiên họp lần thứ 24 của Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 16/8/2023, tại Trụ sở TƯ Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu. Nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất,... do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ,... với động cơ không trong sáng. Nó thường diễn ra đối với những người có chức, có quyền.
Vì vậy mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế là với ý nghĩa như vậy.
Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”; và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”.
Để có thể “nhốt quyền lực” vào cái “lồng cơ chế” và thực hiện được “Ba không” ấy, trước hết cần có những văn bản pháp lý đủ mạnh và chặt chẽ. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đã tổ chức 3 Hội nghị toàn quốc về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành trên 100 văn bản để tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tăng hai lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng).
Quốc hội đã thông qua 24 luật, pháp lệnh và ban hành nhiều nghị quyết quan trọng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 335 nghị định, 86 quyết định. Các bộ, ngành ban hành gần 1.800 thông tư, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, phát biểu (chiều 22/11/2023, tại buổi làm việc của Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) với các cơ quan báo chí để thông báo kết quả Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu: “Phải tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính và xử lý hình sự. Việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung”.
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 550 tổ chức đảng và 37 nghìn đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.400 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với nhiều cán bộ cao cấp và tổ chức đảng vi phạm, trong đó có cả đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị; kỷ luật cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả trong lực lượng vũ trang; làm nghiêm từ trên xuống dưới.
Nhưng nói cho cùng thì, thể chế, cơ chế, chính sách dù có chặt chẽ và hoàn thiện đến đâu đi chăng nữa thì yếu tố con người để thực thi cơ chế, chính sách vẫn là quan trọng nhất. Vì vậy công tác lựa chọn nhân sự cho các cấp quản lý, lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp cao là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu (tại Hội nghị của Tiểu Ban Công tác nhân sự Đảng XIV trung tuần tháng 3 vừa qua): “Lựa chọn những cán bộ có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức tương đối toàn diện để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của BCH TƯ. Có năng lực sáng tạo, nhiệt huyết, làm việc có hiệu quả, có “sản phẩm” cụ thể, rõ rệt; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công. Nói tóm lại là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc (“chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”)”.
Cuốn cẩm nang gối đầu giường về phòng, chống tham nhũng
Đúc kết từ lý luận và thực tiễn công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta trong thời gian qua đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền một tác phẩm mang tầm nhìn chiến lược, bài học thực tiễn và những giải pháp đồng bộ về phòng chống tham nhũng “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Nói như ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương (trao đổi với VietTimes) thì “đây là cuốn cẩm nang gối đầu giường của cán bộ, đảng viên về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tác phẩm là sự tổng kết thực tiễn phong phú, rút ra những vấn đề có tính lý luận và các bài học kinh nghiệm quý để củng cố thêm bản lĩnh, sức mạnh và niềm tin; định hướng giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới. Khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, “không thể chỉ làm một lần là xong; ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”; đòi hỏi “phải có quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao, biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại”. Từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới mục tiêu “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời tác phẩm thể hiện quan điểm xuyên suốt, nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nội dung những chỉ đạo này được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động, thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo, góp phần làm sáng rõ bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
10 câu nói nổi tiếng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
1. “Không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ từng dạy cắt một vài cành sâu, mọt để cứu cả cây” (phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 23.6.2022)
2. “Cán bộ vào Ban Chỉ đạo chống tham nhũng mà lại tư túi, vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa. Ông nào vướng vào, tôi xử trước, xin nói thẳng là như thế” (phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng ngày 12/5/2022).
3. “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống” (phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng).
4. “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!” (phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào ngày 15/9/2021).
5. “Tôi nói là không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm” (phát biểu tại buổi họp báo sau Đại hội XIII của Đảng ngày 1/2/2021).
6. “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm” (phát biểu tại cuộc họp Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 10/4/2018).
7. “Kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ hư hỏng, tham nhũng” (phát biểu tại phiên họp thứ 13 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 22/1/2018).
8. “Việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn” (phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, sáng 12/10/2017).
9. “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy” (phát biểu tại phiên họp thứ 12 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 31/7/2017).
10. “Đi làm gì cũng phải phong bao phong bì, lót tay, gợi ý. Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu chứ không phải chỉ có tham nhũng lớn” (phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 18/7/2015).