Cựu Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan bảo đảm với người dân Myanmar rằng sự hiện diện của ông tại đây không phải để theo dõi nhân quyền mà để khuyến nghị các giải pháp xoa dịu căng thẳng giữa cộng đồng Phật giáo và người Hồi giáo thiểu số.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 8/9 tại Yangon, ông Annan nói: "Chúng tôi tới đây không để làm giám sát viên hay cảnh sát viên.
Chúng tôi đến để giúp đỡ đáp đề nghị của chính phủ, tham gia Hội đồng Myanmar, mang lại các khía cạnh quốc tế và các bạn sẽ có được những tường trình trung thực nhất từ tất cả chúng tôi".
Theo đài VOA, ông Annan, người Ghana, đã bị hàng trăm người biểu tình reo hò khi tới bang Rakhine miền Tây Myanmar cách đây vài ngày.
Ông là thành viên của hội đồng gồm 9 người đã đi tìm hiểu sự thật về xung đột sắc tộc-tôn giáo đã châm ngòi một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây.
Người biểu tình tập trung bên ngoài phi trường ở thành phố Rakhine. Họ giận dữ la ó phản đối người nước ngoài can thiệp vào chuyện nội bộ của họ.
Ông Annan nói ông không hề bực tức với người biểu tình mà thật ra khâm phục họ vì họ đã thể hiện tinh thần dân chủ và quyền tự do bày tỏ quan điểm.
"Đây là tín hiệu lành mạnh rằng người dân cảm thấy cần phải lên tiếng theo cách của họ" ông Annan nói.
Hội đồng cố vấn đặc biệt gồm 6 công dân Myanmar và 3 người nước ngoài, không ai trong số này là người Hồi giáo, có nhiệm vụ tìm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng khởi sự từ năm 2012 khi giao tranh nổ ra giữa những Phật tử theo chủ nghĩa dân tộc và những tín đồ Hồi giáo Rohingya.