Cổ vật - nguồn thu thứ hai của IS sau dầu mỏ

Thế giới phẫn nộ khi IS dùng xe ủi và máy khoan bê tông tấn công các di tích cổ xưa ở Iraq và Syria. Với những hiện vật có giá trị, IS âm thầm bán ra “chợ đen”, thu về hàng triệu USD từ bảo vật quốc gia.
Đội quân IS cướp phá bảo tàng Nineveh ở Iraq hồi tháng 2-2015
Đội quân IS cướp phá bảo tàng Nineveh ở Iraq hồi tháng 2-2015

Cướp phá có cấp phép

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng biện minh cho việc phá hủy các hiện vật văn hóa ở Iraq và Syria rằng đó là đại diện nền văn hóa ngoại đạo, cần phải xóa bỏ. Mặc dù vậy, đằng sau những chiến dịch cướp bóc có hệ thống là nguồn thu không nhỏ từ việc bán cổ vật. Điều này phần nào lý giải nguồn lực giúp các chiến binh IS có thể cố thủ kể từ khi chúng chiếm giữ được thành phố trọng yếu Mosul của Iraq cách đây tròn 1 năm, từ đó mở rộng các vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát ở đất nước này cũng như nước láng giềng Syria.

 “Chúng ăn cắp tất cả những gì có thể bán và những gì không thể bán thì đem ra phá hủy”, ông Qais Hussein Rasheed, Thứ trưởng Bộ Cổ vật và di sản Iraq nói. Ông Qais Hussein Rasheed cũng cho biết thêm, nhà chức trách Iraq nhận thấy rằng việc buôn lậu cổ vật đã tăng lên rất nhiều kể từ tháng 6 năm ngoái, thời điểm mà các chiến binh IS nắm quyền kiểm soát Mosul và phần lớn miền Bắc Iraq. Vào thời điểm đó, các chiến binh cũng chiếm giữ Nineveh - kinh đô của vương quốc Assyria cổ đại. 

Trong một đoạn video được phát hành đầu năm nay, các tay súng IS đã khoan thẳng vào đầu những bức tượng đá hình bò đực dũng mãnh trên cổng của thành phố. Các chiến binh IS cũng tự quay cảnh phá hủy tượng tại bảo tàng của thành phố Mosul. Nhưng theo các quan chức Iraq, phần nhiều trong số đó chỉ là bản sao của các cổ vật được giữ ở Baghdad. Bất cứ hiện vật nào thực sự là đồ cổ và kích thước đủ nhỏ để vận chuyển thì chúng bán đi hoặc cất giữ.

Mặc dù Iraq nỗ lực ngăn chặn nạn chảy máu cổ vật nhưng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã sử dụng mạng lưới buôn lậu đồ cổ từ hàng thập kỷ nay. Từ Iraq, cổ vật được đưa tới Kuwait, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả đều là các trung tâm trung chuyển để đến các nước phương Tây. Thực ra cổ vật của Iraq đã bị cướp phá quá nhiều sau những năm dài chiến tranh, đặc biệt là vụ cướp cổ vật ở Bảo tàng quốc gia Baghdad sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003. Đến khi các phần tử cực đoan của Nhà nước Hồi giáo tự xưng tràn sang chinh phục lãnh thổ ở Syria, việc khai thác cổ vật ở đây đã được tổ chức chặt chẽ hơn. 

 Ông Aymenn al-Tamimi, một nhà nghiên cứu về các nhóm thánh chiến thuộc Diễn đàn Trung Đông có trụ sở tại Anh cho biết, IS cấp giấy phép cho khai quật các khu di tích cổ đại thông qua "Diwan al-Rikaz" - một cơ quan quản lý trong việc giám sát tài nguyên, trực thuộc “Caliphate” – tổ chức phụ trách quản lý dầu, khí đốt cũng như đổ cổ. Qua việc biên soạn tài liệu thu được từ nhóm này, ông Aymenn al-Tamimi cho biết, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã kết hợp các hoạt động khai quật di tích cổ vào bộ máy hành chính của mình. 

Mua cổ vật – tiếp tay cho IS

Ông Michael Danti, một giáo sư khảo cổ học tại Đại học Boston cho biết, gần đây những món đồ cổ bị cướp phá đến thị trường Mỹ và phương Tây thường ở mức giá thấp và trung bình, chẳng hạn như con dấu bằng đá với chữ viết tượng hình cổ xưa. 

Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, giá trị của cổ vật từ Iraq nhập khẩu vào Hoa Kỳ đã tăng 4 lần từ năm 2010 đến năm 2014, đạt hơn 3,5 triệu USD. Tương tự, giá trị nhập khẩu cổ vật từ Syria và Ai Cập cũng đã tăng vọt. “Những đột biến trong hoạt động nhập khẩu hợp pháp hoàn toàn tương quan với những biến cố ở các nước này. Tôi sẽ bị sốc nếu tất cả đều là hợp pháp”, Giáo sư Danti khẳng định. “Các hiện vật cổ có kích thước nhỏ từ Iraq và Syria đang tràn ngập thị trường và được bán rộng rãi trên mạng”, bà Deborah Lehr, người đồng sáng lập của Liên minh cổ vật cho hay. 

Bà Deborah Lehr chia sẻ, tổ chức của bà được những tay môi giới cổ vật hiểu nhầm là người sưu tầm nên đã gửi email chào hàng. “Công chúng cần phải hiểu rõ hơn rằng nếu mua các mặt hàng này, có khả năng họ là người tài trợ cho khủng bố”, bà Deborah Lehr phân tích.

Thật khó ước tính IS đã thu về bao nhiêu tiền từ việc bán đồ cổ, nhưng các quan chức Iraq cho rằng đó là hoạt động thương mại quan trọng thứ hai của IS sau doanh thu hàng chục triệu USD từ dầu mỏ. Biến chuyển trên chiến trường gần đây cho thấy, IS khó có thể duy trì doanh thu về dầu mỏ của mình do liên tục bị Mỹ và quân đội Iraq tấn công vào các cơ sở hạ tầng mà chúng chiếm giữ. Tuy nhiên, tình hình này cũng làm dấy lên lo ngại rằng IS có thể tập trung nhiều hơn vào các cuộc khai quật đồ cổ bất hợp pháp. 

Theo: An ninh Thủ đô