Có thể cắt giảm những gì để giảm giá vé máy bay?

E-magazine Có thể cắt giảm những gì để giảm giá vé máy bay?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuộc thảo luận về vé máy bay tăng cao tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 13/5 cho thấy, cả đại diện cơ quan hành pháp và lập pháp đều rất quan tâm đến tác động của tình trạng này đến hồi phục kinh tế và du lịch của đất nước.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề, giá vé máy bay theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam là chưa kịch trần, vậy còn tăng nữa không và nó ảnh hưởng gì đến du lịch. “Tôi cảm giác chỗ này không ổn lắm”, ông được trích dẫn nói.

Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy, sau khi trình bày nhiều nguyên nhân, nêu kiến nghị: "Chúng tôi yêu cầu tiết giảm tối đa chi phí của các hãng hàng không, đồng thời nghiên cứu đề xuất giảm các loại phí để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân với chi phí hợp lý nhất".

Những thảo luận như cho thấy, chuyện giá vé máy bay cao ngất đã được đưa ngay lên bàn nghị sự.

Song, dù có nhiều bất cập, giá vé của các hãng vẫn đúng quy định và còn lâu mới đạt mức giá trần 3,4 triệu đồng đã được quy định.

Cục Hàng không sau đợt kiểm tra các hãng bay tuần trước cũng kết luận: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways bán vé máy bay đúng giá quy định.

5.jpg

Thứ nhất, thiếu máy bay trầm trọng

Đến đầu tháng 5, tổng số máy bay của các hãng chỉ còn 199 chiếc, giảm 32 chiếc so với năm 2023. Trong số đó, số tàu bay đang khai thác thực tế dao động từ 165-170 tàu bay, giảm khoảng 40-45 tàu bay so với bình quân tàu bay khai thác trong năm 2023.

Đáng kể nhất là hãng Pacific Airlines không khai thác tàu bay nào, giảm 10 so năm 2023 và Bamboo chỉ khai thác 5 tàu, giảm 25 so với năm 2023.

Hơn nữa, Vietjet Air cũng không nhận thêm tàu bay nào; Vietnam Airlines chỉ nhận thêm 2 tàu bay B787 vào tháng 6 và tháng 7/2024.

Số máy bay của Việt Nam hao hụt đáng kể do các nguyên nhân máy bay bị triệu hồi để sửa chữa động cơ và khó khăn về tài chính.

Hơn nữa, giá thuê động cơ đối với Airbus A321 là 48-50 nghìn USD/tháng vào năm 2019, tăng lên 80-100 nghìn USD/tháng vào năm 2024; giá thuê tàu bay Boeing B-787 là 160 nghìn USD/tháng vào năm 2022, tăng lên 370 nghìn USD/tháng vào năm 2024.

ve may bay.jpg
Số máy bay đang khai thác giảm khoảng 40-45 tàu bay so với năm 2023.

Thứ hai, tỷ giá biến động

Cục Hàng không từng tính toán, tỷ giá giai đoạn tháng 4/2024 (1 USD = 25.454 VND) biến động tăng 8% so với tháng 4/2023 (1 USD = 23.620 VND). Chỉ tính riêng biến động của tỷ giá đã khiến chi phí của các hãng hàng không tăng gần 6% so với cùng kỳ.

Tỷ giá VNĐ/USD trong Q1/2024 đã tăng 1.300 đồng (tương đương 5,6%) so với năm 2019, dẫn đến chi phí hoạt động vận tải hàng không phát sinh thêm khoảng 823 tỷ đồng. Tỷ giá bình quân trong Q2/2024 tăng làm chi phí tăng mỗi chuyến bay 23 triệu đồng.

Thứ ba, giá nhiên liệu tăng cao

Với biến động của giá Jet A1 và tỷ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 4/2024 của các hãng hàng không tăng 56,55% so với tháng 12/2014 và tăng 74,27% so với tháng 9/2015, tác động làm tổng chi phí tăng 37,66% so với tháng 12/2014 và tăng 53,24% so với tháng 8/2015 (là thời điểm ban hành quy định về khung giá vận chuyển trên chặng bay nội địa).

Thứ tư, số hành khách giảm

Trong 3 tháng đầu năm 2024, số khách hàng của các hãng hàng không đạt hơn 13 triệu khách, giảm 5% so cùng kỳ 2023. Trong đó, vận chuyển nội địa đạt hơn 8,5 triệu, giảm 18% so cùng kỳ 2023.

Tóm lại, số máy bay giảm, số hành khách giảm, chi phí nhiên liệu và tỷ giá tăng cao đã trực tiếp làm giá vé máy bay tăng cao. Và việc tăng giá vé là lựa chọn đúng để thị trường hàng không vận hành đúng quy luật.

6.jpg

Trên đây là tình trạng chung của các hãng. Vấn đề là mỗi hãng bay lại có vấn đề riêng của mình tích tụ lâu nay. Xin lấy ví dụ về Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines vốn trải qua một chặng đường cực kỳ gian khó, suốt từ hồi Covid-19 bùng phát từ đầu 2020 đến nay.

Đến ngày 1/1/2024, nợ phải trả của Vietnam Airlines đã lên tới con số kỷ lục 74.700 tỷ đồng. Số nợ này đã giảm còn 68.900 tỷ đồng vào ngày 31/3/2024.

Số phải trả co lại như trên xuất phát từ việc Pacific Airlines, hãng hàng không mà Vietnam Airlines chiếm tới 99% cổ phần, được các chủ tàu nước ngoài xóa khoản nợ lên tới 220 triệu USD (hơn 5.000 tỉ đồng).

ve-may-bay-gia-re-vietnam-airlin.jpg
Vietnam Airlines công bố đã lãi kỷ lục hơn 4.400 tỷ đồng trong quý 1 năm nay.

Bên cạnh đó, một lý do khác là Vietnam Airlines đã có lãi kỷ lục hơn 4.400 tỷ đồng trong quý 1 năm nay. Khoản lãi này lần đầu tiên chấm dứt chuỗi lỗ 14 quý liên tiếp trước đó của Vietnam Airlines.

Như vậy, hai khoản là xóa nợ và lãi chỉ giảm bớt chút khó khăn về tài chính của hàng không quốc gia, doanh nghiệp đã được Quốc hội bật đèn xanh cho một gói cứu trợ 12 nghìn tỷ đồng năm 2020.

Trong khi đó, VietJet Air cũng không thể duy trì giá vẻ rẻ mà hãng này đã luôn cố gắng duy trì suốt thời gian dài vừa qua, giúp hàng triệu người được đi máy bay.

Trong đường bay Hà Nội – TPHCM, giá vé trung bình của Vietjet Air (VJ) khoảng 1,74 triệu đồng (tăng 25%), còn thấp xa so với mức giá trần theo quy định là 3,4 triệu đồng. Giá của chặng bay này có lúc trong những năm trước đây chỉ bằng nửa so với hiện tại.

Nhìn từ trường hợp của Vietnam Airlines thì chắc chắn khó khăn tài chính của VietJet Air cũng không kém, vì hãng bay này chẳng nhận được hỗ trợ tài chính từ Nhà nước.

7.jpg

Giá vé máy bay được cấu tạo từ các khoản chi phí bao gồm nhiên liệu, thuê tàu bay, bảo dưỡng, khai thác bay (lương), phục vụ mặt đất, bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

Gần như rất khó cắt giảm các loại chi phí trên vì các hãng hàng không phải theo giá quốc tế.

Nhà nước muốn giảm giá vé có lẽ nên xem xét ở góc độ, hoặc là trợ giá xăng dầu và tiền thuê máy bay, hoặc xem xét cắt giảm các loại thuế, phí. Hiện nay, thuế VAT đang ở mức 8-10% với xăng dầu, thuế môi trường với xăng dầu khoảng 1.000 đồng/lít.

Một yếu tố khác hình thành giá vé là các loại giá sử dụng dịch vụ của cảng hàng không, thuộc sở hữu của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), doanh nghiệp đang nắm độc quyền cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong và ngoài nước như dịch vụ an ninh, dịch vụ mặt đất, phục vụ hành khách, cất cánh và hạ cánh… trên hệ thống 22 cảng hàng không ở Việt Nam.

100559362-3299496490084254-11035.jpg
ACV đang lãi rất đậm, tỷ lệ lãi lên đến 64%.

ACV đang lãi rất đậm. Chẳng hạn, trong quý 1/2024 ACV lãi kỷ lục hơn 2.900 tỷ đồng (tăng 79% so với cùng kỳ) và so với doanh thu hơn 5.660 tỷ đồng trong cùng kỳ thì tỷ lệ lãi lên đến 64%. Hay nói cách khác, cứ có 100 đồng doanh thu, ACV có gần 64 đồng lãi, một tỷ lệ mà gần như không một doanh nghiệp nào ở bất kỳ ngành nào có được.

Liệu có thể điều tiết từ chi phí của ACV để giảm giá vé máy bay?

Một giải pháp căn cơ khác là cấp phép thêm cho các hãng bay mới. Nếu giá vé máy bay hiện tại cao là do chi phí đầu vào cao, thì các nhà đầu tư sẽ thấy không có lợi, họ sẽ không vào. Nếu giá vé máy bay hiện tại cao là do lợi nhuận cao, các nhà đầu tư sẽ vào, tăng cạnh tranh thì giá vé sẽ hạ xuống sát với chi phí.

Lúc đó thì Nhà nước không còn lo cân đo, đong đếm từng đồng ở từng khâu, không phải mất quá nhiều công sức để thanh tra, kiểm tra thị trường mà chỉ tập trung vào quản lý nhà nước như an toàn bay mà thôi.

Đây là những không gian có thể cải thiện để cắt giảm chi phí, cơ sở để giúp các hãng hàng không giảm giá vé. Còn nếu không, cơ hội giá vé máy bay rẻ cho người tiêu dùng sẽ rất xa vời.

Tư Giang