Thúy Nguyễn sinh ra tại Huế năm 1968. Cho đến năm 4 tuổi, cô được nuôi dưỡng bởi các maxơ ở một trại trẻ mồ côi tại Đà Nẵng, mà cô gọi bằng cái tên “trại trẻ Ly Bang”. Năm 1973, cô gặp mẹ nuôi của mình, bà Carol Westlake, rồi tới Mỹ làm con nuôi tháng 1.1975.
Trong suốt hơn 40 năm qua, Thúy chưa bao giờ có ý định tìm lại mẹ ruột, người đã để cô lại trong trại trẻ mồ côi. Cuộc sống của Thúy tại Mỹ là một hành trình đầy vấp váp và khổ sở. Cô còn nuôi trong mình một nỗi ẩn ức: Mẹ cô đã bỏ cô đi bởi cô là một đứa con lai da đen.
Năm 2010, Thúy Nguyễn về lại Việt Nam lần đầu tiên để đi tìm những maxơ đã nuôi dưỡng mình. Đó là một cuộc hội ngộ đầy xúc động, khi cả 2 xơ chăm sóc Thúy thời thơ ấu đều còn sống, và vẫn nhớ rõ câu chuyện của cô. Nhưng cũng khi ấy, qua hồi ức của các xơ, cô phát hiện ra rằng cô có 2 người anh trai. Mẹ ruột của cô còn 2 đứa con lai khác với lính Mỹ, nhưng đó là con lai da trắng. Và khi ấy, cô bắt đầu nghĩ rằng mình đã bị bỏ đi vì mình là con lai da đen.
Thúy Nguyễn không muốn trách mẹ: Cô nghĩ rằng có thể việc cô là con lai da màu khiến cho việc nuôi dưỡng cô sẽ khó khăn hơn trong xã hội Việt Nam, và bà đã lựa chọn giải pháp tốt nhất cho cả hai. Nhưng cô cũng không hề có ý định đi tìm lại bà. “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó” - Thúy nói khi đặt chân xuống Đà Nẵng tháng 4.2015, lần thứ 2 cô quay về Việt Nam.
Trong suốt những năm tháng làm con nuôi trên đất Mỹ, Thúy Nguyễn vật lộn với sự sinh tồn. Mẹ nuôi của Thúy qua đời vì đau tim khi cô đến Mỹ chưa đầy một năm. Sau đó, cô bị bỏ lại với một người cha tàn nhẫn. Ông ta lạm dụng tình dục Thúy từ khi lên 7 tuổi – một hành động mà mãi cho đến tận thời thiếu niên, Thúy mới hiểu tính chất của nó. Các anh chị em trong nhà cũng ghét Thúy: Họ cho rằng cô được quá nuông chiều, bởi cha cô cho cô bất kỳ thứ gì cô muốn. “Nhưng họ không bao giờ hiểu được cái giá phải trả là gì” - cô nhớ lại.
Đến tuổi trưởng thành, khi Thúy Nguyễn quyết định rời bỏ mái nhà địa ngục để tự mưu sinh, cô trải qua nhiều vấp váp. 20 tuổi, Thúy cưới một cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp. Chàng VĐV thậm chí không có mặt trong ngày cô sinh đứa con đầu lòng. Rồi sự nghiệp thể thao của anh ta sa sút, mâu thuẫn xuất hiện, họ ly dị. Thúy bán nhẫn cưới của mình đi, mua một chiếc xe cũ, và ôm đứa con lăn lộn mưu sinh bằng việc làm thuê cho cửa hàng đồ ăn nhanh.
“Tôi đã tự lao đầu vào rắc rối suốt cả cuộc đời mình” - Thúy viết. Những cuộc hôn nhân tiếp theo không thành. Cô thậm chí còn vướng vào ma túy, và từng ngồi tù. Phải đến hơn 40 năm sau, khi đã trở thành bà ngoại, Thúy Nguyễn mới tìm thấy sự thanh thản trong cuộc sống. Hiện nay, cô đang tham gia điều phối một tổ chức giúp đỡ những người con nuôi Việt Nam tại Mỹ, cũng như con cái của họ.
Năm 2015, cô quay trở về Việt Nam lần thứ 2, vẫn không mang ý định tìm mẹ ruột. Cô chỉ coi đó là một dịp kỷ niệm ngày mình đã ra đi. Nhưng rồi ở đó, khi chứng kiến cuộc đoàn tụ với gia đình của bạn bè, khi nhận ra rằng những người mẹ cũng đã đau khổ đến mức nào khi phải bỏ con mình lại trong loạn lạc, Thúy mới hiểu rằng cô thể cô đã trách nhầm người sinh ra mình.
Cuối tháng 4.2015, sau khi quay trở về Mỹ, Thúy quyết định liên lạc lại với phóng viên tại Việt Nam, và bày tỏ mong muốn tìm lại mẹ ruột. Thông tin cô cung cấp như sau:
“Trong khoảng thời gian năm 1972 hoặc 1973, có một người phụ nữ khoảng 30 tuổi, có giọng nói của người dân Quảng Nam hoặc Đà Nẵng, làm việc ”Trong một Sở Mỹ” ở Đà Nẵng, mang 03 đứa con gồm 2 trai, là con lai Mỹ da trắng và 01 con gái lai Mỹ da đen, gồm: Nguyễn Văn Thạnh (hoặc là Thanh) sinh 1966; Nguyễn Thị Thúy, sinh 1968 và Nguyễn Văn Thành, sinh 1970 đến gửi Cô Nhi Viện Ly Băng, trường Hùng Việt, tại An Cư 3, quận 3, thành phố Đà Nẵng (Nay thuộc tổ An Cư 3, phường An Hải Đông, Quận Sơn Trà, Tp Đà Nẵng).
Hằng tuần người mẹ vẫn đến thăm con, tuy nhiên đến 1975 do biến động chiến tranh các xơ trong cô nhi viện đã gọi người mẹ đến đưa hai con trai về nuôi lại, từ đó đến nay xơ không biết ở đâu. Riêng người con gái lai Mỹ da đen đã làm thủ tục cho làm con nuôi đến Mỹ trước đó”.
Nếu ai có thông tin về Ông Nguyễn Văn Thạnh (Thanh) hoặc Thành, xin liên hệ đến báo Lao Động hoặc ông Lê Cao Tâm, người đang nhận việc tìm kiếm cho Thúy tại Việt Nam, tại địa chỉlecaotam@motherland-heritage.com.
“Tôi từng nói rằng mình không muốn đi tìm mẹ. Nhưng bây giờ, tôi cũng ước rằng, có ai đó đang đi tìm kiếm mình...” - Thúy Nguyễn nói trong nước mắt, khi một người bạn của cô, cũng là con nuôi gốc Việt, tìm thấy gia đình tại Việt Nam.
Theo Lao động